Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vào cuộc điều tra kỳ án “buôn lậu gỗ trắc”

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đang thụ lý điều tra vụ án hình sự “Ra quyết định trái pháp luật” liên quan đến kỳ án “buôn lậu gỗ trắc” xảy ra tại tỉnh Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng vào năm 2011.

Lô gỗ trắc tang vật của vụ án đã được bán đấu giá. Ảnh: TT.

Ngày 28.7, nguồn tin từ UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị này đã nhận được văn bản của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc phối hợp giải quyết vụ án hình sự.

Theo đó, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đang thụ lý điều tra vụ án hình sự “Ra quyết định trái pháp luật” xảy ra trong quá trình Cơ quan Cảnh sát điều tra C44 (nay là C01) Bộ Công an tiến hành điều tra, giải quyết vụ án hình sự “buôn lậu” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại tỉnh Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng.

Bị cáo Trương Huy Liệu tại phiên tòa xét xử phúc thẩm năm 2019. Ảnh: Hưng Thơ.

Theo yêu cầu điều tra vụ án, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp, chỉ đạo Hội đồng định giá tài sản tỉnh Quảng Trị cung cấp cho cơ quan này các tài liệu là kết quả định giá, bán đấu giá tài sản và quy định về giá bán tối thiểu với mặt hàng gỗ Trắc và gỗ Giáng Hương trên địa bàn tỉnh vào thời điểm tháng 01.2014, tháng 7.2019 để có căn cứ giải quyết vụ án đúng quy định.

Theo hồ sơ Báo Lao Động thu thập từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị về định giá gỗ trắc đối với các lô gỗ xử lý tịch thu bán đấu giá vào tháng 1.2014, thì lô gỗ trắc trên 600m3 của Công ty TNHH Ngọc Hưng (trụ sở tại tỉnh Quảng Trị) nhập khẩu từ Lào về Việt Nam bị Tổng cục Hải quan và C44 Bộ Công an khởi tố từ năm 2011 có giá khoảng 490 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi vụ án chưa kết thúc điều tra, lô gỗ trắc tang vật đã bị đem bán đấu giá với giá hơn 59 tỉ đồng.

Trước đó, như Báo Lao Động đã nhiều lần thông tin, vào tháng 12.2011, Công ty TNHH Ngọc Hưng nhập lô gỗ hơn 600m3 gỗ trắc từ Lào về Việt Nam. Khi lô hàng vận chuyển vào thành phố Đà Nẵng để chuyển đi Trung Quốc thì bị giữ lại.

Sau đó, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan ra quyết định khởi tố vụ án. Vụ án được chuyển cho C46. Sau đó, C46 kết luận chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu và trả lại hồ sơ. Hồ sơ lại được chuyển sang C44 và cơ quan này ra quyết định khởi tố.

Khi vụ án chưa đưa ra xét xử nhưng tháng 12.2013, ông Phan Văn Vĩnh lúc đó là trung tướng, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề xuất cho xử lý lô gỗ là vật chứng của vụ án theo hướng bán lô gỗ, và lô gỗ được bán với giá hơn 59 tỉ đồng.

Lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị (thứ 2 và thứ 3 từ trái sang) giám sát tại phiên tòa xét xử phúc thẩm. Ảnh: Hưng Thơ.

Sau 4 phiên xét xử sơ thẩm, tại phiên xét xử phúc thẩm diễn ra vào 7.2019, Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng tăng hình phạt với ông Trương Huy Liệu (Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Hưng) với mức án 7 năm tù giam, bà Trần Thị Dung (Phó Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Hưng) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. 3 công chức Hải quan liên quan bị buộc tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” với mức án từ 6 tháng đến 18 tháng tù, cho hưởng án treo.

Tòa phúc thẩm cũng kết luận: “Số vật chứng được tính thành tiền còn lại là 59.690.076.000 đồng, do không có cơ sở kết luận các bị cáo buôn lậu” nên HĐXX quyết định “Chuyển cho Tổng cục Hải quan để xem xét, xử lý về vi phạm hành chính do Công ty TNHH Ngọc Hưng khai sai thực tế về tên hàng”.

Sau đó, ngày 5.11.2019 Tổng Cục trưởng Hải quan đã ký quyết định tịch thu tang vật sung công quỹ.

Liên quan đến vụ án này, ngày 31.5.2019, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “ra quyết định trái pháp luật” xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an. Cựu Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh chỉ đạo bán lô gỗ trắc bị khởi tố với tội danh “Ra quyết định trái pháp luật”.

Theo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, qua giám sát phiên tòa phúc thẩm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nhận thấy quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật trong quá trình tố tụng dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá, áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án.

Vì vậy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có liên quan đề nghị giám sát việc xét xử phúc thẩm vụ án nói trên, đồng thời có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.