Việt Nam theo sát kế hoạch di dời người gốc Việt ở Biển Hồ

Bộ Ngoại giao rất quan tâm thông tin chính quyền Phnom Penh, Campuchia di dời người gốc Việt sống trên Biển Hồ. Việt Nam sẽ theo sát kế hoạch di dời để có sự hỗ trợ thích hợp.

“Việt Nam thông hiểu chính sách phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ cảnh quan của Campuchia, đồng thời hy vọng việc di dời được triển khai với lộ trình hợp lý, giúp người dân thuộc diện di dời sớm trở lại ổn định, bảo đảm an ninh xã hội”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của Zing trong buổi họp báo chiều 10/6.

Trước đó, ngày 2/6, Tòa Thị chính Phnom Penh yêu cầu người dân sống trong những nhà nổi trên Biển Hồ (Tonle Sap theo cách gọi của người Campuchia) phải tháo dỡ các kiến trúc trên và rời đi trong vòng 1 tuần, theo Khmer Times.

Bà Hằng cho biết ngày 4/6, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh đã trực tiếp đến thăm hỏi động viên bà con gốc Việt tại khu vực di dời.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã đề nghị phía Campuchia tạo điều kiện thuận lợi và có biện pháp thích hợp hỗ trợ bà con tái định cư, có chính sách giải quyết nhân đạo.

Vấn đề này cũng được đề cập đến tại cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Vương quốc Campuchia Prak Sokhonn vào ngày 7/6, người phát ngôn cho hay.

Theo bà Hằng, phía Campuchia đã ghi nhận các ý kiến của Việt Nam và khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, doanh nghiệp Việt Nam học tập, làm ăn và người gốc Việt sinh sống ổn định tại Campuchia.

Trong thời gian qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia cũng hỗ trợ nhiều hộ dân ở Campuchia di dời theo hướng dẫn của chính quyền Campuchia. Cuộc sống của một số bà con được di dời đã đi vào ổn định, bà Hằng nói.

Khoảng 1.500 hộ gia đình gốc Việt đang sống trên thuyền, bè tại Phnom Penh. Ảnh: Khmer Times.

Theo Khmer Times, nguyên nhân cho lệnh di dời bất ngờ này là người dân trong khu làng nổi “ảnh hưởng nghiêm trọng tới đa dạng nước, ô nhiễm môi trường, làm giảm mỹ quan Phnom Penh, cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng nước mất vệ sinh”.

Sau khi lệnh giải tỏa được thông báo, những hộ gia đình trong khu làng nổi kêu gọi Thủ tướng Campuchia Hun Sen can thiệp và giúp họ tìm nơi ở mới.

Trả lời Khmer Times, những người này cho biết sẵn sàng tuân thủ lệnh của Tòa Thị chính nếu nhà chức trách có thể tìm cho họ giải pháp tái định cư.

Với độ dài 120 km, sông Tonle Sap nối Biển Hồ với sông Mekong là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á.