Các “đại gia” tuyên chiến với ô nhiễm nhựa

Hãng tin Reuters ngày 17-1 đưa tin các thương hiệu quốc tế như Coca-Cola và Pepsi đã kêu gọi thiết lập một hiệp ước toàn cầu để chống lại tình trạng ô nhiễm nhựa.

Cụ thể, các quan chức quốc tế sẽ có mặt tại hội nghị Hội đồng Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEA 5.2) tổ chức trong năm nay để bắt đầu đàm phán về hiệp ước giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa đang làm tắc nghẽn các bãi rác, cạn kiệt đại dương và giết hại động vật hoang dã. “UNEA 5.2 là thời điểm quyết định nhất, tốt đẹp nhất để lật ngược tình thế đối với cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu. Chúng tôi không thể bỏ lỡ nó” – trích tuyên bố chung của các công ty. Hơn 70 công ty đã ký vào tuyên bố chung nói trên, trong đó có những hãng hàng tiêu dùng như Unilever và Nestle (bán rất nhiều sản phẩm đựng trong vật chứa làm bằng nhựa dùng một lần)…

Rác thải nhựa vứt bừa bãi trong hồ Potpecko, gần nhà máy thủy điện tại thị trấn Priboj – Serbia. (Ảnh: REUTERS)

Theo Reuters, hiện chưa rõ liệu có thỏa thuận nào tập trung vào việc quản lý và tái chế chất thải nhựa hay thực hiện các bước khó khăn hơn như hạn chế sản xuất nhựa mới. Đây là động thái có khả năng vấp phải sự phản kháng từ các công ty hóa chất và dầu mỏ lớn cũng như các nước sản xuất nhựa lớn như Mỹ.

Thống kê cho thấy chưa đến 10% số nhựa được sản xuất đã được tái chế. Một cuộc điều tra năm 2021 của Reuters hé lộ các công nghệ tái chế mới do ngành công nghiệp nhựa giới thiệu lại không mấy hiệu quả. Trong khi đó, sản lượng nhựa có nguồn gốc từ ngành dầu khí dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới. Trong tương lai, đây là nguồn doanh thu chính của các cường quốc năng lượng khi nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch giảm xuống trong lúc năng lượng tái tạo và xe điện lên ngôi.

Một nghiên cứu năm 2020 của tổ chức phi lợi nhuận Pew Charitable Trusts (Mỹ) cho thấy dù mở rộng hoạt động tái chế ra quy mô toàn cầu là rất quan trọng song những nỗ lực này sẽ không ngăn chặn được tình trạng ô nhiễm nhựa nếu không hạn chế sản xuất.