Ô nhiễm nhựa đe dọa hàng loạt loài di cư trên cạn và nước ngọt

Một báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Công ước về Bảo tồn các loài Động vật hoang dã di cư xác nhận ô nhiễm nhựa là mối đe dọa lớn đối với các loài di cư trên cạn và nước ngọt.

Chim hải âu Laysan Albatross nằm trên một chiếc lưới đánh cá nhỏ vô chủ ở Thái Bình Dương. Hình ảnh: NOAA Marine Debris Program / Flickr (CC BY 2.0)

Con người đã tạo ra nhiều nhựa đến nỗi giờ đây nó tồn tại từ sườn núi Everest đến tận đáy đại dương. Khi xem xét tác động của nhựa đối với động vật hoang dã, chúng ta thường mường tượng đến cảnh cá voi bị vướng vào ngư cụ hoặc những cá thể rùa biển lỡ ăn nhầm túi nhựa vì tưởng là sứa. Tuy nhiên, không chỉ cư dân đại dương gặp rủi ro với vật liệu phổ biến này mà các loài trên cạn và nước ngọt cũng đang đối mặt với nhiều hiểm nguy từ nhựa, trong đó các loài di cư đặc biệt dễ bị tổn thương.

Báo cáo tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương và xác định các tác động của ô nhiễm nhựa đối với các loài trên cạn và nước ngọt được bảo vệ theo Công ước về Bảo tồn các loài động vật hoang dã di cư (CMS). CMS là một hiệp ước về môi trường của Liên hợp quốc được thành lập vào năm 1979 nhằm bảo vệ các loài động vật di cư và môi trường sống của chúng. Báo cáo dựa trên các nghiên cứu điển hình từ hai trong số các con sông lớn của khu vực là sông Mê Kông và sông Hằng, hai con sông cùng “đóng góp” khoảng 200.000 tấn ô nhiễm nhựa cho Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương mỗi năm.

“Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu khoa học về tác động của ô nhiễm nhựa đối với động vật hoang dã đều tập trung vào môi trường biển, trước tiên là xem xét sự vướng vào rác thải nhựa lớn và trong thập kỷ qua, nghiên cứu sâu hơn về tác động của vi nhựa trong đại dương. Lần đầu tiên báo cáo này thực sự tìm hiểu những gì chúng ta biết về tác động của nhựa đối với động vật di cư trong môi trường trên cạn và nước ngọt”, Amy Fraenkel, Thư ký điều hành CMS cho biết.

Việc bị vướng vào và ăn phải nhựa đang gây hại cho các loài di cư khắp khu vực, cả trên cạn và dưới nước. Bên cạnh tỷ lệ tử vong, tiếp xúc với nhựa cũng ảnh hưởng đến hành vi, sức khỏe và sự tồn tại lâu dài của động vật, Báo cáo nhấn mạnh.

Trong các hệ thống nước ngọt lớn, các loài động vật có vú đặc biệt có nguy cơ bị chết đuối sau khi vướng vào các ngư cụ bị bỏ đi. Trong đó, loài cá heo sông Hằng (Platanista gangetica) ước tính còn khoảng 3.500 cá thể và quần thể cá heo Irrawaddy ở sông Mê Kông (Orcaella brevirostris) với số lượng ít hơn 100 cá thể rất dễ bị tổn thương. Riêng trường hợp loài bò biển (Dugong dugon), mặc dù vướng vào ngư cụ cũng có thể là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu nhưng việc ăn phải nhựa đã gây ra một số trường hợp tử vong ở Ấn Độ và Thái Lan trong những năm gần đây.

Fraenkel nói rằng thực tế ngư cụ bị loại bỏ là một mối đe dọa lớn ở sông Mê Kông, sông Hằng và điều này cần được chú ý.

Trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sự tương tác giữa nhựa và động vật hoang dã đang diễn ra phổ biến. Ở Sri Lanka, người ta quan sát thấy voi châu Á (Elephants maximus) đang nhặt rác trong các bãi rác. Ở Hàn Quốc, cò thìa mặt đen (Platalea minor) gom các mảnh vụn đánh cá vào tổ của chúng khiến cò con bị vướng mắc nhựa. Trên một số hòn đảo Thái Bình Dương, những con chim hải âu ăn một lượng lớn nhựa trong khi kiếm ăn trên biển, thậm chí chúng còn mớm nhựa cho con non.

