Lựa chọn công nghệ xử lý nước thải thân thiện môi trường

ThienNhien.Net – Sáng 6/3, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phối hợp với Jica (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo Việt Nhật về thoát nước và xử lý nước thải. Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu tầm quan trọng của việc thoát nước và xử lý nước thải trong các đô thị.

Toàn cảnh Hội thảo Việt Nhật về thoát nước và xử lý nước thải.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết: Thoát nước và xử lý nước thải là lĩnh vực đang được xã hội quan tâm đặc biệt trước những thách thức lớn của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành điều chỉnh định hướng phát triển thoát nước đô thị và KCN Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050. Lần điều chỉnh này có nhiều điểm mới như phát triển hệ thống thoát nước an toàn, bền vững, quản lý tài nguyên theo lưu vực sông, tái xử lý nước thải, nước mưa cũng như quản lý bùn thải, lựa chọn công nghệ thi công, công nghệ xử lý, cải tạo, sửa chữa hệ thống đường ống an toàn thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng,…

Theo định hướng được Thủ tướng phê duyệt đến năm 2020, có 15 – 20% tổng lượng nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường; xây dựng và ban hành quy định quản lý thoát nước của địa phương; xây dựng cơ chế, chính sách tại địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng tham gia trong việc xây dựng, giám sát và bảo vệ hệ thống thoát nước đô thị; xây dựng lộ trình thực hiện giá dịch vụ thoát nước phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương, đảm bảo chi trả cho việc duy trì công tác quản lý vận hành, tiến tới bù đắp chi phí đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước phù hợp với các giai đoạn phát triển và hoàn thiện hệ thống thoát nước,…

Cống ngầm thoát nước ở TP.HCM được xây dựng từ thời Pháp.

Theo báo cáo, đến nay Việt Nam có khoảng 37 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế 890.000 m3/ngđ (ngày đêm), đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng 50 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất khoảng 2 triệu m3/ngđ đi vào vận hành, nâng tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt khoảng 20%.

Bên cạnh đóm trên cả nước cu có 33 tỉnh thành đã ban hành quy định quản lý thoát nước địa phương. Sau Nghị định 80/2014/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, đã có 14 tỉnh thành ban hành mới quy định quản lý thoát nước địa phương và có 08 tỉnh rà soát, chỉnh sửa và ban hành quy định quản lý thoát nước địa phương theo Nghị định 80/2014/NĐ-CP.

Bà Trần Thị Thảo Hương, Trưởng phòng quản lý thoát nước và xử lý nước thải Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết: trên cả nước quy hoạch thoát nước đều lồng ghép vào Quy hoạch chung xây dựng. Hiện nay, có khoảng 1/4 các tỉnh đã có Quy hoạch thoát nước chuyên ngành như: Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Sóc Trăng, Bình Định, Bình Dương… và một số tỉnh đang lập.

Trong thời gian qua đã có nhiều nghiên cứu, triển khai ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực cấp thoát nước và vệ sinh môi trường, mang lại nhiều hiệu quả cho các đơn vị trong lĩnh vực như: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu,… bằng các công nghệ như: A2O, SBR, SBR cải tiến, ASBR, Mương oxy hóa, Hồ sinh học, Bùn hoạt tính,…