G7 đạt thoả thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

Thỏa thuận mở đường cho một hiệp định toàn cầu tại cuộc họp G20 vào tháng 7.

Thỏa thuận được các bộ trưởng tài chính ca ngợi là một bước tiến quan trọng trong các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm 2013. Ảnh: AFP.

Sau nhiều năm đàm phán, các nền kinh tế tiên tiến G7 đã đạt được “thỏa thuận lịch sử” về việc đánh thuế các công ty đa quốc gia nhằm tạo ra động lực cho một thỏa thuận toàn cầu.

Theo đó, các công ty đa quốc gia phải nộp thuế ít nhất 15% lợi nhuận trên toàn cầu. Thoả thuận này được cho là sẽ đảm bảo sự công bằng, để các công ty nộp đúng, nộp đủ thuế ở nơi cần nộp…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Rishi Sunak (từ trái sang), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva và Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland tại Hội nghị G7 ở London vào ngày 4.6.2021. Ảnh: AFP.

Theo Financial Times, thỏa thuận được các bộ trưởng tài chính ca ngợi và đánh dấu một bước tiến quan trọng trong các cuộc đàm phán bắt đầu từ năm 2013.

“Tôi xin vui mừng thông báo, ngày hôm nay, sau nhiều năm ròng đàm phán, các bộ trưởng bộ tài chính nhóm G7 đã đạt thoả thuận lịch sử về cải cách hệ thống thuế toàn cầu, để hệ thống này phù hợp với kỷ nguyên công nghệ số. Quan trọng hơn, thoả thuận này đảm bảo sự công bằng, để các công ty nộp đúng, nộp đủ thuế ở nơi cần nộp”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Rishi Sunak khẳng định.

“G7 cũng đạt nhất trí về nguyên tắc thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu đối với các công ty lớn ở mức ít nhất 15% và thuế suất cụ thể tuỳ thuộc vào từng quốc gia, nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng, tránh tình trạng trốn thuế, tránh thuế”, ông Rishi Sunak nói.

Nếu được hoàn tất và đưa vào thực thi, thoả thuận này sẽ là một bước tiến lớn về thuế trên phạm vi toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc họp với nhóm thành viên lưỡng đảng của Quốc hội Mỹ. Ảnh: CNBC.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã là người khởi xướng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 21% áp dụng toàn cầu nhằm chấm dứt một “cuộc đua xuống đáy” về thuế giữa các quốc gia nhằm thu hút các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, sau quá trình đàm phán khó khăn, mức thuế mà các nước trong G7 thống nhất là 15%.

Một thoả thuận toàn cầu về thuế sẽ là tin tốt đối với các quốc gia eo hẹp ngân sách đang xoay sở để xây dựng lại nền kinh tế sau cú sốc COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết: thỏa thuận này là một “cam kết quan trọng, chưa từng có” đối với mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%, điều này sẽ làm tăng đáng kể nguồn thu thuế doanh nghiệp ở Mỹ. Nó sẽ “đảm bảo sự công bằng cho tầng lớp trung lưu và người dân lao động ở Mỹ và trên toàn thế giới”.

Ngoài ra, vấn đề thuế tối thiểu cũng có thể gây tranh cãi căng thẳng trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU). Các quốc gia thành viên của khối này áp dụng thuế suất thuế doanh nghiệp khác nhau và có thể thu hút các công ty lớn bằng sự chênh lệch thuế. Chẳng hạn, thuế suất ở Ireland là 12,5%, trong khi thuế ở Pháp có thể lên đến 31%.

Phát biểu hồi tháng 4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ireland Paschal Donohoe nói rằng các nước nhỏ hơn nên được phép có mức thuế thấp hơn, với lý do các nước như vậy không có lợi thế về quy mô như các nền kinh tế lớn hơn.

Thuế không ít lần đã trở thành vấn đề gây mâu thuẫn giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhất là sau khi các quốc gia đưa ra kế hoạch đánh thuế nhiều hơn đối với các công ty công nghệ lớn. Nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump phản đối mạnh sáng kiến thuế kỹ thuật số ở các quốc gia khác nhau, thậm chí đe doạ áp thuế quan để trả đũa.

Nếu được thực hiện, điều này sẽ đảo ngược một thế kỷ đánh thuế doanh nghiệp quốc tế, nơi lợi nhuận chỉ bị đánh thuế khi các công ty có sự hiện diện thực tế.

Google, Amazon và Facebook đều cho biết họ hoan nghênh động thái của G7. Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook – ông Nick Clegg cho biết: “Chúng tôi muốn quá trình cải cách thuế quốc tế thành công và nhận ra điều này có thể đồng nghĩa với việc Facebook phải trả nhiều thuế hơn ở những nơi khác nhau”.