1/3 số gấu koala ở Australia biến mất trong 3 năm qua

Quần thể gấu túi ở Australia đã suy giảm nghiêm trọng với số lượng cá thể từ hơn 80.000 con xuống còn dưới 58.000 trong 3 năm qua.

Australia đã mất khoảng 30% số gấu túi koala từ năm 2018 đến nay, do ảnh hưởng bởi hạn hán, cháy rừng và phá rừng, theo Koala Australia Foundation. Họ kêu gọi chính phủ thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa để bảo vệ môi trường sống của các loài sinh vật.

Tổ chức phi lợi nhuận độc lập này ước tính số lượng gấu túi đã giảm xuống còn dưới 58.000 con trong năm nay (từ hơn 80.000 cá thể vào năm 2018). Sự sụt giảm tồi tệ nhất là ở bang New South Wales, nơi tỷ lệ giảm lên tới 41%.

Theo News.com.au, koala hiện được coi là tuyệt chủng tại 7 khu vực ở Australia. Chủ tịch của Australian Koala Foundation (AKF), Deborah Tabart, cho biết: “Sự sụt giảm khá nghiêm trọng. Số lượng cá thể không có xu hướng tăng ở bất kỳ khu vực nào của Australia. Tại các khu vực trong nghiên cứu, chỉ một nơi được ước tính có hơn 5.000 con gấu túi, cá biệt một số khu vực chỉ có 5 hoặc 10 cá thể”. Theo bà Tabart, Australia cần có luật bảo vệ gấu túi.

“Tôi nghĩ rằng việc hành động bây giờ là yêu cầu cấp bách. Tôi biết rằng tình trạng này có thể giống như một câu chuyện bất tận về sự tàn phá môi trường. Tuy nhiên, những số liệu là thật và thực tế có lẽ còn tồi tệ hơn”, bà nói với Reuters.

Một con gấu túi, bị ảnh hưởng bởi trận cháy rừng ở Australia năm ngoái, được thả trở lại vùng đất bụi rậm bản địa. Ảnh: Reuters.

Sự suy giảm gấu túi ở New South Wales có thể sẽ tăng nhanh sau khi những khu rừng rộng lớn bị tàn phá trong các vụ cháy rừng vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Một số khu vực trong số đó giờ thậm chí không còn cá thể nào.

Tháng 6 vừa qua, Chính phủ Australia đã kêu gọi lấy ý kiến cộng đồng về kế hoạch phục hồi quốc gia cho các bang New South Wales, Queensland và khu vực xung quanh thủ đô Canberra. Bên cạnh đó là câu hỏi liệu tình trạng bảo vệ gấu túi có nên được nâng từ “dễ bị tổn thương” lên “nguy cấp” hay không. Kết quả của cuộc trưng cầu sẽ được đưa ra vào ngày 24/9.

Theo Reuters, bên cạnh tác động của hạn hán và hỏa hoạn, việc phát triển bất động sản trong rừng và xây dựng đường xá đã phá hủy môi trường sống của loài thú có túi mang tính biểu tượng của Australia.