Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h sáng 21/4: Thế giới trên 170.000 ca tử vong, nước Mỹ vượt 42.000 ca

Trong vòng 24h qua, tính tới 6h sáng 21/4, thế giới đã ghi nhận thêm gần 70.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và trên 5.000 ca tử vong mới. Tổng số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 2,47 triệu người và trên 170.000 ca tử vong, trong đó số ca tử vong tại Mỹ vượt qua ngưỡng 40.000 người.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện ở Glen Burnie, Maryland, Mỹ ngày 13/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h00 ngày 21/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới là 2.476.066 ca, trong đó có 170.121 ca tử vong. Dịch bệnh đã lan rộng ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số bệnh nhân phục hồi là 645.214 ca.

Mỹ: Bang New York qua đỉnh dịch, số ca tử vong thấp nhất trong tháng

Bang New York ngày 20/4 ghi nhận số ca tử vong thấp nhất do dịch COVID-19 kể từ đầu tháng Tư đến nay và tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại 2 bang lân cận là New Jersey và Connecticut.

Số ca tử vong tại bang New York đã giảm trong 5 ngày liên tục, với 478 ca được ghi nhận trong 24h qua, nâng tổng số ca tử vong lên 14.347 trường hợp. Trước đó, Thống đốc New York Andrew Cuôm nhận định số liệu cho thấy bang này đã qua đỉnh dịch, nhưng cảnh báo người dân phải hết sức cẩn trọng.

Kể từ ngày 20/4, New York sẽ xét nghiệm kháng thể chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cho 3.000 người được lựa chọn ngẫu nhiên để phục vụ mục đích cân nhắc thời điểm mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế của bang. Sau xét nghiệm, những người được xác định có kháng thể với virus SARS-CoV-2 sẽ được phép trở lại làm việc đầu tiên. Tuy vậy, New York hiện không có đủ khả năng xét nghiệm trên diện rộng cho tất cả 19 triệu cư dân đang sinh sống tại bang. Cùng ngày, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết, các sự kiện thu hút đông người sẽ bị hủy cho đến hết tháng Sáu.

Đến 6h sáng 21/4 (theo giờ VN), Mỹ ghi nhận số ca tử vong lên tới 42.458 người, trong khi tổng số ca mắc bệnh là 791.625 trường hợp.

Cùng ngày, kết quả cuộc thăm dò dư luận được Harvard CAPS/Harris Poll công bố độc quyền cho hãng tin The Hill cho thấy, đông đảo người dân Mỹ đánh giá rằng những hướng dẫn giãn cách xã hội do nhóm chuyên trách phòng chống dịch COVID-19 của Tổng thống Donald Trump đang đạt được hiệu quả tích cực. 80% số người được hỏi cho rằng những hướng dẫn giãn cách xã hội nói trên đang đạt hiệu quả tốt, trong khi đó, 20% số người được hỏi không nghĩ rằng các biện pháp này thành công. 78% người được hỏi cho biết họ đang làm việc hoặc học tập tại nhà và 22% số người được hỏi trả lời ngược lại.

Liên quan đến diễn biến dịch bệnh, ngày 20/4, các nước Bắc Mỹ gồm Mỹ, Mexico và Canada quyết định gia hạn thêm 30 ngày đối với các quy định hạn chế hoạt động đi lại không cần thiết qua biên giới chung giữa 3 nước.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 6/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Italy: Tổng số ca điều trị lần đầu tiên giảm xuống

Tổng số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại Italy trong ngày 20/4 đã lần đầu tiên giảm xuống kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng. Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, hiện có 108.237 ca điều trị tại nước này, giảm so với con số 108.257 trong ngày 19/4.

