Sự hối hận vì từ chối tiêm vaccine của bệnh nhân Covid-19 ở Mỹ

Ngày càng nhiều người Mỹ bày tỏ sự hối hận vì từng nói “không” với vaccine Covid-19.

Mindy Greene lại dành một ngày nữa tại phòng hồi sức tích cực (ICU), lặng nghe tiếng máy đang tạo nhịp thở giùm Russ Greene, người chồng 42 tuổi của cô, theo New York Times.

Bệnh nhân Covid-19 ở phòng bên đã qua đời vài giờ trước đó.

“Chúng tôi đã không tiêm chủng. Tôi đọc đủ kiểu thông tin xung quanh vaccine Covid-19 và chúng khiến tôi cảm thấy sợ hãi. Do đó, hai vợ chồng đã đưa ra quyết định không tiêm, đồng thời cầu nguyện và tin rằng chúng tôi sẽ ổn thôi”, Mindy mở điện thoại ra và soạn một bài đăng trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, hiện thực lại không như những gì gia đình Mindy tưởng tượng. Russ hiện đứng giữa ranh giới giữa cái sống và cái chết. Đủ loại dây, ống đang cắm vào cơ thể anh.

“Nếu ngày đó biết được những gì phải trải qua lúc này, vợ chồng tôi và 4 đứa con đã đi tiêm phòng rồi”, người vợ chia sẻ thêm. Mindy quyết định góp tiếng nói vào cuộc tranh luận về vaccine Covid-19 đang diễn ra ở Mỹ, thể hiện sự hối hận, tiếc nuối của mình.

Mindy Greene (giữa) cùng một người bạn tới trông nom Russ trong phòng hồi sức tích cực. Ảnh: Kim Raff/New York Times.

Giữa cuộc bùng phát của loạt ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19, những người từng từ chối tiêm chủng, hoặc đơn giản là trì hoãn quá lâu đang phải hứng chịu hậu quả theo cách thực tế, trần trụi nhất.

Một số người bày tỏ sự hối hận khi đang nằm trên giường bệnh, tại đám tang của người thân hoặc qua dòng di chúc. Họ sẻ chia về nỗi đau đớn khi bị virus tàn phá cơ thể, hoặc lúc chứng kiến những người thân không tiêm vaccine qua đời.

“Tôi cảm thấy vô cùng tội lỗi. Tôi vẫn tự trách mình mỗi ngày”, Mindy nói khi cô đang ngồi ở sảnh chờ tầng 4, bên ngoài phòng ICU của chồng cô tại Bệnh viện Utah Valley (bang Utah, Mỹ).

“Mẹ ơi, con không thở được”

Sự gia tăng gần đây của số ca dương tính SARS-CoV-2 mới và lượng bệnh nhân không tiêm vaccine nhập viện đã cho thấy thực tế nghiệt ngã rằng đại dịch đang “gõ cửa” những gia đình tưởng đã thoát khỏi Covid-19.

Hiện với sự tức giận và mệt mỏi chồng chất ở nhiều phía, một câu hỏi được đặt ra là liệu câu chuyện của những người trong cuộc có thể thay đổi suy nghĩ của nhóm từ chối vaccine không.

Thực tế cho thấy một số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 vẫn thề sẽ không tiêm chủng, và các cuộc khảo sát chỉ ra chưa có sự tiến triển nào ở phần lớn nhóm công dân Mỹ từ chối vaccine.

Mindy cảm thấy hối hận, tiếc nuối mỗi ngày vì đã không tiêm vaccine cho gia đình sớm hơn. Ảnh: Kim Raff/New York Times. 

Các bác sĩ ở những bệnh viện điều trị Covid-19 cho biết một số bệnh nhân vẫn tin rằng họ chỉ mắc cúm thông thường, không phải loại virus nào khác.

“Chúng tôi đang tiếp nhận những bệnh nhân mắc Covid-19 nằm trong phòng ICU, song họ lại phủ nhận sự tồn tại của virus nCoV, bất chấp chúng tôi giải thích thế nào”, Matthew Sperry, bác sĩ hồi sức cấp cứu về phổi, người đang điều trị cho Russ, chia sẻ.

Số ca nhập viện vì Covid-19 ở bang Utah tăng 35% trong 2 tuần vừa qua. Các đơn vị chăm sóc tích cực trên toàn hệ thống 24 bệnh viện nơi bác sĩ Matthew làm việc đã kín chỗ 98%.

Bà Kimberle cầm di ảnh của con gái Erica – người từng chọn không tiêm vaccine và đã qua đời vì Covid-19. Ảnh: Michael B. Thomas/New York Times. 

Trước tình cảnh này, một số bệnh viện ở những khu vực bảo thủ, có mức tiêm chủng thấp của xứ cờ hoa bắt đầu chiêu mộ những người hồi phục Covid-19 làm sứ giả sức khỏe cộng đồng. Họ hy vọng những bệnh nhân từng một thời hoài nghi về dịch bệnh có thể thuyết phục người khác.

