Rừng cộng đồng: Mô hình thiết thực, hiệu quả

Hai khu rừng tự nhiên do cộng đồng người Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị chăm sóc, bảo vệ đã được cấp chứng chỉ quốc tế FSC đầu tiên trong cả nước

Ông Nguyễn Đình Đại, Trưởng Văn phòng Quảng Trị của Tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV), xác nhận lần đầu tiên tại Việt Nam, 2 khu rừng cộng đồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng quốc tế FSC (gọi tắt là chứng chỉ FSC). Đó là rừng tự nhiên do cộng đồng người dân thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng và thôn Hồ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa quản lý.

Tự nguyện giữ rừng

Chênh Vênh và thôn Hồ là 2 thôn miền núi với 100% đồng bào Vân Kiều sinh sống. Rừng tự nhiên ở 2 thôn này được huyện Hướng Hóa giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ từ năm 2017.

Trong năm 2020, từ hỗ trợ của dự án PROSPER – do Liên minh châu Âu (EU) và MCNV đồng tài trợ, MCNV phối hợp với Hội Các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Cụ thể: Xây dựng các tổ quần chúng bảo vệ rừng cộng đồng, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức về chứng nhận quản lý rừng bền vững, quản lý tài nguyên rừng, khai thác lâm sản bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học.

MCNV còn triển khai dự án hỗ trợ trồng 270 ha rừng trẩu xen cây bản địa như lát hoa, xoan nhừ, gáo trắng tại 2 xã Hướng Phùng và Hướng Sơn để phát triển sinh kế lâm sản ngoài gỗ, phát triển vườn ươm cây bản địa; xây dựng mô hình du lịch sinh thái, bao gồm điểm du lịch thác Chênh Vênh và du lịch cộng đồng khu dân cư Rờ Vê – thác Chênh Vênh. Ngoài ra, MCNV cũng hỗ trợ thành lập và đào tạo nghề cho 6 nhóm với 49 thành viên, sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ từ tre và các vật lưu niệm khác.

Tại thôn Chênh Vênh, cánh rừng tự nhiên được cấp chứng chỉ FSC rộng 676 ha, do 80 hộ dân tham gia bảo vệ. Khu rừng này còn khá nguyên sơ với nhiều cây đường kính khoảng 1 m như dổi, sao sao, sao cát, lội… Nhiều loài thú quý có trong Sách đỏ cũng được ghi nhận ở khu rừng này, như voọc gáy trắng, các loài khỉ, gà lôi, hươu, nai. Khu rừng tự nhiên này còn có rất nhiều tre, nứa, mây và cây dược liệu.

Ông Hồ Văn Chiến, Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, cho biết từ khi được giao rừng, cộng đồng thôn đã thành lập ban quản lý, ban giám sát và 7 tổ bảo vệ gồm 42 người. Tất cả thành viên đều tham gia trên tinh thần tự nguyện. Dù không được hưởng bất cứ kinh phí nào nhưng tinh thần giữ rừng của người dân ở đây rất cao.

“Mỗi tuần một lần, thôn Chênh Vênh lại cắt cử người luân phiên nhau đi tuần rừng. Mỗi chuyến tuần rừng kéo dài 1-2 ngày, với 4-5 người tham gia. Khi phát hiện người lạ hoặc rừng có dấu hiệu bị xâm phạm, tổ tuần rừng sẽ ngăn chặn, đẩy đuổi, đồng thời trình báo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Vì được bảo vệ nghiêm ngặt như thế nên cánh rừng cộng đồng của thôn sinh trưởng, phát triển tốt” – ông Chiến khẳng định.

Trong khi đó, thôn Hồ có 85 hộ dân tham gia quản lý cánh rừng tự nhiên rộng 886 ha. Khác với Chênh Vênh, diện tích rừng ở thôn Hồ nằm trong lưu vực thủy điện Rào Quán nên chủ rừng được hưởng 800.000 đồng/ha/năm từ phí dịch vụ môi trường rừng.

Rừng tự nhiên trên địa bàn thôn Hồ được giao cho từng dòng họ quản lý. Mỗi dòng họ chọn ra những người có uy tín, ảnh hưởng nhất để giám sát. Nếu người giám sát phát hiện ai đó trong dòng họ có hành vi tiếp tay, xâm hại đến rừng thì sẽ xử lý, thậm chí loại khỏi danh sách tham gia nhận khoán, bảo vệ rừng.

