Sinh vật kì lạ đang giúp chống lại biến đổi khí hậu

Salps – những sinh vật biển kì lạ giống như thạch – đang giúp chống lại biến đổi khí hậu bằng cách hút các sinh vật hấp thụ CO2 và để lại phân giàu carbon dưới đáy biển.

Theo The Guardian, salps là những sinh vật có màu trong như thạch và thường sinh sống ở các vùng biển lạnh. Có rất ít người biết đến sự tồn tại của salps mặc dù có vô số loài trong số chúng bơi trong các đại dương trên thế giới và đang giúp chống lại biến đổi khí hậu.

Salps là những sinh vật biển kì lạ trong suốt giống như thạch. Ảnh: Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ

Salps di chuyển quanh mặt biển vào ban đêm, hút và tiêu hóa thực vật phù du – những sinh vật nhỏ hấp thụ CO2 để quang hợp. Vào ban ngày, chúng chìm sâu hơn dưới đáy biển và thải ra những cục phân giàu carbon còn sót lại từ các bữa ăn thực vật phù du. Những cục phân chìm sâu nhanh chóng tới 1.000m trong một ngày.

Khi salps chết, cơ thể của chúng cũng chìm một cách nhanh chóng, đồng thời mang theo nhiều carbon xuống đáy đại dương.

Theo một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái, salps, sứa và các sinh vật dạng thạch khác, loại bỏ khoảng 6,8 tỉ tấn carbon mỗi năm khỏi các vùng biển trên thế giới. Trong đó, khoảng 2 tỉ tấn carbon được cho là rơi xuống đáy biển, nơi chúng bị “nhốt” và không gây hại.

Việc thu và lưu trữ carbon tự nhiên này sẽ giúp duy trì các hệ thống tự điều chỉnh của Trái đất và có tác dụng cân bằng các nguồn CO2.

Mặc dù salps không được đánh giá cao, nhưng việc chúng là sức mạnh trong việc hạn chế biến đổi khí hậu là không thể bàn cãi.