Nuôi nghêu tự phát: Những thiệt hại vô hình

ThienNhien.Net – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng nuôi nghêu lớn nhất cả nước, với diện tích ước tính gần 1,5 vạn ha. Nhiều năm qua, nghề nuôi nghêu đã đem lại thu nhập khá ổn định cho người nông dân. Thế nhưng do thiếu quy hoạch, đặc biệt là tình trạng phát triển diện tích, khai thác theo kiểu tự phát đang đẩy nghề nuôi nghêu ở khu vực này đứng trước sự ảnh hưởng lớn về môi trường và diện tích rừng ngập mặn bị xâm hại nghiêm trọng.

Do phát triển tự phát, nghề nuôi nghêu ĐBSCL đang đứng trước sự ảnh hưởng nghiêm trọng về môi trường (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Do phát triển tự phát, nghề nuôi nghêu ĐBSCL đang đứng trước sự ảnh hưởng nghiêm trọng về môi trường (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Hội Nghề cá Việt Nam) cho biết, nghêu là một trong những những nguồn lợi thủy sản tự nhiên, phân bố ở các vùng cửa sông ven biển thuộc Đông và Tây Nam bộ, trải dài từ vùng ven biển thuộc Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh) đến các tỉnh thuộc ĐBSCL như: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang.

Nghêu không chỉ được khai thác tự nhiên mà còn được thả nuôi ở những bãi biển ngập triều thích hợp. Kết quả điều tra từ năm 2009 cho thấy, diện tích nuôi nghêu ở vùng ĐBSCL có xu hướng gia tăng, với tốc độ tăng bình quân diện tích 11%/năm.

Việc mở rộng diện tích thủy sản nước lợ nói chung, diện tích nghêu nói riêng với tốc độ phát triển nhanh, không theo quy hoạch dẫn đến việc phá rừng ngập mặn của người dân. Nếu tính về diện tích, rừng ngập mặn ở Cà Mau đã bị phá hoàn toàn, nó xấp xỉ với diện tích rừng trồng trong khoảng 20 năm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, “trong cái được luôn tiềm ẩn những mất mát không dễ gì xác định hay nhận dạng được ngay. Khi tính toán đến các thiệt hại, người ta vẫn quen với cách thống kê tổng các thiệt hại được quy thành tiền. Còn những thiệt hại vô hình, đặc biệt là những thiệt hại về môi trường sinh thái thì ít được nhắc đến.

Ông Lê Tôn Cường, đại diện nhóm nghiên cứu của Khoa Thủy sản (ĐH Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh) cho biết, rừng ngập mặn có khả năng điều tiết tiểu vùng khí hậu, làm cho nhiệt độ không khí và nước vùng lân cận ôn hòa hơn, hạn chế tình trạng nhiệt độ tăng cao bất thường, hỗ trợ đời sống cho con nghêu. Theo báo cáo của một số tỉnh trọng điểm vùng ĐBSCL quý I/2013, nghêu nuôi có hiện tượng chết trên diện rộng mà nguyên nhân chủ yếu do nắng nóng kéo dài. Ông Cường khẳng định, nếu rừng phát triển tốt thì nhiệt độ môi trường sẽ giảm thấp và hỗ trợ đời sống của nghêu tốt hơn.

Ông Bùi Lai – Viện Sinh học Nhiệt đới đánh giá, có thể thấy nguồn lợi nghêu ở ĐBSCL là rất phong phú nhưng để phát triển bền vững cần có những nỗ lực lớn trong việc chia sẻ trách nhiệm và hưởng lợi của những người quản lý và cộng đồng người khai thác và nuôi nghêu.