Rừng cộng đồng ở thôn Chênh Vênh có rất nhiều cây lớn và động vật quý (Ảnh: nld.com.vn)
Người dân thôn Hồ tuần tra, bảo vệ rừng cộng đồng (Ảnh: nld.com.vn)

Mở rộng, nâng tầm rừng cộng đồng

Theo thống kê, đến cuối năm 2020, tỉnh Quảng Trị đã giao khoảng 20.000 ha rừng tự nhiên cho hơn 100 cộng đồng và gần 1.000 hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Dù vậy, chỉ khoảng 35% diện tích rừng giao cho cộng đồng và hộ gia đình nằm trong khu vực được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trong khi đó, tất cả diện tích rừng này đều mang lại các giá trị hệ sinh thái như: đa dạng sinh học, tài nguyên di truyền, hấp thụ carbon, bảo vệ nguồn nước, văn hóa tinh thần…

“Việc các diện tích còn lại chưa được tiếp cận khoản chi trả dịch vụ môi trường rừng là một thách thức trong việc bảo vệ rừng. Trong bối cảnh hệ sinh thái môi trường rừng đang có nguy cơ mất bền vững từ sự phát triển kinh tế – xã hội; những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng lớn đối với đời sống, sinh kế của các cộng đồng đang giữ rừng, việc tìm kiếm cơ chế chi trả dịch vụ bảo vệ hệ sinh thái là yêu cầu cấp thiết” – ông Nguyễn Vũ, điều phối Chương trình Rừng của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), nhìn nhận.

Trước thực trạng đó, theo ông Nguyễn Đình Đại, với sự hỗ trợ từ dự án PROSPER, trong năm 2022, Hội Các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị sẽ hợp tác với MCNV và WWF Việt Nam tiếp tục mở rộng diện tích rừng cộng đồng được cấp chứng chỉ FSC. Đặc biệt, bổ sung đánh giá FSC cho các dịch vụ hệ sinh thái rừng như: hấp thụ carbon, bảo vệ nguồn nước, du lịch sinh thái và chứng chỉ lâm sản ngoài gỗ cho loài song mây, hạt trẩu.

Song song với việc hoàn thiện những chứng nhận về dịch vụ hệ sinh thái rừng, các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ các chủ rừng hộ gia đình và cộng đồng tiếp cận thị trường để chào bán sản phẩm dịch vụ hệ sinh thái mà họ được chứng nhận. Trong đó, khách hàng tiềm năng được xác định là các doanh nghiệp, nhà tài trợ đang quan tâm đến việc giảm phát thải cũng như các giá trị sinh thái rừng mang lại.

“Thành công bước đầu tại Quảng Trị là rất quan trọng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế cần tiếp tục nghiên cứu để có thể nhân rộng. Hy vọng trong năm tới, rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý tại Quảng Trị đón nhận tin vui về cơ hội chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng” – ông Đại kỳ vọng.

Ở thôn Chênh Vênh, chỉ cần bước chân ra cửa là thấy rừng tự nhiên (Ảnh: nld.com.vn)

Lợi ích trước mắt và lâu dài

Theo ông Nguyễn Đình Đại, những năm qua, MCNV đã sát cánh, hỗ trợ thôn Chênh Vênh và thôn Hồ nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng bền vững. Vì vậy, ông cảm thấy rất vui và tự hào khi hơn 1.560 ha rừng tự nhiên do cộng đồng 2 thôn này quản lý được cấp chứng chỉ FSC đầu tiên tại Việt Nam.

Với chứng chỉ công nhận này, các cộng đồng sẽ được cấp mã số FSC FM/CoC cho những loài cây họ tre từ rừng tự nhiên như vầu, nứa và a-ho. Sản phẩm họ tre đạt chứng chỉ FSC sẽ được cung cấp cho các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu FSC để sản xuất.

“Lợi ích trước mắt của mô hình chứng chỉ FSC cho rừng cộng đồng là các nguyên liệu hoặc sản phẩm FSC thường được bán giá cao hơn sản phẩm thông thường. Phần chênh lệch này giúp cho chủ rừng có lợi ích tài chính, từ đó khuyến khích họ tuân thủ các yêu cầu về môi trường và xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu lớn hơn của dự án là giúp cộng đồng quản lý rừng tự nhiên có đủ tự tin để tham gia sâu hơn đối với các loài lâm sản khác ngoài gỗ” – Trưởng Văn phòng Quảng Trị của MCNV tin tưởng.