Italy hiện vẫn là quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai sau Mỹ, với 24.114 sinh mạng đã bị dịch bệnh cướp đi, trong tổng số 181.228 người mắc bệnh. Đường cong dịch tại Italy đang được làm phẳng dần và nước này đang áp dụng một số nới lỏng nhằm từng bước khôi phục lại nền kinh tế xã hội.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Milan, Italy ngày 18/4/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Pháp: Số người chết vượt quá ngưỡng 20.000

Tới 6h sáng 21/4 (theo giờ VN), số ca tử vong do bệnh COVID-19 tại Pháp đã lên tới ít nhất 20.265 trường hợp. Ông Jerome Salomon, Giám đốc Cơ quan Y tế Pháp khẳng định dịch COVID-19 đã cướp đi nhiều sinh mạng tại Pháp hơn bất cứ dịch bệnh theo mùa nào khác, và hơn cả đợt nắng nóng năm 2003 làm 19.000 người thiệt mạng. Ông Salomon cũng cập nhật con số bệnh nhân tại Pháp là 114.657 người, trong đó trên 37.000 người đã hồi phục; ít nhất 30.584 bệnh nhân nằm viện, trong đó 5.683 người đang cần chăm sóc đặc biệt.

Đức: Nới lỏng hạn chế nhưng không chủ quan

Ngày 20/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi người dân cần thận trọng và chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát trở lại.

Thủ tướng Merkel trong cuộc họp báo ngày 20/4 tại Berlin. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Merkel cho rằng hiện Đức mới chỉ bước đầu thành công trong việc kiểm soát sự lây lan nhanh của dịch COVID-19. Tuy nhiên, dịch bệnh này có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào, nếu người dân chủ quan và không tuân thủ các quy định về phòng chống, đặc biệt khi chính phủ vừa mới công bố nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội. Bà nhận định để có thể hoàn toàn khống chế được dịch bệnh COVID-19 đòi hỏi nhiều thời gian và một chặng đường dài phía trước. Tuy nhiên, bà Merkel cũng nhấn mạnh vấn đề quan trọng hiện nay là cần theo dõi sát tình hình các ca nhiễm trong hai tuần tới ở Đức liệu có tiếp tục tăng sau khi chính phủ liên bang nới lỏng một số quy định hạn chế hay không. Trong trường hợp số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng trở tại, Chính phủ Đức sẽ buộc phải áp đặt lại và thắt chặt hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội để phòng dịch.

Kể từ ngày 20/4, nước Đức bắt đầu nới lỏng một số hạn chế nhằm dần đưa cuộc sống trở lại bình thường, sau nhiều tuần áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Cho đến nay, mặc dù Đức đã thành công trong việc kiểm soát tốc độ lây nhiễm của dịch COVID-19, song số trường hợp mắc bệnh ở nước này vẫn ở mức cao. Tính đến 6h sáng 21/4 (giờ Việt Nam), cả nước Đức ghi nhận có 146.200 ca mắc bệnh, 4.683 ca tử vong và hơn 91.500 người khỏi bệnh.

Cùng ngày 20/4, Đức thông báo sẽ chi trả toàn bộ chi phí điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 từ các nước Liên minh châu Âu (EU) như một cử chỉ thiện chí.

Châu Âu diễn biến khả quan

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Burgos, Tây Ban Nha ngày 28/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong 24 giờ qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu đã có những diễn biến khả quan, khi Tây Ban Nha ghi nhận 399 ca tử vong, trong khi con số này tại Bỉ là 232 ca – mức thấp nhất của một ngày trong gần một tháng qua. Bộ Y tế Bỉ khẳng định cuộc khủng hoảng dịch bệnh của nước này đã qua giai đoạn “đỉnh điểm” Albania, Đan Mạch đều đã cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại, trong khi Na Uy bắt đầu nối lại hoạt động của các trường mẫu giáo.

Trong khi đó, Bộ Y tế công cộng Thụy Sĩ thông báo số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 đã lên tới 1.142 trên tổng số ca nhiễm tại nước này lên 27.944 người. Số ca nhiễm có chiều hướng giảm đã cho phép Chính phủ Thụy Sĩ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, phong tỏa áp đặt từ ngày 27/4.

