Mùa tận diệt chim cu ngói

ThienNhien.Net – Xã Đức Long (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) từ lâu đã nổi tiếng với “nghề” phụ… bẫy chim cu ngói (có tên khoa hoc là Streptopelia tranquebarica, thuộc họ Bồ Câu Columbidae). Thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, người dân thường bẫy cu ngói để bán cho các tư thương. Họ coi việc săn bẫy cu ngói như một nghề phụ để kiếm thêm thu nhập cho cả gia đình nên chẳng chút băn khoăn điều đó là đúng hay sai, là hay hay dở.

Có mặt tại xóm Nà Pẳng, xã Đức Long vào những ngày cuối tháng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh hàng trăm con cu ngói bị xếp chen chúc trong những chiếc lồng chật hẹp, chúng chính là món hàng đang được cánh lái buôn ngã giá với thợ săn.

Người dân nơi đây cho biết, hầu hết số chim cu ngói này đều bẫy được trong tự nhiên. Mới đầu vụ nên giá cu ngói khá cao, trung bình từ 50.000 – 60.000 nghìn đồng/con. Theo kinh nghiệm của những thợ săn, năm nào gió mùa về sớm thì cu ngói bay về càng nhiều. Các thợ săn đa phần là thanh niên của các xóm Nà Pẳng, Cốc Lùng… Họ không chỉ săn cu ngói trên chính những cánh đồng thuộc xã mà còn lấn sang cả các huyện khác như Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Phục Hòa… Mỗi lần đi, họ lập hẳn cả “phi đội” để thu lượm cho “đậm”.

Đội thợ săn thường chọn đúng giờ “hoàng đạo” để đi săn, sáng từ 5 đến 9 giờ, chiều từ 2 đến 5 giờ. Dụng cụ đi săn khá đơn giản, chỉ gồm hai tấm lưới cước được giăng rộng giữa ruộng, và đặc biệt không thể thiếu sự trợ giúp của những chú cu ngói đã bị khâu mắt và buộc chân. Chính nhờ những chú cu ngói đóng vai trò làm mồi nhử này mà đám thợ săn đã bẫy được bao đàn cu ngói tự nhiên bay qua. Toàn bộ “chiến lợi phẩm” sau đó được thu gom lại và được bán cho các tư thương trước khi được đưa vào các nhà hàng gần khu vực.

Khi được hỏi về quy định của nhà nước trong việc bảo vệ các loài động vật hoang dã, dường như ai cũng biết một số loài chim không được săn bắt. Tuy nhiên, nhiều người dân Đức Long lại viện cớ, cu ngói tự nhiên hay các loài chim di cư khác chỉ tổ phá lúa nên có bắt cũng chẳng sao (!?).

Theo một số người dân địa phương, mỗi năm, Đức Long bắt được rất nhiều chim cu ngói. Trước đây, tại nhiều cánh rừng, đồi, người ta có thể dễ dàng nghe thấy tiếng chim cu ngói kêu nhưng giờ do nạn săn bắt tràn lan nên loài chim này xuất hiện ngày càng ít, gần như không dám bay về đây nữa.

Đã đến lúc ngành chức năng cần sớm có biện pháp ngăn chặn và xử phạt các đối tượng săn bắt chim trời để trả lại cho tự nhiên những gì vốn thuộc về chúng.

Một thợ săn chim
Thợ săn đang giăng bẫy chim cu ngói giữa cánh đồng
Những chiếc bẫy được giăng sẵn…
… với mồi nhử là những chú cu ngói bị khâu mắt và buộc chân