“Mọi người đang tuyên truyền từ nơi sinh sống, thậm chí giường bệnh của họ. Điểm mấu chốt nằm ở khả năng tiếp cận của thông điệp: ‘Tôi đã không thể tự bảo vệ gia đình của mình. Hãy để tôi giúp bạn bảo vệ mái ấm của bạn’”, Rebecca Weintraub, một trợ lý giáo sư về sức khỏe toàn cầu và y học xã hội tại Trường Y Harvard, chia sẻ.

Tại thành phố Springfield (bang Missouri), nơi số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến vào mùa hè này, trong chiếc áo choàng bệnh viện, Russell Taylor đeo ống thở oxy và đưa ra những lời chứng thực về vaccine từ bệnh viện.

“Giờ đây, chẳng có lý do gì khiến tôi hoài nghi về vaccine Covid-19”, anh nói qua video được phát trên kênh truyền hình địa phương. Russell, người phải cấy ghép 2 lá phổi sau khi dương tính SARS-CoV-2, cầu xin những người khác hãy tiêm chủng.

Bà Kimberle ôm con trai Antonio Jones trong buổi viếng thăm con gái quá cố vào tuần trước. Ảnh: Michael B. Thomas/New York Times.

Một số khác thay mặt các thành viên trong gia đình, những người mắc bệnh hoặc qua đời vì đại dịch, lên tiếng ủng hộ tiêm chủng, trong đó có Kimberle Jones. Con gái của bà, Erica Thompson (37 tuổi), đã qua đời vào ngày 4/7, gần 3 tháng sau khi chống chọi căn bệnh mà gia đình tưởng chỉ là “cơn hen suyễn tồi tệ”.

“Tôi muốn trở thành tiếng nói của con gái mình. Tôi thực sự đã nghĩ rằng con bé sẽ muốn mẹ nó nói rằng ‘Hãy đi tiêm phòng thôi’”, Kimberle, người đi tiêm vaccine Covid-19 ngay khi có thể, nói với New York Times.

Theo lời kể của bà Kimberle, Erica từng hoài nghi về tốc độ sản xuất nhanh chóng của các loại vaccine Covid-19. Cô cũng tin rằng chiến dịch tiêm phòng là âm mưu chống lại cộng đồng người da đen của chính phủ Mỹ.

“Những lời cuối cùng mà con bé nói với tôi là ‘Mẹ ơi, con không thở được’”, bà Kimberle kể lại.

Đặt niềm tin vào thông tin sai lệch

Tại bang Utah, Mindy cho biết chồng cô từng trao quyền quyết định nên tiêm vaccine cho cả gia đình hay không cho vợ. Ban đầu, cô dự định tiêm ngay lập tức khi bác sĩ hàng xóm kế bên đã tiêm liều đầu tiên.

Tuy nhiên, Mindy lại chuyển sang lo lắng và chần chừ sau khi lướt mạng xã hội, cũng như nói chuyện với những người bạn thuộc hội chống vaccine.

Mindy và 4 người con cầu nguyện cho Russ mỗi ngày. Ảnh: Kim Raff/New York Times.

Cuối tháng 6, Covid-19 “bước vào” gia đình nhỏ của hai vợ chồng Mindy sau khi 2 con trai lớn đem virus về nhà từ trại hè do nhà thờ tổ chức.

Không lâu sau, Russ, một người thường xuyên đi bộ đường dài trên núi, phải nhập viện vì nồng độ oxy giảm xuống mức nguy kịch. Từ ngày đó, 4 đứa trẻ nhà Mindy, ở độ tuổi từ 8-18, ở nhà trông nhau khi mẹ vào bệnh viện chăm bố.

“Tôi sẽ luôn hối hận vì đã nghe theo những thông tin sai lệch ngoài kia. Chúng tạo ra nỗi sợ hãi”, cô chia sẻ.

Ngay cả khi Russ bắt đầu phải dùng máy thở hồi đầu tháng 7, những người phản đối vaccine Covid-19 vẫn tiếp tục nhắn tin cho Mindy về các thông tin sai lệch liên quan đến khả năng sinh sản và số ca tử vong do vaccine mà chính phủ che giấu. Họ còn gửi tới cô những hộp thuốc ngựa được quảng cáo là “phương pháp chữa Covid-19”.

Thậm chí, một cộng sự kinh doanh của Russ vẫn chống lại việc tiêm chủng dù anh ta đến thăm vợ chồng Mindy ở sảnh chờ phòng ICU.

Tuy nhiên, quan điểm của Mindy đã thay đổi kể từ khi chứng kiến virus tàn phá cơ thể chồng cô. Nói với New York Times, người mẹ cho biết cô và các con đã hẹn lịch đi tiêm chủng.