Về phần mình, Anh tuyên bố việc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội tại nước này sẽ chỉ được thực hiện, khi đảm bảo chắc chắn rằng điều này sẽ không dẫn tới đợt bùng phát đại dịch COVID-19 thứ hai. Con số người mắc bệnh mới tại Anh vẫn ở mức cao, với 4.676 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm virus lên 124.743, trong đó có 16.509 người đã tử vong. Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng ngày cho biết ông lo ngại việc nới lỏng hạn chế sẽ làm bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai.  Ông Johnson hiện đang trong thời gian hồi phục sức khoẻ tại dinh thự Chequers ở ngoại ô London.

Một cửa hàng bán pho mát được trang bị tấm chắn để ngăn chặn lây lan của dịch COVID-19 tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 16/ 4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga, Ukraine: Số ca mắc bệnh giảm

Ngày 20/4, Nga thông báo ghi nhận thêm 4.288 ca mắc bệnh COVID-19, giảm tới 1.792 ca so với một ngày trước đó.  Như vậy, tính tới nay, số ca mắc COVID-19 tại Nga là 47.121, trong đó có 405 ca tử vong.

Mặc dù vậy, phát biểu trong hội nghị trực tuyến với các chuyên gia, Tổng thống Putin cho biết đỉnh dịch COVID-19 tại nước này vẫn còn ở phía trước khi virus đang lây lan mạnh không chỉ ở Thủ đô Moskva. “Theo các chuyên gia, đỉnh dịch vẫn chưa tới. Và đây là lúc chúng ta cần làm tất cả để làm êm đỉnh dịch này, rút ngắn thời gian ‘cao độ’, khi ghi nhận số lượng ca nhiễm cao nhất”, ông Putin nhấn mạnh.

Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp trực tuyến ngày 20/4 tại Moskva, Nga. (Ảnh: Kremlin/AP)

Cùng ngày, Bộ Y tế Ukraine cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 261 trường hợp mắc COVID-19. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc COVID-19 mới tại Ukraine giảm. Trong khi đó, số người hồi phục cũng cao hơn đáng kể, với 359 người. Tính đến nay, Ukraine ghi nhận 5.710 ca mắc COVID-19 và 151 người tử vong.

Nhân viên phun khử trùng một xe buýt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Kiev, Ukraine ngày 12/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại châu Mỹ, hãng tin AFP (Pháp) dẫn số liệu thống kê chính thức của các nước Mỹ Latinh cho biết số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở khu vực này trong ngày 19/4 đã vượt quá 100.000 người với trên 5.000 người tử vong. Riêng tại Brazil, quốc gia có nhiều ca mắc COVID-19 nhất trong khu vực, số ca nhiễm hiện nay là 40.581 ca, trong đó có 2.579 ca tử vong.

Cuba: Giữa tháng Năm mới tới đỉnh dịch

Các quan chức y tế Cuba dự báo đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 tại đảo quốc Caribe này sẽ rơi vào nửa đầu tháng Năm và đề ra mục tiêu không để con số bệnh nhân và số ca tử vong tăng đột biến từ nay cho tới thời điểm đó. Để chuẩn bị cho giai đoạn này, Cuba đang đẩy mạnh việc nhập khẩu các bộ xét nghiệm sinh học phân tử (Real time PCR) và các bộ xét nghiệm nhanh cho phép chẩn đoán bệnh ở những đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, La Habana nhấn mạnh lệnh cấm vận của chính quyền Mỹ tiếp tục là yếu tố gây trở ngại cho các hoạt động phục vụ công tác y tế này.

Theo Bộ Y tế Cuba, đảo quốc này đã ghi nhận tổng cộng 1.035 ca mắc COVID-19, tăng 49 ca trong 24 giờ qua và 34 ca tử vong, tăng 2 ca so với một ngày trước đó. Hiện đã có tổng số 255 ca được xuất viện.

Iran nối lại nhiều hoạt động kinh tế

Ngày 20/4, Chính phủ Iran đã cho phép nối lại thêm nhiều hoạt động kinh tế sau quyết định mở cửa trở lại các doanh nghiệp theo lộ trình các hoạt động kinh tế và xã hội trong 10 ngày qua.

Iran đã “đóng băng” tất cả các hoạt động kinh tế không thiết yếu kể từ giữa tháng Ba nhằm hạn chế tốc độ lây lan của dịch COVID-19. Vài tuần sau khi dịch bùng phát, nước này mới nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khi số ca tử vong đã giảm dần trong gần một tuần qua. Giới chức Iran cho rằng nền kinh tế vốn chịu nhiều tổn thất do các lệnh cấm vận của phương Tây này không thể tiếp tục đóng cửa. Tổng thống Hassan Rouhani đã cho phép các doanh nghiệp thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm thấp hoạt động trở lại từ ngày 11/4.

Quân đội Iran diễu hành với trang thiết bị y tế hôm 17/4. (Ảnh chup màn hình)

Tại khu vực Nam Á, Ấn Độ đã nới lỏng một số hạn chế về hoạt động kinh tế được áp đặt như một phần của lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Ấn Độ hiện có 18.539 bệnh nhân COVID-19, trong đó 592 người đã tử vong.

Tương tự, giới chức Sri Lanka cũng đã nới lỏng lệnh giới nghiêm được áp đặt tại một số quận của đất nước, trong khi thủ đô Colombo và ba quận khác, được tuyên bố là khu vực “nguy cơ cao” do đại dịch COVID- 19, tiếp tục duy trì lệnh giới nghiêm.

Tại Iran, quốc gia Trung Đông này đã ghi nhận thêm 91 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này đến nay lên 5.209 ca. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã lên tới 83.505 ca sau khi có thêm 1.294 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.

Hàn Quốc: Cảnh báo dịch có thể trở lại trong mùa Đông

Giám đốc Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc, bà Jung Eun-kyeong ngày 20/4 cảnh báo một đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 quy mô lớn khác có thể lại diễn ra vào mùa Đông tới, đồng thời yêu cầu giới chức và người dân nước này không được mất cảnh giác cho đến khi phát triển được vaccine và bào chế được thuốc điều trị hiệu quả. Bà Jung Eun-kyeong đã lưu ý tới đường cong dịch tễ lên xuống trong các đại dịch đã qua và nhiều thông tin về chủng virus SARS-CoV-2 vẫn còn là ẩn số.

Chuyên gia Jung Eun-kyeong lưu ý dịch COVID-19 khá thất thường và không khí lạnh thường tạo môi trường thuận lợi cho virus phát triển, trong khi mọi người dành nhiều thời gian hơn ở trong nhà vào mùa Đông…Trong trường hợp xấu nhất, các nước có thể phải chứng kiến một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới.

Trung Quốc: Tỉnh Hồ Bắc lùi kỳ thi đại học thêm một tháng

Tỉnh Hồ Bắc, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề dịch COVID-19 tại Trung Quốc, đã thông báo sẽ hoãn kỳ thi đại học thêm một tháng từ ngày 7/7 sang ngày 7/8. Trước đó, ngày 31/3 vừa qua, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã quyết định hoãn kỳ thi toàn quốc này thêm một tháng do dịch bệnh. Cơ quan Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh tỉnh Hồ Bắc xác nhận học sinh cuối cấp trung học phổ thông tại Hồ Bắc sẽ đi học trở lại vào ngày 6/5 tới. Việc đi học trở lại của các cấp khác sẽ được công bố sau, dựa trên tình hình dịch bệnh.

Trong một diễn biến khác, các nhà khoa học Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng 2 loại vaccine bất hoạt phòng dịch  COVID-19. Công ty Biotec (CNBG), nơi bào chế ra một trong 2 loại vaccine trên, cho biết các điều kiện vật lý của những người được thử nghiệm tiêm vaccine đang được theo dõi chặt chẽ thông qua phân tích miễn dịch, phát hiện cytokine – một chất được tự động sản sinh khi cơ thể khi bị virus tấn công – và giám sát kháng thể trung hòa, một chỉ số chính cho thấy vaccine có hiệu quả hay không.

