85% Ban quản lý rừng đã được phê duyệt phương án tự chủ

Tính đến hết tháng 9/2019, có 110/129 Ban quản lý rừng đã được phê duyệt phương án tự chủ, chiếm trên 85% số đơn vị.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ ngày 19/12 tại Hà Nội.

Đó là số liệu công bố tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ ngày 19/12 tại Hà Nội do Bộ NN-PTNT tổ chức.

Khó thu hút nguồn lực

Đến nay, cả nước đã thiết lập 164 BQL RĐD, bao gồm 33 Vườn quốc gia, 57 Khu Dự trữ thiên nhiên, 12 Khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 53 Khu bảo vệ cảnh quan, 9 Khu nghiên cứu khoa học, thực nghiệm và 231 BQL rừng phòng hộ. Các BQL RĐD, RPH đang quản lý khoảng 46,7% diện tích đất lâm nghiệp, đại diện cho hầu hết các hệ sinh thái quan trọng trên cạn, trên biển, đất ngập nước.

Các khu rừng rừng đặc dụng, phòng hộ phân bố đều các tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam với 54/63 tỉnh thành có các khu rừng đặc dụng được thành lập, chiếm 85,7% và 59/63 tỉnh có rừng phòng hộ, chiếm 93,7% và cả nước có 395 Ban quản lý rừng.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Trị, tổng hợp số liệu 129 BQL rừng cho thấy không có BQL rừng tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư (0%). Có 9/129 BQL tự chủ 100% chi thường xuyên (6,97%). Có 30/129 BQL tự chủ một phần chi thường xuyên (23,26%) và có tới 90/129 BQL do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (69,77%).

Với dân số khoảng 100 triệu người cũng hàng triệu du khách quốc tế mỗi năm, nếu biết vận dụng và khai thác hiệu quả, rừng tự nhiên sẽ đem lại nguồn kinh tế rất lớn và bền vững.

Như vậy, chỉ có 9 BQL rừng tự chủ 100% chi thường xuyên, chiếm chưa đến 7% tổng số các BQL đã gửi báo cáo. Trong số đó có 5 VQG (Ba Vì, Cúc Phương, Bạch Mã, Cát Tiên, Tà Đùng Đăk Nông); 2 Khu Bảo tồn thiên nhiên (Nam Nung Đăk Nông và Suối Mỡ Bắc Giang); 2 BQL Rừng phòng hộ (Mường Tè Lai Châu và Xuân Lộc Đồng Nai). Đặc biệt, BQL Rừng phòng hộ Mường Tè có nguồn thu chủ yếu từ dịch vụ môi trường rừng, BQL Rừng phòng hộ Xuân Lộc có nguồn thu chủ yếu từ sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Kết quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các BQL rừng cho thấy mức độ tự chủ của các BQL RĐD trong chi thường xuyên cao hơn so với các BQL RPH và ngân sách nhà nước phải đảm bảo chi thường xuyên cho các BQL RPH lớn hơn so các BQL RĐD. Có tới 70% các BQL RĐD và RPH do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; các BQL RĐD, RPH còn rất khó khăn trong thu hút các nguồn lực tài chính xã hội hóa và ngân sách nhà nước vẫn là nguồn chủ yếu trong đầu tư bảo vệ và phát triển rừng.

Tự chủ cần có lộ trình

Theo ông Nguyễn Duy Thịnh, Phó Giám đốc VQG Hoàng Liên (Lào Cai), hàng năm tổng nguồn thu của VQG Hoàng Liên khoảng trên 20 tỷ đồng. Trong đó, thu vé từ du lịch sinh thái rừng đặc dụng khoảng 6 -7 tỷ đồng, từ chi trả dịch vụ môi trường rừng trên 10 tỷ đồng và trên 19 tỷ đồng từ đơn vị vận hành cáp treo.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, khác với các VQG trực thuộc Bộ NN-PTNT được giữ lại 90% nguồn thu, VQG Hoàng Liên chỉ được giữ lại 20%, còn lại 80% phải nộp ngân sách nên rất mong Bộ NN-PTNT có cơ chế chung cho các VQG, BQL để có nguồn lực tái đầu tư và từng bước tự chủ.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, cả nước hiện có 14,45 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 10,3 triệu ha, rừng trồng 4,2 triệu ha. Trong số diện tích rừng tự nhiên, rừng đặc dụng (RĐD) 2,15 triệu ha và rừng phòng hộ (RPH) 4,6 triệu ha.

Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng kiến nghị, hiện phí chi trả dịch vụ môi trường rừng của VQG Hoàng Liên chỉ được chi trả cho các công trình thủy điện nội tỉnh Lào Cai, còn các công trình thủy điện bên phía Lai Châu thuộc VQG Hoàng Liên lại nộp về tỉnh Lai Châu nên nếu giao tự chủ 100%, ông Thịnh cho rằng cần phải thống nhất một đấu mối về nguồn thu này.

Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc VQG Cúc Phương (Ninh Bình) kiến nghị, tới đây khi giao các đơn vị như VQG, BQL rừng đặc dụng, phòng hộ tự chủ, kiến nghị Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính cần phải có định mức kinh tế kỹ thuật để tự chủ. Bên cạnh đó, hiện phí tham quan theo quy định của Bộ Tài chính chỉ là 60.000 đồng/người, trong khi so với các khu du lịch khác đang rất thấp, nên nếu được ông Chính đề nghị nâng mức giá lên 90.000 đồng/người hoặc có thể chuyển sang cơ chế về giá.

Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên Phạm Hồng Lượng chia sẻ, VQG Cát Tiên có thuận lợi là đa dạng sinh học, từ khu dự trữ sinh quyển tới khu bảo tồn ngập nước và di lịch lịch sử để thu hút du khách trong và ngoài nước. Từ đó, giúp VQG Cát Tiên trong những năm qua tự chủ một phần với nguồn thu trung bình đạt 70 – 80 tỷ đồng/năm. Với nguồn lực như, ông Lượng khẳng định giúp đơn vị đảm bảo nội dung chi của đơn vị như chi lương, tuần tra, phòng cháy, chữa cháy.

Là một trong những đơn vị có nguồn thu tốt nhất trong các VQG hiện nay, nhưng ông Lượng thừa nhận việc tự chủ là việc đột phá, khó nên cần có lộ trình cụ thể cho từng đơn vị. Ví dụ như chủ hoàn toàn trong vòng 5 năm để các đơn vị có kế hoạch. Bên cạnh đó, với đơn vị sự nghiệp công lập mà tự chủ phải có định mức rõ ràng hơn, cụ thể hơn, nếu có được sự đầu tư ban đầu của nhà nước là thuận lợi nhất, bởi có những lĩnh vực mà đơn vị không tự giải quyêt được, điển hình là hạ tầng và giao thông kết nối.

Với dân số khoảng 100 triệu người cũng hàng triệu du khách quốc tế mỗi năm, nếu biết vận dụng và khai thác hiệu quả, rừng tự nhiên sẽ đem lại nguồn kinh tế rất lớn và bền vững.

GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp nhấn mạnh, bất cứ ngành nào của chúng ta cũng cần phải tự chủ, chứ không riêng gì ngành Lâm nghiệp. Tuy nhiên, ông Chứ cũng đồng tình là cần cần phải có lộ trình và các phương án tự chủ phù hợp cho từng đơn vị và khu vực. Trước tiến, cần phải có sự nhất quán, thống nhất về cơ cấu tổ chức và bộ máy, từ đó mới có lộ trình về tự chủ trung hạn, dài hạn được chứ hiện nay các VQG, BQL rừng đặc dụng, phòng hộ mỗi nơi mỗi kiểu và trực thuộc nhiều đơn vị khác nhau.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Bộ tổ chức Hội nghị chuyên đề về rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bởi nhận thấy vai trò hết sức quan trọng với đời sống của rừng và ngành kinh tế lâm nghiệp với đất nước trong hiện tại và tương lai.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đã hình thành được một nền kinh tế lâm nghiệp với các doanh nghiệp lớn mạnh trong lĩnh vực chế biến lâm sản và xuất khẩu với giá trị lên tới 11 tỷ USD năm 2019. Bên cạnh ngành kinh tế lâm nghiệp, khu vực rừng tự nhiên Việt Nam sắp hoàn thành tỷ lệ che phủ rừng đạt 42% vào năm 2020, hiếm quốc gia nào có được.

“Tuy nhiên, chúng ta chưa bằng lòng với kết quả đạt được, cháy rừng vẫn còn, xâm hại, khai thác, đánh bắt một số loài đặc hữu vẫn xảy ra. Cả nước có 395 Ban quản lý rừng và cơ bản vẫn còn khó khăn. Do đó, trong giai đoạn mới ngành lâm nghiệp phải xác định quản lý hai loại rừng kinh tế và tự nhiên thặt chặt chẽ, hợp lý bám sát Luật Lâm nghiệp năm 2017 và tái cơ cấu ngành”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, thời gian tới ngành Lâm nghiệp cần chuẩn bị tích cực chương trình phát triển giai đoạn 2021 – 2025, trong đó tập trung lập quy hoạch và thành lập Ban Chỉ đạo lâm nghiệp Quốc gia để thực hiện khả thi nhiệm vụ này.

Tiếp đến, cần tập trung quy hoạch và làm rõ cơ cấu tỷ lệ giữ rừng tự nhiên và rừng kinh tế giai đoạn tiếp theo, giữ nguyên 14,45 triệu ha rừng tự nhiên hay tăng tiếp. Kế đến, hoàn thiện toàn bộ các thể chế và văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới linh vực lâm nghiệp.

“Đặc biệt, cố gắng hoàn thiện thật rõ về mô hình quản lý, thật rõ về cơ chế tự chủ trên tinh thần hiệu quả về môi trường cao nhất và hiệu quả về kinh tế tốt nhất. Nếu cần thiết, nên chọn ra mỗi loại hình BQL một đơn vị tốt nhất để tổ chức làm điểm sau đó rút kinh nghiệm hoàn thiện và nhân rộng. Như vậy, việc giao kế hoạch tự chủ cho các đơn vị sẽ gần với thực tế nhất và tỷ lệ thành công cũng sẽ ở mức cao nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.