Biển Đông dần trở thành sa mạc ngập nước do hành vi của binh đoàn ngư dân Trung Quốc

Những hành vi của các binh đoàn ngư dân Trung Quốc trên Biển Đông gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và tác động lớn đến các nước xung quanh. Đã có cảnh báo Biển Đông dần trở thành sa mạc ngập nước.

Tàu ngư dân xếp san sát như thủy trại Xích bích thời Tam Quốc

Trang News của Úc sáng nay 18.11 vừa có bài viết nêu vấn đề thảm khốc mà Trung Quốc phải đối mặt đang đến gần, đồng thời điều này sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới trong đó có nước Úc (Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất).

Sa mạc ngập nước

Biển Đông đã dần trở thành một sa mạc ngập nước. Các bãi sinh sản quan trọng đã bị biến thành pháo đài đảo nhân tạo (gồm cả những nơi Trung Quốc cải tạo trái phép). Một nghiên cứu mới cảnh báo rằng tình hình không khả quan hơn ở biển Hoa Đông.

Và điều đó có thể đẩy những người đánh cá phải ra vùng biển xa hơn.

Nghiên cứu mô hình hóa tác động của thảm họa đánh bắt quá mức trong khu vực khi kết hợp với những tác động ngày càng rõ ràng của biến đổi khí hậu cảnh báo về nguy cơ sụp đổ hệ sinh thái.

Báo cáo “Sink or Swim” (chìm hay bơi) của Đại học British Columbia, nêu: tương lai của nghề cá ở Biển Đông và Hoa Đông, cho thấy 10 năm tới sẽ quyết định số phận của các khu vực này.

Và điều đó, đến lượt nó, sẽ có hiệu ứng lan tỏa đối với phần còn lại của thế giới.

Giáo sư Rashid Sumaila cho biết: “Theo các kịch bản biến đổi khí hậu nhất định, các loài hải sản chủ lực của thị trường thủy sản Hồng Kông, chẳng hạn như cá mú và cá tráp vây, nếu không bị dẫn đến tuyệt chủng hoàn toàn thì cũng có thể bị giảm xuống chỉ còn một phần nhỏ so với số lượng hiện tại vào cuối thế kỷ. Điều này đặc biệt xảy ra ở vùng biển nhiệt đới của Biển Đông, nơi nhiều loài cá đã phải đối mặt với giới hạn khả năng chịu nhiệt của chúng”.

Cá đã đứng sau các cuộc khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc, thậm chí là cả vùng biển xa hơn.

Tàu cá giống đội thuyền liên hoàn trong trận Xích Bích

Đầu năm nay, hơn 200 tàu đánh cá của lực lượng dân quân tự vệ Trung Quốc đã thả neo (trái phép) tại Bãi đá ngầm Ba Đầu (trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc chủ quyền Việt Nam). Năm ngoái, đoàn tàu cá như hạm đội của Trung Quốc đã gây ra một cuộc khủng hoảng quốc tế tương tự khi chúng tụ tập quanh quần đảo Galapagos của Ecuador để tìm kiếm các ngư trường mới trong khi đây là khu bảo tồn động vật hoang dã quốc tế nổi tiếng.

Thảm họa toàn cầu

Cá là nguồn cung cấp protein quan trọng cho hơn 40% dân số thế giới. Đánh bắt quá mức một cách bất hợp pháp, chỉ quan tâm lợi nhuận không chỉ làm suy giảm nguồn cá, chúng có thể tước đi khả năng mưu sinh của ngư dân địa phương.

Tổ chức tư vấn của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) gần đây đã cảnh báo việc đánh bắt bất hợp pháp đã trở thành một “thảm họa toàn cầu”.

Nhà phân tích John Vann cho biết: “Được thực hiện bởi các tác nhân độc hại trong bóng tối của các đại dương trên thế giới, nó có thể tàn phá các hệ sinh thái, làm suy giảm nguồn dự trữ lương thực và làm suy yếu các nền kinh tế đánh bắt cá mong manh. Và, phần lớn, các nước nghèo nhất trên thế giới, vốn phụ thuộc vào nghề cá để kiếm ăn và mưu sinh, bị ảnh hưởng nặng nề nhất”.

