Rùa mái nhà Myanmar thoát nguy cơ tuyệt chủng

Theo một nghiên cứu mới được WCS Myanmar, Turtle Survival Alliance (TSA), Global Wildlife Conservation và Đại học Georgetown công bố trên tạp chí Zootaxa, rùa mái nhà Myanmar (Batagur trivittata) vốn từng bị coi là tuyệt chủng đã được cứu khỏi bờ vực nhờ một chương trình bảo tồn nghiêm ngặt.

Rùa mái nhà Myanmar được coi là loài rùa nguy cấp thứ 2 trên thế giới. Từng là loài phổ biến ở Myanmar nhưng nạn săn bắn, khai thác trứng bừa bãi đẩy quần thể loài đến bờ vực tuyệt chủng với chỉ 5 hoặc 6 cá thể cái và 2 cá thể đực hoang dã còn lại trong tự nhiên.

Ảnh: WCS Myanmar

Loài này từng bị coi là tuyệt chủng cho đến năm 2001 khi các nhà nghiên cứu phát hiện mai một cá thể mới bị giết ở một ngôi làng ven sông Dokhtawady tại Myanmar. Những nỗ lực tìm kiếm sau đó chỉ tìm được chưa đầy 10 cá thể cái hoang dã ở hai hệ thống sông tại Myanmar.

“Mối đe dọa ớn nhất là còn quá ít cá thể hoang dã, chỉ cần sơ sảy là chúng ta mất cả quần thể. Hơn nữa do nạn đánh cá, chúng tôi lo rằng rùa mái nhà Myanmar có thể bị mắc vào lưới. Nếu không giám sát, trứng rùa sẽ bị lấy trộm”, nhà nghiên cứu bò sát Steven Platt, tác giả nghiên cứu và đang làm việc cho WCS Đông Nam Á chia sẻ.

Năm 2007, WCS và TSA phối hợp với Bộ Lâm nghiệp và Bảo tồn môi trường Myanmar khởi động chương trình bảo tồn rùa mái nhà bằng cách thu thập trứng rùa hoang dã để nhân nuôi, bảo vệ rùa non khỏi các loài săn mồi như cá lớn, chim và thằn lằn, cũng như nạn săn trộm. Những cá thể còn sót lại trong tự nhiên (sống ở thượng nguồn sông Chindwin) được giám sát và thu thập trứng để ấp.

Đến nay quần thể nuôi nhốt đạt tới 1.000 cá thể, rùa mái nhà Myanmar gần như không phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng về mặt sinh học nữa. Mục tiêu của chương trình bảo tồn là thả chúng về với sinh cảnh tự nhiên ở sông Chindwin.

Năm 2015, WCS và TSA tái thả vài cá thể đực về tự nhiên nhưng vấp phải khó khăn về giám sát khi mùa mưa tới. Hiện nay, nhóm nghiên cứu thực hiện chiến thuật khác là “thả mềm” một số cá thể trong lồng ở dưới sông với hy vọng sẽ thả chúng về tự nhiên khi đã quen với hoàn cảnh.

“Bảo tồn rùa sông thực sự khó. Thường thì rùa di chuyển khoảng 1 km hoặc loanh quanh vài ha mà chúng ta thả chúng. Nhưng rùa mái nhà khi được thả về sông sẽ bơi xa hàng mấy trăm km”, Platt chia sẻ. “Nhưng 2 năm qua, chương trình nuôi nhốt sinh sản thu được khoảng 170 cá thể mỗi năm. Rùa mái nhà được an toàn về mặt sinh học, chắc chắn chúng không tuyệt chủng”.

Thế Anh (Theo Mongabay)

Nguồn: