Năm 2021, kinh tế toàn cầu thiệt hại 280 tỷ USD do thiên tai

Munich Re – Công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới vừa công bố Báo cáo cho thấy, năm 2021, thiên tai đã gây thiệt hại kinh tế lên đến 280 tỷ USD trên toàn cầu. Đây là năm hứng chịu tổn thất cao thứ hai từng được ghi nhận, trong đó, chưa đến 50% giá trị tổng thiệt hại này được bảo hiểm chi trả.

Năm 2021, các thảm họa thiên nhiên đã cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người và gây tổng thiệt hại lên đến 280 tỷ USD, cao hơn đáng kể so với 210 tỷ USD của năm 2020 và 166 tỷ USD hồi năm 2019. Công ty Munich Re ước tính, tổng thiệt hại được bảo hiểm chi trả khoảng 120 tỷ USD trong năm 2021, cao hơn con số ước tính 105 tỷ USD mà đối thủ cạnh tranh Swiss Re công bố vào tháng 12/2021.

Trên toàn cầu, Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất về những tổn thất do thiên tai gây ra trong năm 2021, với khoảng 145 tỷ USD, trong đó khoảng 85 tỷ USD đã được bảo hiểm. Thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất trên thế giới là cơn bão Ida đổ bộ Mỹ và Canada từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9/2021, gây tổng thiệt hại lên đến 65 tỷ USD, trong đó 36 tỷ USD đã được bảo hiểm.

Cũng trong năm 2021, thảm họa gây thiệt hại lớn thứ hai trên toàn cầu là trận lũ quét kéo theo lượng mưa rất lớn ở Đức vào tháng 7, gây thiệt hại 54 tỷ USD, trong đó 13 tỷ USD đã được bảo hiểm.

So với toàn thế giới, tổn thất do thiên tai tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương được cho là ở mức khá khiêm tốn, với 50 tỷ USD, nhưng lại tụt hậu so với phần còn lại của thế giới về số tiền được đền bù, khi chỉ một phần nhỏ trong số các thiệt hại của khu vực này được bảo hiểm.

Cư dân dọn dẹp đống đổ nát giữa những mảnh vỡ còn sót lại do thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt gây chết người trên sông Ahr ở Schuld, Đức vào tháng 7/2021. (Ảnh: Reuters)

Theo Báo cáo của Munich Re, thiệt hại kinh tế 50 tỷ USD ở châu Á – Thái Bình Dương chỉ chiếm 18% tổng giá trị toàn cầu. Tuy vậy, chỉ có 9 tỷ USD trong số đó được bảo hiểm, còn 83% không được bảo hiểm, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 57%.

Tiến sĩ Achim Kassow – thành viên Ban Quản lý của Công ty Munich Re đánh giá, các thảm họa thiên nhiên trong năm 2021 đã cho thấy rõ khoảng cách chênh lệch về bảo hiểm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tại khu vực này, thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại nặng nề nhất trong năm 2021 là trận lũ lụt nghiêm trọng do mưa lớn gây ra ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc hồi tháng 7. Thảm họa đã khiến hơn 300 người thiệt mạng và 50 người khác vẫn đang mất tích.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng hứng chịu những thiệt hại lớn về tài sản và nông nghiệp do trận lũ lụt này gây ra. Munich Re thống kê, tổng chi phí kinh tế trong các lĩnh vực này vào khoảng 16,5 tỷ USD, nhưng chỉ khoảng 10% được bảo hiểm.

Tương tự, một trận động đất mạnh 7,1 độ richter xảy ra ngoài khơi bờ biển phía Đông Nhật Bản hồi tháng 2 năm ngoái đã gây thiệt hại lên đến 7,7 tỷ USD. Tổn thất được bảo hiểm chỉ là 2,3 tỷ USD, tạo ra khoảng chênh lệch bảo hiểm là 70%.

Theo dự báo, các thảm họa thời tiết sẽ trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Điều này thúc giục các chủ sở hữu tài sản triển khai các biện pháp bảo vệ để chống thiệt hại. Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, các sự kiện thời tiết trong năm 2021 đã trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, đồng thời cảnh báo thiên tai sẽ nhiều hơn và thậm chí tồi tệ hơn khi bầu khí quyển Trái đất tiếp tục ấm lên trong suốt thập kỷ tới và xa hơn.

Ông Torsten Jeworrek, thành viên Hội đồng quản trị của Munich Re nhấn mạnh: “Những hình ảnh về thảm họa thiên nhiên trong năm 2021 rất đáng lo ngại. Các nghiên cứu về khí hậu ngày càng làm rõ các kiểu thời tiết cực đoan đã trở nên phổ biến hơn”.

Trong một số trường hợp, các công ty bảo hiểm đã tăng mức phí do khả năng xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng và một số khu vực đã ngừng cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các hiện tượng thời tiết.

Theo ông Ernst Rauch – người đứng đầu bộ phận Giải pháp khí hậu tại Công ty Munich Re, mật độ bảo hiểm lớn hơn có thể giúp người dân và các quốc gia ứng phó tốt hơn với thiệt hại kinh tế do thảm họa và giúp họ nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường. Ông cho rằng, việc phát triển quan hệ đối tác công – tư với các Chính phủ có thể giúp ngăn ngừa các thiệt hại không được bảo hiểm.