Dịch tăng cao, nhiều địa phương Miền Tây lại siết chặt các hoạt động

Trước tình trạng số ca nhiễm COVID-19 liên tục tăng cao; các địa phương ĐBSCL đã quay trở lại siết chặt nhiều hoạt động nhằm kiểm soát dịch bệnh…

Một chốt kiểm soát y tế trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Tạ Quang.

Chỉ trong vòng 5 ngày trở lại đây, TP.Cần Thơ đã ghi nhận hơn 500 ca nhiễm COVID-19. Theo đánh giá, Cần Thơ hiện có 8/9 quận huyện thuộc cấp độ 2, chỉ duy nhất quận Cái Răng thuộc cấp độ 1. Trong mỗi quận, huyện, sẽ có nhiều xã, phường, thị trấn được xác định cấp độ dịch khác nhau.

Trước đó, theo Nghị quyết 128, Cần Thơ xác định thuộc cấp độ 1, nhưng từ 9h ngày 1.11, toàn thành phố sẽ phải nâng lên cấp độ 2.

Nhiều hoạt động vui chơi giải trí như mát xa, kakaoke, bar, vũ trường… sẽ phải dừng hoạt động.

Đặc biệt, cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm, ăn uống (nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán trà sữa…) chỉ được phép bán hàng mang đi hoặc bán hàng tại chỗ không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm; đảm bảo khoảng cách mỗi bàn tối thiểu 2m; không phục vụ tại chỗ rượu, bia và các loại thức uống có cồn khác… Như vậy, tùy theo địa bàn, khu vực mà các quán nhậu sẽ phải dừng hoạt động, chứ không mở cửa đại trà như hiện nay.

Cần Thơ từ cấp độ 1 đã nâng lên thành cấp độ 2 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh: Ảnh: Tạ Quang.

Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết, qua tầm soát ở cơ sở y tế vẫn còn phát hiện nhiều ca nhiễm, số F0 đến bệnh viện do có triệu chứng chiếm khoảng 15% tổng số F0 phát hiện được. Chứng tỏ dịch bệnh vẫn còn âm ỉ trong cộng đồng. Chuyển qua trạng thái bình thường mới, nguy cơ dịch xâm nhập vào thành phố rất lớn, do lượng người dân từ các tỉnh, thành khác đến học tập, làm việc, khám chữa bệnh… Bên cạnh đó, người dân còn chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch.

Trong các cuộc họp gần đây của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Cần Thơ, các đại biểu bày tỏ băn khoăn về tình trạng một số người dân chủ quan, không tuân thủ 5K, nhất là các quán nhậu có phục vụ bia, rượu; xuất hiện một số F0 ở các công ty có số lượng công nhân, người lao động lớn như: Công ty Biển Đông, Công ty Thủy sản Cá Việt Nam; F0 tập trung ở các hẻm nhỏ, mật độ dân cư đông, nguy cơ lây nhiễm cao…

Tỉnh Hậu Giang sẽ cho thiết lập lại các chốt kiểm soát y tế để phòng dịch. Ảnh: TR.L.

Tại Hậu Giang, tính từ 18h ngày 26.10 đến 18h ngày 29.10, Hậu Giang có 112 trường hợp mắc mới. Toàn tỉnh hiện có 11 ổ dịch trong cộng đồng. Trong đó, từ ngày 27.10 đến ngày 29.10, có thêm 3 ổ dịch mới tại xã Long Phú (thị xã Long Mỹ), xã Hoà Mỹ và xã Bình Thành (huyện Phụng Hiệp).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có văn bản chỉ đạo các huyện, thị, thành phố thiết lập lại các chốt kiểm soát.

Theo đó, các địa phương sẽ khẩn trương thiết lập lại các chốt để kiểm soát người và phương tiện trên địa bàn quản lý, hướng dẫn người dân ra/vào huyện (trừ các tuyến Quốc lộ); các Chốt kiểm soát vào nội tỉnh cho xe ôtô đi qua, hướng dẫn khai báo tại trạm y tế; xe máy thì dừng xe, hướng dẫn khai báo y tế, nhắc nhở người dân khi ra ngoài tỉnh nếu đến/đi qua vùng dịch về sẽ thực hiện khai báo y tế, xét nghiệm, cách ly tập trung hoặc theo dõi sức khỏe đối với từng nhóm đối tượng. Nhắc nhở người dân vào địa bàn khi về địa phương phải đến cơ sở y tế khai báo y tế ngay trước khi về nhà.

Tại các Chốt kiểm soát, lực lượng trực Chốt có trách nhiệm sàng lọc, phân nhóm đối tượng, hướng dẫn khai báo y tế nhanh không để ùn tắc giao thông, hạn chế tập trung đông người, triển khai quét mã QR tự động để khai báo y tế. Cán bộ trực chốt phải nắm rõ các quy định, trường hợp nào về sẽ cách ly tập trung, cách ly tại nhà để thông tin, hướng dẫn người dân hiểu và thực hiện…