Đàn voi hoang dã tiêu thụ rác ở miền đông Sri Lanka, ảnh được chụp vào năm 2020. Tác giả: Tharmapalan Tilaxan/Creative Commons (CC BY-SA 4.0)

Theo báo cáo, các loài di cư đặc biệt dễ bị tổn thương vì chúng đi qua một loạt môi trường sống trong quá trình di cư, làm tăng khả năng gặp phải môi trường công nghiệp hóa hoặc ô nhiễm cao.

Khi kết hợp với những hoạt động mà con người đang gây hại cho môi trường sống của chính mình, chẳng hạn như xây đập thủy điện, đánh bắt quá mức, khai thác nước, thải các chất gây ô nhiễm khác và biến đổi khí hậu, nhựa đang đẩy ngày càng nhiều loài di cư đến gần nguy cơ tuyệt chủng.

Chim ưng biển tha rác nhựa về tổ. Hình ảnh: John Haedo / Creative Commons (CC BY 2.0)

Báo cáo của CMS cũng chỉ ra rằng năng lực toàn cầu để quản lý ô nhiễm nhựa đang không theo kịp tốc độ tăng trưởng dự kiến ​​của thị trường nhựa. Với tuổi thọ của nhựa, ô nhiễm môi trường toàn cầu có thể sẽ tiếp tục gia tăng đáng kể trong một số năm tới. Một nghiên cứu năm 2020 trên Science ước tính vào năm 2030, ngay cả với những nỗ lực đầy tham vọng nhằm giảm thiểu và quản lý rác thải nhựa trên toàn cầu, vẫn có tới 53 triệu tấn nhựa mỗi năm sẽ đi vào các con sông và đại dương trên trái đất. Nếu không có hành động khẩn cấp được thực hiện, con số này có thể lên tới 90 triệu tấn mỗi năm. Khi đó, sự hiểu biết khoa học về cách thức vi nhựa ảnh hưởng đến mạng lưới thức ăn, các loài động vật hoang dã và sức khỏe con người cũng bị tụt lại phía sau, Fraenkel cảnh báo.

“Chúng ta cần nghiên cứu thêm và cần phải có hành động thích hợp để đối phó với mối đe dọa như cách chúng ta vẫn làm với bất kỳ mối đe dọa nào khác đối với sức khỏe của nhân loại và môi trường tự nhiên”, Fraenkel nói và cho biết thêm rằng các hành động để giải quyết ô nhiễm nhựa toàn cầu đã giảm thiểu rất nhiều so với những gì cần thiết. “Cho đến nay, trọng tâm là làm sạch các đại dương nhưng điều đó đã quá muộn. Chúng ta cần tập trung vào các giải pháp và ngăn chặn ô nhiễm nhựa ở thượng nguồn”.

Báo cáo được đưa ra hồi đầu tháng 9 song song với hội nghị cấp bộ trưởng toàn cầu trong khuôn khổ UNEP nhằm giải quyết mối đe dọa nghiêm trọng của rác thải biển và ô nhiễm nhựa, trong đó nêu bật đề xuất đàm phán một hiệp ước pháp lý ràng buộc về ô nhiễm nhựa.

Bên cạnh đó, Báo cáo CMS kêu gọi những thay đổi mang tính chuyển đổi khẩn cấp. Ngoài việc ủng hộ việc giảm bớt sự sẵn có của các sản phẩm nhựa trên thị trường, báo cáo đưa ra một loạt các khuyến nghị nhằm hạn chế lượng nhựa xâm nhập vào môi trường.

Các chính phủ nên thực hiện các chính sách tái chế và quản lý chất thải tốt hơn và các nhà thiết kế sản phẩm nên nỗ lực để giảm nhu cầu về nhựa bằng cách tìm ra các giải pháp thay thế.

Các đề xuất khác bao gồm các chiến dịch giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và giảm thiểu việc sử dụng nhựa hàng ngày, đồng thời kết hợp các mục tiêu giảm thiểu nhựa vào các kế hoạch bảo tồn các loài di cư.

“Trên khắp thế giới, chúng ta có thể nhìn thấy một số điều rất tích cực và sáng tạo đang được thực hiện với rác thải nhựa và thông qua các luật, quy định, lệnh cấm nhưng điều quan trọng nhất là cần nhìn vào thị trường nhựa để thấy rằng chúng ta chỉ cần bao nhiêu trong số đó”, Fraenkel cho biết.

Ý Nhi (Theo Mongabay)

Nguồn: