Philippines phong tỏa kiểu mới để cứu nền kinh tế

Do áp lực nới lỏng biện pháp kiểm dịch từ các doanh nghiệp, chính phủ Philippines sẽ thực hiện phong tỏa từng vùng ở khu đô thị Manila từ ngày 8/9, bất chấp số ca nhiễm ở mức cao.

Ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, hôm 6/9 cho biết Philippines sẽ thực hiện quy định “kiểm dịch cộng đồng” cho vùng đô thị Manila (bao gồm thủ đô và các khu vực xung quanh) từ ngày 8/9 đến hết ngày 30/9, theo Nikkei Asia.

“Việc phong tỏa từng phần có thể diễn ra ở một con phố, một ngôi nhà hay toàn bộ cộng đồng. Hoạt động kiểm soát sẽ được thực hiện nghiêm ngặt và thực phẩm được chuyển đến người dân”, ông Roque nói.

Hôm 6/9, Bộ Y tế Philippines ghi nhận số ca lây nhiễm Covid-19 trong ngày đạt mức kỷ lục với 22.415 trường hợp. Đây cũng là ngày thứ 4 liên tiếp quốc gia Đông Nam Á có số ca nhiễm mới trên 20.000 người.

Tổng cộng, Philippines có hơn 2,1 triệu ca dương tính, với 34.300 ca tử vong. Số ca nhiễm trung bình 7 ngày ở vùng đô thị Manila có dấu hiệu gia tăng.

Ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte. Ảnh: CNN.

Từ ngày 6/8, vùng đô thị Manila (nơi sinh sống của 13 triệu dân) đã thực hiện các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta.

Chính phủ yêu cầu người dân ở nhà, đóng cửa các thẩm mỹ viện, phòng gym trong khi các điểm kinh doanh ăn uống chỉ được phục vụ mang về.

Quy định được chính quyền ông Duterte đưa ra nhằm khôi phục nền kinh tế ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2022.

Do hiến pháp Philippines không cho phép tổng thống tái cử, ông Duterte có ý định tiếp tục tranh cử ở vị trí phó tổng thống.

“Nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng sau nhiều đợt phong tỏa kéo dài, trong khi Covid-19 vẫn lây lan”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines Edgardo Lacson cho biết.

Bộ trưởng Thương mại Ramon Lopez đã lên tiếng ủng hộ chiến lược phong tỏa với mục tiêu cụ thể, còn Cố vấn kinh tế Joey Concepcion kêu gọi nới lỏng hạn chế đối với người đã được tiêm vaccine.

Tuy nhiên, ông Nicholas Antonio Mapa, nhà kinh tế học tại Manila, cho biết cần phải chờ xem hiệu quả của biện pháp mới trong bối cảnh nguy cơ về dịch bệnh vẫn hiện hữu.