Các thảm họa thời tiết năm 2021 đã “ngốn” của nhân loại bao nhiêu tiền?

Công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới Swiss Re vừa ước tính các thảm họa thiên nhiên và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gây ra cho thế giới trong năm nay.

Tổ chức từ thiện Christian Aid của Vương quốc Anh mới đây đã công bố một báo cáo thường niên, trong đó cho thấy 10 thảm họa thời tiết nhất gây thiệt hại lớn nhất trong năm 2021 đã khiến thế giới mất hơn 170 tỷ USD, tăng hơn 20 tỷ USD (tương đương 13%) so với năm 2020.

Christian Aid cho biết mức tăng trên phản ánh tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Tổ chức này nói thêm rằng 10 thảm họa được đề cập cũng khiến ít nhất 1.075 người thiệt mạng và 1,3 triệu người phải di dời tới các khu vực khác.

Thảm họa tốn kém nhất vào năm 2021 là cơn bão Ida tấn công miền Đông nước Mỹ, gây thiệt hại khoảng 65 tỷ USD.

Cơ sở hạ tầng và phương tiện bị tàn phá do mưa lũ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau khi đổ bộ vào bang Louisiana hồi cuối tháng 8, cơn bão di chuyển theo hướng Bắc và gây ra lũ lụt trên diện rộng ở thành phố New York cùng khu vực xung quanh.

Mùa Xuân năm nay, một đợt sương giá muộn khi nhiệt độ giảm sâu đã tàn phá các vườn nho ở Pháp. Hiện tượng thời tiết cực đoan này đã làm giảm khoảng 30% sản lượng nho của nước này, gây thiệt hại tới 2 tỷ euro (2,3 tỷ USD).

Phân tích của Hiệp hội Khoa học World Weather Attribution (WWA) nêu rõ biến đổi khí hậu đã gây đợt giá lạnh lịch sử, tàn phá khoảng 70% các vùng sản xuất rượu vang của Pháp.

Trận lũ lụt lớn ở Tây và Trung Âu vào tháng Bảy nằm ở vị trí thứ 2 trong danh sách với thiệt hại 43 tỷ USD.

Xếp sau đó là cơn bão tuyết mùa Đông tại Texas, Mỹ đã gây thiệt hại 23 tỷ USD cho mạng lưới điện của bang này. Tiếp theo là trận lụt ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc hồi tháng Bảy gây thiệt hại ước tính khoảng 17,6 tỷ USD.

Các thảm họa khác khiến thế giới tổn hại hàng tỷ USD bao gồm lũ lụt ở Canada, đợt băng giá hồi cuối mùa Xuân ở Pháp làm hư hại các vườn nho, và một cơn lốc xoáy đi qua Ấn Độ và Bangladesh vào tháng Năm.

Báo cáo cho hay, 4 trong số 10 thảm họa tốn kém nhất xảy ra ở châu Á, với tổng mức thiệt hại do lũ lụt và bão trong khu vực này gay ra lên tới 24 tỷ USD.

Christian Aid cảnh báo thiệt hại về tài chính và con người do quá trình biến đổi khí hậu gây ra dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao, trừ khi các chính phủ tăng cường nỗ lực cắt giảm khí thải và kiềm chế tình trạng nóng lên toàn cầu.

Báo cáo trên tính toán chi phí của các sự cố thời tiết như lũ lụt, hỏa hoạn và các đợt nắng nóng dựa trên các yêu cầu bảo hiểm và kết quả của chúng.

Christian Aid thừa nhận đánh giá của họ chủ yếu bao gồm thảm họa tự nhiên ở các nước giàu, nơi cơ sở hạ tầng được bảo hiểm tốt hơn.

Trong khi đó, thiệt hại tài chính từ các thảm họa thiên nhiên đối với các nước nghèo thường khó có thể ước tính.

Báo cáo đưa ra ví dụ về Nam Sudan, nơi lũ lụt đã ảnh hưởng đến khoảng 800.000 người dân nước này.

Cuối tháng 8 vừa qua, cơn bão Ida đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người và gây thiệt hại khoảng 100 tỷ USD khi càn quét từ bang Louisiana, miền Nam nước Mỹ, cho tới khắp khu vực Đông Bắc nước này. Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ cho biết 4 trong số 6 cơn bão lớn nhất nước Mỹ, trong đó có Ida, xảy ra trong vòng 5 năm qua.

Thông cáo báo chí của Christian Aid lưu ý một số sự kiện thời tiết cực đoan có sức tàn phá khủng khiếp nhất trong năm 2021 đã xảy ra đối với các quốc gia nghèo hơn, vốn ít góp phần gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.

Vào giữa tháng 12, công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới Swiss Re ước tính các thảm họa thiên nhiên và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã gây ra thiệt hại khoảng 250 tỷ USD cho thế giới trong năm nay.

Con số này tăng 24% so với năm 2020, trong khi thiệt hại tính riêng cho ngành bảo hiểm là cao thứ tư kể từ năm 1970 tới nay.

Từ hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng cùng các trận lũ lụt lịch sử xảy ra trong mùa hè, các chuyên gia nhận định biến đổi khí hậu do con người gây ra đang tàn phá thời tiết trên thế giới.