Làm sạch rác thải biển tại các rạn san hô đảo Lý Sơn

Từ ngày 29/9 đến 2/10, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) thực hiện chương trình “Giám sát rác thải ngầm trên hệ sinh thái rạn san hô Khu Bảo tồn biển Lý Sơn năm 2021” với hoạt động lặn vớt rác.

Bảo vệ các rạn san hô tự nhiên khỏi tác động của con người, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng du lịch lặn biển ngắm san hô đang ngày càng được ưa chuộng, là vấn đề mà TP. Đà Nẵng cần quan tâm.

Để bảo vệ các rạn san hô đảo Lý Sơn, 4 ngày gần đây, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn cùng các thợ lặn đã làm sạch hơn 150 kg rác thải biển tại các rạn san hô đảo Lý Sơn.

Rác, lưới ngư dân đọng dưới đáy biển có nguy cơ làm ô nhiễm, đứt gãy rạn san hô. (Ảnh: sưu tầm)

Chương trình đã tiến hành làm sạch rác với hơn 600 m chiều dài tại 3 bãi rạn san hô gồm trạm Trố Hòn, trạm cảng Bến Đình, trạm Đình làng An Hải. Đội thợ lặn đã lặn xuống các bãi rạn để vớt rác bị kẹt ở các rạn san hô như lưới, dây ống thở, vỏ lon nước ngọt, dây cước câu, lưỡi câu,… được thải ra từ các nghề khai thác, đánh bắt hải sản và các hoạt động vận tải trên biển.

Chương trình giám sát đợt 1 năm 2021, có sự hỗ trợ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), chương trình là tiền đề, cơ sở dữ liệu để xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động bảo vệ môi trường sống cũng như bảo vệ đa dạng sinh học.

Đội thợ lặn đã lặn xuống các rạn san hô để vớt rác thải biển, bảo vệ các rạn san hô. (Ảnh: Khu bảo tồn biển Lý Sơn)

Qua đó nhằm tuyên truyền cho ngư dân, các thuyền viên đi biển ý thức hơn trong sinh hoạt, khai thác, đánh bắt, để môi trường biển không bị ô nhiễm.

Anh Trung Đào, một công dân tiêu biểu của TP Đà Nẵng trong vấn đề bảo vệ môi trường cho biết, anh thường xuyên lặn xuống dưới biển để vớt rác thải do du khách vứt lại nên thấy những rác thải này có tác động rất tiêu cực đến san hô. Ngoài ra, hệ thống nước thải và dầu từ ghe của ngư dân trôi nổi trong nước cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường khiến san hô bị chết.

“Để bảo vệ san hô phải có những khuyến cáo và chế tài nghiêm ngặt đối với người dân và du khách, đồng thời cơ quan chức năng phải có lực lượng thường xuyên lặn kiểm tra phát hiện những tổn hại mà san hô gặp phải, như lưới, rác, hiện tượng gãy bể… để có kế hoạch vệ sinh và nuôi trồng trở lại, cắm bù giới hạn tiếp xúc khu vực đánh bắt tối thiểu”, anh Trung Đào nêu ý kiến.