Thuốc trừ sâu khiến ong mất vài thế hệ để phục hồi

Nghiên cứu cho thấy chỉ một lần tiếp xúc với thuốc trừ sâu có thể làm giảm sinh sản và các tác động tiêu cực khác đến cuộc sống của loài ong.

Trong các lĩnh vực nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật thường được sử dụng nhiều lần trong năm và nhiều năm liên tiếp. (Ảnh: Alamy)

Các con ong có thể mất nhiều thế hệ để phục hồi sau khi tiếp xúc với thuốc diệt côn trùng dù chỉ một lần, một nghiên cứu mới cho thấy. Nghiên cứu này có tên là Past insecticide exposure reduces bee reproduction and population growth rate (Tiếp xúc với thuốc trừ sâu trong quá khứ làm giảm sự sinh sản của ong và tỷ lệ tăng trưởng quần thể) của Clara Stuligross và Neal M. Williams.

Mặc dù không ít nghiên cứu từ lâu đã chỉ ra các tác hại của thuốc trừ sâu đối với môi trường đa dạng sinh học, nhưng ít người biết về mức độ ảnh hưởng của chúng đối với côn trùng về lâu dài.

Nghiên cứu mới này cho thấy rằng ngay cả một lần tiếp xúc với thuốc trừ sâu trong năm đầu đời của ong cũng ảnh hưởng đến việc sinh sản con cái, và vì tác động của thuốc trừ sâu mang tính tích lũy, điều này dẫn đến việc giảm số lượng tổng thể của đàn ong.

Clara Stuligross, một nghiên cứu sinh về sinh thái học tại Đại học California ở Davis và là tác giả chính của nghiên cứu này, cho biết: “Đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, thuốc trừ sâu thường được sử dụng nhiều lần trong năm và nhiều năm liên tiếp. Vì vậy, nghiên cứu này thực sự cho thấy quần thể ong chịu tác động thế nào sau khi tiếp xúc thuốc trừ sâu”.

Để chỉ ra mức độ tàn phá môi trường của các thế hệ thuốc diệt côn trùng, còn được gọi là “hiệu ứng mang sang” (carryover effect), các nhà khoa học đã thực hiện một thí nghiệm kéo dài hai năm trên thực địa. Họ đã phân tích cách những con ong vườn xanh, một loài thụ phấn hoang dã, sống đơn độc có màu xanh lam chứ không phải màu đen và vàng như ong mật, phản ứng như thế nào khi tiếp xúc với thuốc trừ sâu.

Họ đã sử dụng thuốc trừ sâu imidacloprid, được biết là có độc tính mạnh đối với ong, và thử tất cả các kết hợp phơi nhiễm – phơi nhiễm cho ong trong năm đầu tiên; trong năm đầu tiên và năm thứ hai; chỉ trong năm thứ hai. Loại thuốc trừ sâu neonicotinoids bị cấm sử dụng nhưng lại không bị cấm sản xuất ở châu Âu và thực tế là mỗi năm một số lượng lớn loại thuốc trừ sâu này được xuất khẩu từ châu Âu.

Tại Mỹ, có hơn 400 sản phẩm được rao bán có chứa hoạt chất imidacloprid, theo Trung tâm Thông tin Thuốc trừ sâu Quốc gia (National Pesticide Information Center) tại Đại học Bang Oregon.

“Đó là một loại thuốc trừ sâu có tính hệ thống, có trong tất cả các mô thực vật và nó ảnh hưởng đến hệ thần kinh của ong. Vì vậy, loại thuốc trừ sâu này có thể có rất nhiều loại tác động khác nhau đến hành vi và sinh lý của ong”, Stuligross cho biết.

Những con ong tiếp xúc với hoạt chất imidacloprid khi chúng còn là ấu trùng và tiếp xúc sau đó có số con ít hơn 20% so với những con ong chưa bao giờ tiếp xúc gần với hóa chất. Những con chỉ phơi nhiễm một lần trong năm trưởng thành của chúng có ít con hơn 30% so với những con không phơi nhiễm, và ở những con ong bị phơi nhiễm trong thời gian cả hai năm chịu tác động tích lũy, với có số lượng con giảm lên tới 44%.

“Việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu làm giảm sự sinh sản của ong và phơi nhiễm ở các giai đoạn đời trước hoặc thế hệ trước, sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của con trưởng thành trong năm tới”, Stuligross nói.

Khi tính toán cả xác suất và tỷ lệ làm tổ của ong, và tỷ lệ con cái trên con đực, sự phơi nhiễm tổng thể trong hai năm liên tiếp đã làm giảm tốc độ tăng trưởng dân số ong tới 71%.

“Các tác động mang tính tích lũy. Không cần phải là một chuyên gia cũng có thể hiểu ra rằng có thể chỉ cần một thời gian ngắn các năm tiếp xúc thuốc trừ sâu liên tiếp cũng đưa dân số của đàn ong xuống thấp tới mức nguy hiểm”, theo Lars Chittka, giáo sư sinh thái học tại Đại học Queen Mary, London, cũng là người đã tham gia vào thực hiện nghiên cứu.

Nghiên cứu mới này cho thấy ngay cả khi việc sử dụng thuốc trừ sâu bị cấm trong vụ mùa 2022, vẫn sẽ có những tác động bất lợi từ việc sử dụng thuốc trừ sâu trong năm 2021. Các ấu trùng ong trưởng thành ngày hôm nay và chuẩn bị thụ phấn cho các vụ mùa năm sau đã bị ảnh hưởng không thể phục hồi.

“Càng hiểu rõ cách thức thuốc trừ sâu tích tụ trong môi trường và ảnh hưởng đến ong trong nhiều năm, thì càng có thể dự đoán tốt hơn những rủi ro đối với việc sử dụng thuốc trừ sâu”, nghiên cứu kết luận.