Chính sách ưu tiên khí hậu sẽ đón làn sóng đầu tư xanh

Việc nâng cao các mục tiêu cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và thực thi các chính sách thực chất sẽ giúp Chính phủ các quốc gia đón làn sóng đầu tư lớn để giải quyết khủng hoảng khí hậu. Đó là nội dung “Tuyên bố của nhà Đầu tư Toàn cầu 2021 gửi tới Chính phủ các nước về Khủng hoảng khí hậu”, do 457 nhà đầu tư toàn cầu quản lý tổng tài sản hơn 41 nghìn tỷ đô la Mỹ đã cùng ký kết và công bố vào ngày 10/6.

Tuyên bố được đưa ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7 mở rộng, và sẽ để ngỏ đến Hội nghị về Khí hậu của các Bên của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) vào tháng 11 tới. Các tổ chức đầu tư khác vẫn có thể tham gia và việc cập nhật định kỳ các bên ký kết mới được thực hiện vào những thời điểm quan trọng trong suốt năm 2021.

Quốc gia đặt ra các mục tiêu ứng giảm phát thải, ứng phó BĐKH đầy tham vọng sẽ trở thành các điểm đến đầu tư hấp dẫn. Ảnh minh họa: Internet

Bản tuyên bố nhấn mạnh, quốc gia đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng phù hợp với việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0, và thực hiện các chính sách quốc gia nhất quán về khí hậu trong ngắn hạn đến trung hạn, sẽ trở thành các điểm đến đầu tư ngày càng hấp dẫn. Việc thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Pari về BĐKH sẽ tạo cơ hội đầu tư đáng kể vào công nghệ sạch, cơ sở hạ tầng xanh và các tài sản, sản phẩm và dịch vụ cần thiết trong nền kinh tế mới.

Theo ông Rebecca Mikula-Wright, Giám đốc Điều hành Chương trình nghị sự lãnh đạo chung về cuộc khủng hoảng khí hậu dành cho các nhà đầu tư (The Investor Agenda): Chúng tôi đã phân tích và nhận thấy, nếu thực thi Thỏa thuận Paris, các cơ hội đầu tư chỉ riêng trong lĩnh vực năng lượng châu Á có thể đạt 37 nghìn tỷ đô la vào năm 2050 – một kế hoạch đầu tư mang tính thế kỷ. Bằng việc đưa ra các chính sách mạnh mẽ, các mục tiêu cụ thể và một lộ trình rõ ràng để đạt mức phát thải ròng bằng 0, chính phủ các nước châu Á có thể mở ra các cơ hội đầu tư khổng lồ này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng khối lượng việc làm và lợi thế cạnh tranh.

Nhiều quốc gia đã cam kết sẽ cải thiện các chính sách khí hậu của họ, bao gồm cả các mục tiêu giảm phát thải năm 2030, nhưng thế giới hiện không theo kịp lộ trình đáp ứng các giữ nhiệt độ toàn cầu ở mức tăng 1,5 độ C và không tăng quá 2 độ C vào cuối thể kỷ này. Do đó, Chính phủ các nước cần phải nâng cao tham vọng hơn nữa trong các cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Tuyên bố của nhà Đầu tư Toàn cầu 2021 kêu gọi Chính phủ tất cả các nước thực hiện 5 hành động ưu tiên trước COP26. Thứ nhất, tăng cường các NDC cho năm 2030 phù hợp với ngưỡng hạn chế nhiệt độ nóng lên 1,5°C. Thứ hai, cam kết thực hiện mục tiêu không phát thải ròng trong nước đến giữa thế kỷ và đề ra lộ trình với cac hành động, giải pháp cụ thể.

Thứ ba, triển khai các chính sách trong nước để thực hiện các mục tiêu này, khuyến khích đầu tư tư nhân vào các giải pháp không phát thải. Chính phủ cần thực hiện nhiều giải pháp cứng rắn trước năm 2030, bao gồm: Loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch theo thời hạn ấn định, loại bỏ sản xuất điện than theo thời hạn đã đặt phù hợp với các lộ trình nhiệt độ 1,5°C phù hợp, tránh xây mới các cơ sở hạ tầng phát thải các-bon lớn (ví dụ không xây các nhà máy điện than mới) và có kế hoạch chuyển tiếp cho người lao động và cộng đồng bị ảnh hưởng.

Thứ tư, đảm bảo các kế hoạch phục hồi kinh tế COVID-19 sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang không phát thải ròng và tăng cường khả năng phục hồi. Thứ năm, cam kết thực hiện các yêu cầu bắt buộc về công bố rủi ro khí hậu phù hợp với Khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm về Công khai tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD).

Những giải pháp năng lượng tái tạo luôn hấp dẫn các nhà đầu tư trên thế giới. Ảnh minh họa: Internet

Việc ký vào Tuyên bố của Nhà đầu tư Toàn cầu cho Chính phủ các nước về Biến đổi Khí hậu là một hành động trong lĩnh vực vận động chính sách trọng tâm của Chương trình nghị sự The Investor Agenda. Bên cạnh kêu gọi tất cả các tổ chức đầu tư ký vào Tuyên bố, The Investor Agenda cũng đang khuyến khích họ cam kết phát triển các Kế hoạch hành động toàn diện về khí hậu của nhà đầu tư, đảm bảo các khoản đầu tư phù hợp với mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050 hoặc sớm hơn.

Ông Akira Sugano, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Quỹ đầu tư Asset Management One cho rằng, để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, hành động của khu vực tư nhân là rất quan trọng, bao gồm các công ty, tổ chức tài chính và các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, việc giải quyết những thách thức mang tính hệ thống của BĐKH sẽ không khả thi nếu không có các chính sách phối hợp và đầy tham vọng từ chính phủ các quốc gia.

Các chính sách đầy tham vọng, rõ ràng và nhất quán là điều cần thiết để cho phép các công ty có sự chắc chắn và tự tin hơn trong việc ra quyết định của họ. Chúng tôi cam kết liên tục cộng tác với các nhà hoạch định chính sách và hoàn thành vai trò của mình với tư cách là đơn vị quản lý tài sản trong việc thúc đẩy chuyển đổi sang một xã hội không phát thải ròng.

Theo Mindy Lubber, Giám đốc điều hành Ceres, thành viên Ban chỉ đạo The Investor Agenda, Các nhà đầu tư biết rằng tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu là một rủi ro tài chính mang tính hệ thống, và sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu không được kiểm soát. Nếu một chính phủ có chính sách BĐKH yếu kém, thị trường quốc gia đó sẽ là một điểm đến kém hấp dẫn hơn đối với hàng tỷ, nếu không muốn nói là hàng nghìn tỷ USD đầu tư. Nhưng nếu một chính phủ thực hiện đúng các chính sách về khí hậu, các khoản đầu tư lớn sẽ đổ vào nền kinh tế của họ và giúp tăng tốc đi đến một tương lai không phát thải ròng công bằng và bền vững hơn.