Theo ông John Vann, đó không chỉ là một cuộc khủng hoảng ở Biển Đông. Ngoài khơi bờ biển phía tây của châu Phi, sản lượng đánh bắt bất hợp pháp có thể lên tới 40% tổng số cá được đánh bắt từ vùng biển của khu vực. Đây cũng là một vấn đề ngày càng gia tăng ngoài khơi Nam Mỹ, đông Ấn Độ Dương và khắp Châu Đại Dương.

“Năm 2020, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển nước Mỹ nói rằng đánh bắt IUU (bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) đã thay thế cướp biển trở thành mối đe dọa an ninh hàng hải toàn cầu hàng đầu. Theo ước tính, cứ năm con cá đánh bắt được trên khắp thế giới thì có đến một con cá bị đánh bắt bất hợp pháp)”, ông Vann đưa số liệu.

Nuôi cá trong trại nhưng tàn hại cá ngoài khơi

Theo báo cáo của Sink or Swim, động lực chính của việc đánh bắt quá mức là ngành nuôi trồng thủy sản đang phát triển.

Được quảng bá là một giải pháp thay thế xanh cho việc đánh bắt ngoài khơi, nhu cầu của các trang trại như vậy đối với nguồn nguyên liệu thô đang thúc đẩy thị trường đánh bắt dưới quy mô lớn.

Quây bắt cá

Giáo sư Yvonne Sadovy của Đại học Hồng Kông phân tích: “Nhiều người không biết rằng nuôi trồng thủy sản có thể góp phần vào việc đánh bắt quá mức, thay vì phản tác dụng. Bằng cách sử dụng cá đánh bắt tự nhiên làm thức ăn nuôi trồng thủy sản, chúng ta đang thu hoạch ccả á con của các loài quan trọng về mặt thương mại và có khả năng gây nguy hiểm cho an ninh lương thực của khu vực trong tương lai”.

Nghiên cứu cho biết ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc chiếm khoảng 62% sản lượng trang trại cá toàn cầu.

Giáo sư Sadovy cho biết: “Nếu các đội tàu chỉ đánh bắt những con cá đã trưởng thành, chẳng hạn như bằng cách sử dụng lưới có lỗ lớn hơn, thì nghiên cứu ước tính sản lượng đánh bắt trung bình hàng năm tính bằng tấn và doanh thu trung bình sẽ tăng theo kịch bản kinh doanh thông thường. Điều này là do cá có thể đạt kích cỡ lớn bán được giá cao hơn trên thị trường”.

Theo kịch bản này, nghiên cứu cho biết sản lượng khai thác trong khu vực có thể tăng gấp ba lần khi nguồn cá tái sinh.

Cách đây 1 năm, tháng 11.2020, 4 nước Chile, Colombia, Ecuador và Peru quyết định cùng hợp tác ngăn chặn và xử lý tình trạng đánh bắt trái phép gần vùng đặc quyền kinh tế của họ trên Thái Bình Dương.

Tuyên bố chung mà 4 nước Nam Mỹ đưa ra không đề cập Trung Quốc, nhưng hai tổ chức bảo vệ môi trường Hòa bình xanh (Greenpeace) cùng Oceana nhiều lần cảnh báo về sự hiện diện ngày càng tăng của đội tàu cá Trung Quốc trong khu vực.

Đầu mùa hè 2020, hơn 3.000 tàu cá Trung Quốc – nhiều tàu đủ sức chứa 1.000 tấn hải sản – chờ bên ngoài vùng bảo tồn quần đảo Galapagos, sẵn sàng đánh bắt bất cứ sinh vật nào di cư đến khu vực ngoài khơi Peru và Chile.

Theo một số ước tính thì có đến 17.000 tàu cá Trung Quốc hoạt động xa bờ dính líu đến hàng loạt vụ xung đột về đánh bắt ngoài khơi Tây Phi, Argentina, Nhật Bản vài năm gần đây. Hiện đội tàu này làm dấy lên làn sóng phẫn nộ tương tự tại Ecuador, Peru.

Tổ chức Oceana cáo buộc đội tàu Trung Quốc “cướp phá” nguồn hải sản quanh Galapagos – chủ yếu là mực, làm giảm khẩu phần ăn thiết yếu của sinh vật địa phương như hải cẩu hay cá mập đầu búa.