Tiêu chí đánh giá dự án ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Tiêu chí đánh giá dự án ưu tiên theo Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu với mục đích định hướng để các Bộ, ngành, địa phương có cơ sở đề xuất các nhiệm vụ, dự án ưu tiên nhằm ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng.

Trồng rừng, tái trồng rừng ngập mặn ven biển (Ảnh: ThienNhien.Net)

Bên cạnh đó, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, đa mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, mang tính vừa cấp bách, vừa lâu dài của các nhiệm vụ theo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

4 yêu cầu đối với Dự án ưu tiên

Quyết định nêu rõ 4 yêu cầu đối với Dự án ưu tiên theo Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ nhất, phù hợp với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, gắn kết với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế xã hội của Bộ, ngành và địa phương.

Thứ ba, sử dụng công nghệ, kỹ thuật phù hợp, đảm bảo tính bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Thứ tư, đảm bảo tính khả thi về tài chính, năng lực thực hiện, chú trọng đến tính đa mục tiêu, liên vùng, liên ngành, liên lĩnh vực, có sự tham gia của cộng đồng.

3 bước đánh giá

Quy trình đánh giá dự án ưu tiên theo Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu gồm 3 bước: 1- Đánh giá sơ bộ; 2- Đánh giá mức độ ưu tiên; 3- Đánh giá theo nội dung đề xuất dự án

Qua các bước đánh giá, tổng điểm tối đa cho một dự án là 100 điểm. Căn cứ vào số điểm mà dự án đạt được, kế hoạch và khả năng bố trí nguồn vốn cho mỗi giai đoạn của Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu để lựa chọn các dự án ưu tiên, tổ chức thực hiện theo Chương trình.