Lợi dụng dịch bệnh, hàng loạt vụ phá rừng diễn ra

Thời gian qua, lợi dụng tình hình các địa phương giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, hàng loạt vụ phá rừng tự nhiên nghiêm trọng đã xẩy ra tại nhiều địa phương.

Nhiều cánh rừng tự nhiên ở xã Sơn Hội, huyện miền núi Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) thời gian qua đã bị chặt phá. Những cây đường kính lớn bị cắt gốc để lấy gỗ và đốt than, vội trồng cây keo non vừa bén rễ. Trước đó người dân phát hiện rừng phòng hộ đầu nguồn ở đây bị triệt hạ, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã kiểm tra hiện trường, chỉ đạo xử lý.

Cây rừng tự nhiên to dài cả chục mét bị chặt hạ tại xã Sơn Hội (Sơn Hòa, Phú Yên). (Ảnh: Mạnh Hoài Nam)

Từ Quốc lộ 19C, chúng tôi băng rừng khoảng 5km qua nhiều vực sâu, ngược lên các sườn núi dựng đứng, phát hiện nhiều khu rừng tại Suối Quanh thuộc thôn Tân Hội, xã Sơn Hội bị chặt hạ, đốt cháy trồng keo non. Các khu rừng bị tàn phá nằm giáp ranh với buôn Ma Gú, xã Sơn Phước và rừng quốc phòng của Ban Chỉ huy quân sự huyện Sơn Hòa.

Ông Bùi Minh Rụng, một người dân xã Sơn Hội, dẫn đường cho biết: Có đám rừng họ phá lên gần 2ha, có đám hơn 1ha. Khu này có 6 đến 7 đám như thế, cộng lại ước hơn 8ha. Khu này, rừng bị tàn phá quá nhiều, nhìn thấy má xót.

Rừng khu vực suối Quanh, thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa bị chặt hạ trồng keo. (Ảnh: MHN)

Theo quan sát của chúng tôi, nằm giữ hai khu rừng vừa bị tàn phá là khoảnh rừng tự nhiên xanh tốt chưa kịp bị đốn hạ. Điều này cho thấy, các đối tượng phá rừng sử dụng chiêu thức phá từ hai bên vào để thông diện tích, người dân địa phương gọi là “da beo”, nghĩa là năm nay phá rừng làm rẫy hai bên, năm sau phá trắng ở giữa là giáp diện tích.

Loài cây rừng tự nhiên ở đây chủ yếu là bằng lăng, mìn lin, muồng đen, cốc hương, bút, đường kính lớn (từ nhóm 4 đến nhóm 6), có cây cả người ôm không hết.

Ông Sô Minh Lý, một người dân ở đây cho rằng, rừng tự nhiên ở hai bên suối Quanh còn nhiều. Đây mới chỉ là đoạn trên, chưa xuống đoạn dưới nên cũng không hiểu được phá rừng như thế nào. “Ở đây ngày nào cũng nghe tiếng máy cưa hạ cây rừng. Tiếng máy xẻ gỗ lớn phá rừng nghe biết liền, kéo ga dài, còn cưa cây keo thì tiếng máy cưa rồ ga lên đứt gốc rồi hạ ga dứt dạt”, ông Lý nói.

Nhiều cây to bị chặt hạ, đốt cháy. (Ảnh: MHN)

Để kịp thời ngăn chặn hành vi phá rừng quy mô lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều ngày qua, kể cả các ngày nghỉ lễ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đã huy động tối đa lực lượng phối hợp cùng chính quyền các địa phương liên tục tuần tra trên diện rộng tại nhiều địa bàn; tổ chức kiểm đếm, xác định vị trí, diện tích rừng bị thiệt hại.

Ông Lê Văn Bé, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho biết: Thời gian qua, lợi dụng lúc địa phương giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, một số thành phần đã phá rừng để lấy gỗ trồng keo.

Đối với địa bàn Sơn Hòa, qua thống kê sơ bộ có khoảng 29ha bị phá. Hiện Chi cục Kiểm lâm Phú Yên đã có văn bản đề nghị các cơ quan kiểm lâm nói chung và Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa nói riêng tiếp tục kiểm tra, thống kê diện tích rừng bị thiệt hại. Các vụ phá rừng đang được củng cố hồ sơ, thông qua các ngành chức năng để khởi tố.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (bên phải) và ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT kiểm tra vụ phá rừng thôn Tân Thành, xã Sơn Hội. (Ảnh: MHN)

Trước đó, người dân phát hiện vụ phá rừng phòng hộ ở các khu vực dốc Cốc, suối Dĩ và suối Cheo Reo thuộc thôn Tân Thành, xã Sơn Hội. Vụ việc đã được chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ông Trần Hữu Thế kiểm tra hiện trường xử lý theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên.

Liên tục trong thời gian qua, lợi dụng tình hình các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, hàng loạt vụ phá rừng đã diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.

Không chỉ có vụ phá rừng tại Phú Yên, thời gian qua, 5ha rừng tự nhiên tại xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định) giáp ranh với xã Song An (Thị xã An Khê, Gia Lai) bị phá, đốt tan hoang.

Mới đây, một vụ phá rừng phòng hộ tự nhiên khác cũng đã xẩy ra tại xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận)…