Ấn Độ và Anh sắp có động thái quy mô toàn cầu tại COP26

Ấn Độ và Vương quốc Anh sẽ khởi động một dự án nhằm mục đích tạo ra một lưới điện mặt trời quy mô toàn cầu tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc sắp tới ở Glasgow, Scotland.

Nhà máy điện mặt trời Villanueva của Enel Green Power ở Mexico. Ảnh: AFP

Theo Guardian, dự án, được gọi là Sáng kiến Lưới điện Xanh, đang được Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế khởi xướng, được Ấn Độ và Pháp đưa ra tại hội nghị khí hậu Paris năm 2015 nhằm thúc đẩy năng lượng mặt trời. Vương quốc Anh và Ấn Độ tháng 5 năm nay đã đồng ý tham gia vào sáng kiến ​​này.

Mặc dù năng lượng mặt trời ngày càng rẻ hơn so với các năng lượng bẩn khác, các quốc gia không thể dựa vào nó vào ban đêm và phải dựa vào nhiên liệu hóa thạch – thứ tạo ra khí nhà kính làm trái đất nóng lên. Điều này đặc biệt xảy ra ở các quốc gia như Ấn Độ, nơi nhu cầu về điện đang tăng cao.

Tổng giám đốc Ajay Mathur của Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế cho hay, dự án mới dựa trên ý tưởng rằng Mặt trời luôn chiếu sáng ở một số nơi trên thế giới và dự án với mục đích tạo ra một lưới điện toàn cầu sẽ truyền năng lượng của mặt trời từ nơi này sang nơi khác.

“Ví dụ, khi trời tối ở Đông Á, thì trời vẫn sáng ở Ấn Độ. Nếu có một đường cáp nối giữa Ấn Độ và Đông Á, Đông Á có thể được cung cấp điện mặt trời”, Mathur nói.

Ý tưởng về một mạng lưới trải dài nhiều vùng không phải là mới, nhưng đây là nỗ lực đầu tiên để tạo ra một mạng lưới toàn cầu.

Mathur thông tin, các ước tính cho thấy trong ba năm tới, năng lượng mặt trời sẽ trở nên rẻ như điện từ nhiên liệu hóa thạch. Điều này sẽ giúp việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời mới và các cơ sở lưu trữ trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nó cũng sẽ đòi hỏi các quốc gia có các ưu tiên khác nhau, phải đạt được các thỏa thuận phức tạp.

Dự án sẽ bắt đầu với “liên minh những người sẵn sàng”. Chẳng hạn như hai quốc gia cùng có lợi từ việc chuyển giao điện mặt trời. Các quốc gia này sau đó phải quyết định xem họ muốn kết nối liên thông hoạt động như thế nào và những quy tắc nào sẽ điều chỉnh nó.

Mathur cho hay: “Số lượng các quốc gia sẵn sàng sẽ tiếp tục tăng theo thời gian, khi chi phí thấp hơn và mức độ chắc chắn trở nên cao hơn”.

Mathur nói rằng các nhà đầu tư cần được đảm bảo khoản đầu tư của họ là an toàn và họ có thể thu được lợi nhuận tích cực, đồng thời đảm bảo chi phí sản xuất điện sẽ phải chăng.

Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế hy vọng sẽ ký một thỏa thuận với một nhóm mới gọi là Liên minh Năng lượng Toàn cầu, bao gồm các tổ chức từ thiện và các tổ chức đa bên như Ngân hàng Thế giới, để tạo ra quỹ 10 tỉ USD cho dự án và giúp giảm thiểu rủi ro.

Một thách thức tiềm tàng khác là nếu con đường giữa hai quốc gia là không thể vượt qua, chẳng hạn như nếu các quốc gia này không ổn định. Trong các trường hợp khác, cần phải có cáp dài hơn hoặc cáp dưới đại dương. Bất kỳ yếu tố nào trong số này đều có thể làm tăng mạnh chi phí.

Các dự án đầu tiên kết nối các mạng lưới khu vực khác nhau có thể sẽ mất một năm.