Chuyên gia WHO: Tiêm nhắc lại liên tục không phải chiến thuật khả thi

Nhóm cố vấn kỹ thuật của WHO cho rằng chiến thuật tiêm nhắc lại liên tục các mũi vaccine ngừa Covid-19 có thành phần không được cập nhật nhiều khả năng sẽ không bền vững.

“Tuy một số nước có thể khuyến nghị tiêm tăng cường, ưu tiên trước hết của thế giới là đẩy nhanh khả năng tiếp cận các mũi tiêm chính, đặc biệt là với các nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng”, nhóm cố vấn kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về cấu tạo vaccine nói trong một tuyên bố ngày 11/1.

Nhóm cố vấn – bao gồm những chuyên gia độc lập – cũng kêu gọi thế giới nên phát triển những loại vaccine ngừa Covid-19 không những có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong mà còn có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn lây nhiễm.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy hai mũi tiêm của các vaccine hiện tại bị giảm hiệu quả trước Omicron. Ảnh: Reuters.

“Cho tới khi thế giới có loại vaccine như vậy và trong khi SARS-CoV-2 tiếp tục biến đổi, cấu tạo của vaccine hiện tại có thể cần được cập nhật, để đảm bảo vaccine còn giữ được hiệu quả ở mức khuyến cáo của WHO trước các biến chủng đáng quan ngại, bao gồm Omicron và chủng tương lai”, nhóm chuyên gia nói.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy hai mũi vaccine ngừa Covid-19 sẽ giảm hiệu quả trước Omicron, nhưng mũi tăng cường sẽ kéo lại mức độ bảo vệ.

Một phân tích của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho thấy mũi tăng cường cung cấp mức độ bảo vệ cao cho người cao tuổi trước Omicron. Tuy nhiên, thời gian bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng nhẹ ngắn hơn, giảm xuống còn khoảng 30% sau khoảng 3 tháng.

Cho tới nay, một số nhà sản xuất vaccine đã và đang phát triển vaccine thế hệ mới để chống lại Omicron, theo Reuters.

Ngày 10/1, CEO Pfizer, ông Albert Bourla cho biết hãng này có thể sẵn sàng giao vaccine chuyên ngừa Omicron vào tháng 3. Moderna cũng đang nghiên cứu vaccine chống Omicron nhưng nhiều khả năng sẽ không kịp cho ra đời sản phẩm trong hai tháng tới.