Mẫu vaccine bất hoạt phòng bệnh COVID-19 được sản xuất tại nhà máy của Sinopharm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 14/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Singapore nguy cơ mất kiểm soát

Trong ngày 20/4, Singapore đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao kỷ lục với 1.426 ca, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 8.014 ca. Như vậy, Singapore tiếp tục có số ca mắc cao nhất tại Đông Nam Á sau khi vượt Indonesia và Malaysia vào ngày 19/4. Giới chức Singapore thừa nhận số ca nhiễm sẽ còn tăng mạnh trong những ngày tới do nước này đang triển khai xét nghiệm diện rộng. Giới quan sát dự báo số ca nhiễm có thể sẽ lên tới 20.000 ca vào cuối tháng 4 này.

Từng được đánh giá là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng Singapore đang phải đối mặt với nguy cơ mất kiểm soát do dịch bệnh bùng phát tại các khu nhà ở của công nhân nhập cư từ nước ngoài.

Người lao động đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Singapore ngày 15/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại Indonesia, chính phủ nước này đã quyết định kéo dài thời gian làm việc tại nhà đối với công chức nhà nước đến ngày 13/5 để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan. Theo Bộ Y tế Indonesia, trong ngày 20/4, nước này đã ghi nhận thêm 185 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại đây lên thành 6.760 người, trong khi 747 bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện.

Tại Campuchia, nhà chức trách cho biết hơn 10.000 công nhân ngành dệt may từ các tỉnh quay trở lại Phnom Penh làm việc sau Tết mừng năm mới Khmer Chol Chhnam Thmey sẽ được đưa tới các địa điểm cách ly bắt buộc. Ngày 20/4 là ngày thứ 7 liên tiếp Campuchia không phát hiện ca mắc mới nào.

Trong ngày 20/4, Thái Lan đã ghi nhận thêm 27 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 2.792 người. Đa số các ca nhiễm mới này là ở thủ đô Bangkok và đây cũng là địa phương có nhiều ca COVID-19 nhất nước, với 1.440 bệnh nhân. Trong 3 ngày liên tiếp vừa qua, nước này đã không ghi nhận thêm ca tử vong nào do COVID-19, duy trì con số 47.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 15/4/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

New Zealand nới lỏng phong toả trong tuần tới

Ngày 20/4, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo nước này sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc vào tuần tới nhờ đạt được thành tích cao trong công tác phòng chống dịch COVID-19.  Theo đó, nước này sẽ giảm mức phong tỏa toàn quốc từ cấp 4 xuống cấp 3 kể từ nửa đêm 27/4 và sẽ duy trì trong 2 tuần sau đó trước khi có quyết định tiếp theo. Theo đó, người dân có thể tiếp tục làm việc và học tập tại nhà nếu có thể; giáo dục từ cấp mầm non đến lớp 10 sẽ được mở cửa trở lại; các ngành công nghiệp như xây dựng, sản xuất, lâm nghiệp và bán lẻ được phép hoạt động trở lại nếu đảm bảo an toàn dịch bệnh; và công viên và bãi biển sẽ được mở cửa trở lại nhưng người dân vẫn phải chấp hành quy định không đi xa khỏi khu vực cư trú và giữ khoảng cách 2m với người khác.

Người dân thực hiện giãn cách xã hội khi xếp hàng bên ngoài siêu thị ở Wellington, New Zealand ngày 11/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Ngày 20/4, Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ), ông Stephane Dujarric cho biết TTK LHQ Antonio Guterres mong muốn một loại vaccine điều trị bệnh COVID-19 sẵn sàng cho tất cả mọi người trên khắp thế giới. Trong cuộc họp báo trực tuyến, ông Stephane Dujarric cho rằng “có sự cạnh tranh giữa các nhà phát triển vaccine là tốt, nếu có sự hợp tác cùng nhau thậm chí còn tốt hơn. Tôi nghĩ điều quan trọng là khi chúng ta có một loại vaccine có hiệu quả, đó là loại vaccine sẵn sàng sử dụng cho tất cả mọi người”.