“Mỏ vàng” ngành nông nghiệp?

Nhiều năm qua, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD . Thế nhưng, việc sử dụng, chế biến phế, phụ phẩm từ nông nghiệp-nguồn tài nguyên tái tạo vốn được xem là “mỏ vàng”-chưa được khai phá đáng kể.

Kiếm tiền tỷ từ phế, phụ phẩm

Đã có lần chúng tôi có dịp đến thăm Công ty Cổ phần T&T 159 (xã Yên Mông, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) chăn nuôi bò theo quy mô trang trại công nghiệp. Tiếp chúng tôi, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty khoe: “Tiền bán phân bò mỗi tháng cũng đem về doanh thu cho công ty 100-200 triệu đồng đấy!”. Vừa mới gặp khách mà đã khoe chuyện bán phân thì đúng là sốc. Nhưng với chúng tôi thì đây là tin tốt đối với ngành nông nghiệp.

Nói rồi, ông Thắng kể về chuyện mua vỏ cây bạch đàn làm đệm lót sinh học nuôi bò, rồi xử lý phân ra sao để bảo đảm môi trường, sau đó đem bán cho các hộ trồng trọt. Hay như trang trại chăn nuôi lợn của ông Trịnh Văn Đạt ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), mỗi tháng, tiền bán phân cho các trang trại trồng trọt quanh vùng thu về hơn chục triệu đồng. Một vòng khép kín của kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn.

Mô hình ủ rơm thành phân hữu cơ tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng khối lượng phụ phẩm ở nước ta hiện nay khoảng 158,8 triệu tấn; trong đó, 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%)…

Ở lĩnh vực thủy sản, một số doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ cao vào chế biến phụ phẩm mang lại giá trị gia tăng cao. Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn Collagen ở tỉnh Đồng Tháp là doanh nghiệp đầu tiên của cả nước chế biến đầu cá, ruột cá, xương cá, đuôi cá làm bột cá-nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi.

Từ năm 2015, công ty đã xây dựng nhà máy sản xuất collagen và gelatin từ da cá tra. Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) là đơn vị tiên phong và dẫn đầu trong mảng xử lý sản phẩm đồng hành từ tôm tại Việt Nam, như chitin (polymer sinh học chiết xuất từ vỏ tôm) để sản xuất chitosan, glucosamine (dùng trong sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm).

Đánh thức tiềm năng từ phế, phụ phẩm nông nghiệp

Tổng sản lượng phụ phẩm nông-lâm-thủy sản ở nước ta tuy lớn nhưng đến nay, việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên hữu cơ này chưa phù hợp; lượng phế, phụ phẩm được khai thác, sử dụng mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế vẫn rất khiêm tốn.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay: “Hiện một số doanh nghiệp đã đầu tư vào thu gom, sơ chế, chế biến phế, phụ phẩm thủy sản nhưng chủ yếu làm thức ăn chăn nuôi như: Bột cá, bột đầu tôm, dung dịch protein thủy phân từ đầu tôm. Ngoài ra, một vài doanh nghiệp đã đầu tư, chế biến sâu các sản phẩm như: Chitosan, chitin từ vỏ tôm, vỏ cua; gelatin, collagen từ mỡ cá, da cá. Đối với phụ phẩm của ngành lâm nghiệp thì thu gom, chế biến thành ván ép, gỗ ép, đệm lót sinh học phục vụ chăn nuôi, ép viên làm chất đốt…

Phụ phẩm từ ngành trồng trọt có khối lượng lớn nhất, trong đó gần 43 triệu tấn rơm thì mới thu gom, sử dụng khoảng 52,2% vào nhiều mục đích khác nhau, như: Thức ăn chăn nuôi, chất độn chuồng, nguyên liệu trồng nấm, sản xuất phân bón hữu cơ… Phần rơm rạ còn lại chủ yếu được nông dân đốt ngay tại ruộng. Cách làm này vừa gây lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở khu vực ngoại ô các thành phố lớn.

Viên nén dùng để sưởi ấm được sản xuất từ chất thải của ngành lâm nghiệp tại Nhà máy Viên năng lượng Cam Lộ (Quảng Trị)

Chất thải chăn nuôi cũng chưa được thu gom, sử dụng hiệu quả, chỉ đạt 48% ở quy mô nông hộ và gần 100% ở quy mô trang trại. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu đầu tư khai thác, chế biến sâu, chỉ riêng nguồn phụ phẩm ngành thủy sản phục vụ sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm cũng có thể thu về 4-5 tỷ USD. Việc đầu tư, sản xuất chế biến phế, phụ phẩm nông nghiệp mang lại lợi ích kép, không chỉ làm gia tăng chuỗi giá trị của nông-lâm-thủy sản mà đồng thời còn góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường”.

Để đánh thức “mỏ vàng”, nguồn tài nguyên tái tạo này, theo ông Tống Xuân Chinh: Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; cùng với đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học.

Đồng thời có chính sách khuyến khích nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới nhằm xử lý, chế biến phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; phân bón hữu cơ; sản xuất năng lượng tái tạo; các loại dầu sinh học và năng lượng sinh học từ sinh khối phụ phẩm nông nghiệp. Xây dựng quy trình thu gom, bảo quản, chế biến phụ phẩm nông nghiệp ở quy mô nông hộ, trang trại, công nghiệp.

Việc thu gom, xử lý, chế biến và sử dụng hiệu quả phế, phụ phẩm nông nghiệp có ý nghĩa to lớn đối với bảo vệ môi trường, duy trì sự đa dạng sinh học, thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn… đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân, doanh nghiệp, ngành nông nghiệp và cho đất nước.