Lâm Đồng đề xuất đưa 136ha rừng ra khỏi quy hoạch để xây cao tốc

Lâm Đồng – Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đề nghị xem xét, điều chỉnh cục bộ diện tích hơn 146ha đất lâm nghiệp (đất có rừng 136ha) ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để xây cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc.

HĐND tỉnh Lâm Đồng thông qua nghị quyết lựa chọn phương án đầu tư Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư (PPP). Ảnh minh họa.

Ngày 23.10, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, điều chỉnh cục bộ diện tích đất lâm nghiệp ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc.

Cụ thể, Sở NNPTNT đề nghị điều chỉnh hơn 146ha đất quy hoạch lâm nghiệp thuộc đối tượng rừng sản xuất. Trong đó có hơn 136ha đất có rừng (rừng tự nhiên 122ha, rừng trồng 13ha) và hơn 9ha đất chưa có rừng nằm trên địa bàn 2 huyện Bảo Lâm và huyện Đạ Tẻh.

Theo Sở NNPTNT, để có đủ cơ sở xem xét, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, cần phải điều chỉnh cục bộ diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp thuộc đối tượng rừng sản xuất nêu trên ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng, làm cơ sở để đơn vị chủ dự án hoàn thiện hồ sơ, tài liệu có liên quan để xây dựng cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc theo quy định.

Được biết vào tháng 2.2021, Văn phòng Chính phủ có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc trong giai đoạn 2021-2025.

Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú nằm trong dự án Dầu Giây – Liên Khương, gồm 3 dự án thành phần: Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương. Dự án Dầu Giây – Liên Khương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 có chiều dài 200km với 4 làn xe, mặt cắt ngang 25m với nguồn vốn đầu tư lên đến 65.000 tỉ đồng.

Tháng 3.2021, HĐND tỉnh Lâm Đồng có Nghị quyết về việc đầu tư dự án theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó nhằm từng bước hoàn thiện cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc đúng kế hoạch đề ra.

Theo kế hoạch về nhu cầu sử dụng đất và giải phóng mặt bằng của dự án, trong giai đoạn 1, sẽ thực hiện việc giải phóng mặt bằng theo quy mô của toàn dự án (quy mô nền đường 22m), với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 455 ha, trong đó, tỉnh Đồng Nai khoảng 81ha và tỉnh Lâm Đồng khoảng 374ha.