Thảm họa Covid-19 và tương lai nào cho thế giới hiện đại?

Theo một bài viết đăng tải trên trang web Global Institue for Tomorrow (GIFT), câu trả lời là Covid-19 cho thấy tương lai của thế giới là sinh học (biological), chứ không phải kỹ thuật số (digital).

Covid-19 cho thấy tương lai của thế giới là sinh học (biological), chứ không phải kỹ thuật số (digital). (Nguồn: CNN)

Hàng triệu người trên thế giới đang xem những hình ảnh về tình trạng tuyệt vọng tại nhiều khu vực của Ấn Độ khi tỷ lệ lây nhiễm vượt quá con số 300.000 ca mỗi ngày. Các báo cáo cho thấy tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng ở quốc gia Nam Á cùng với một biến chủng kép, kèm theo đó là hình ảnh các thi thể nằm chờ trên vỉa hè, khi các lò hỏa táng trở nên quá tải, ngay cả ở thủ đô New Delhi.

Vào cuối tháng 3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dự thảo báo cáo về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 với những phát hiện mà nhiều người đã mong chờ: Virus SARS-CoV-2 có thể đã lây lan từ động vật sang người.

Có thể nói, nguyên nhân không lấy gì làm thú vị đã gây ra thảm họa làm xáo trộn toàn cầu lớn nhất trong một thế kỷ qua, và cũng giống như đã gây ra nhiều đại dịch trước đó trong lịch sử: Đó là sự can thiệp của con người vào tự nhiên.

Đồng thời, thế giới có thể đang đi đến sự kết thúc của một thời kỳ cường điệu hóa vai trò của kỹ thuật số.

Lời cảnh cáo sắc bén

Nhiều năm nay, người ta vẫn nói rằng công nghệ kỹ thuật số sẽ dẫn thế giới đến một tương lai không có sự khan hiếm. Thế nhưng, thực tế của đại dịch là một lời cảnh cáo sắc bén về cách mà thế giới thực tế có thể đảo ngược những ảo tưởng viển vông, phi thực tế.

Mỗi bước tiến công nghệ mới đều hứa hẹn về một sự chuyển đổi cơ bản của xã hội, xóa bỏ sự kém hiệu quả, bất bình đẳng và trao thêm quyền cho người dân thông qua phân công lao động.

Công nghệ Blockchain, trí tuệ nhân tạo và công nghệ in 3D được ca ngợi là lá cờ đầu mang lại thay đổi lớn về phong cách sống và làm việc, không chỉ ở các nước phát triển mà còn ở các nước kém phát triển, thậm chí ở những nước không có điều kiện sống cơ bản.

Niềm tin vào công nghệ thậm chí có thể được thể hiện trong phản ứng của phương Tây đối với đại dịch.

Thay vì xem xét cam kết xã hội mà công dân tham gia – đặt lợi ích tập thể lên trên quyền cá nhân bằng cách yêu cầu đeo khẩu trang và thực hiện các hạn chế khác – và có phản ứng y tế cộng đồng mạnh mẽ, nhanh chóng để kiểm soát sự bùng phát của dịch Covid-19, các nước phương Tây lại đặt hy vọng vào việc phát triển vaccine như một canh bạc cuối cùng, và đã phải trả giá bằng sự gián đoạn kinh tế quy mô lớn và hàng trăm nghìn người chết.

Chỉ riêng ở Mỹ, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hàng trăm nghìn sinh mạng có thể được cứu trong suốt đại dịch nếu các quy định về lệnh phong tỏa, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội trước đó được thực thi nghiêm túc.

Virus SARS-CoV-2 đã gây ra sự hỗn loạn toàn cầu vì khả năng xâm nhập vào cơ thể người qua đường lây truyền sinh học và làm gián đoạn hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Vaccine ngăn ngừa virus được xem như một cơ chế thúc đẩy phản ứng tự nhiên của cơ thể con người đối với sự truyền nhiễm.

Nếu muốn tránh được một thảm họa y tế toàn cầu khác, con người cần phải kiềm chế sự phát triển, dừng tấn công vào các hệ thống tự nhiên và sinh học dựa trên lập luận rằng tất cả các thực thể sống khác đều phải phục vụ cho sự phát triển của con người.

Nhu cầu phát triển kinh tế đã phá hủy thế giới tự nhiên rất nhiều khiến những thảm họa như đại dịch Covid-19 càng có khả năng xảy ra nhiều hơn khi dân số và lòng tham của con người tăng lên dẫn đến việc khai thác tự nhiên nhiều hơn. Đã đến lúc dừng các cuộc tấn công này.

Duy trì tính toàn vẹn và cộng hưởng

Sự tồn tại của con người phụ thuộc vào việc duy trì tính toàn vẹn và sự cộng hưởng của các hệ thống tự nhiên cùng các quá trình sinh học bên trong. Điều đó bao gồm môi trường sống, các đối tượng xâm nhập cơ thể con người (chất ô nhiễm và virus), những thứ con người tiêu thụ (nước, không khí và thực phẩm) và tác động sinh học của chất thải do con người tạo ra.

Trong những tháng đầu của đại dịch, các báo cáo cho thấy, Trái đất đang được hưởng lợi từ việc giảm phát thải khí nhà kính, vì phần lớn tầng lớp trung lưu và thượng lưu có thể học từ xa và làm việc tại nhà.

Tuy nhiên, việc chuyển sang làm việc ở nhà không phải là không gây hậu quả đối với môi trường.

Lối sống tách biệt hơn càng phải phụ thuộc vào những người làm việc trong thế giới thực, sản xuất và chế biến thức ăn, cung cấp cho cửa hàng tạp hóa và giao thức ăn cho những người ở nhà.

Hàng hóa đặt qua mạng vẫn phải chuyển bằng các phương tiện giao thông như tàu, xe và cần đến người giao hàng.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng trong thế giới thực đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch Covid-19. Các lao động thiết yếu trên khắp thế giới, cho dù ở bệnh viện, nhà máy đóng gói thịt ở Mỹ, công trường xây dựng ở Singapore hay các nhà sản xuất găng tay ở Malaysia, đều đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát của Covid-19.

Điều này cho thấy rằng chúng ta không chỉ cần hạn chế xâm phạm thế giới tự nhiên mà còn cần đầu tư nhiều hơn vào các biện pháp bảo vệ cơ bản (còn gọi là “khả năng phục hồi được bảo đảm”) như nguồn cung an toàn, bảo đảm về thực phẩm, nước, hệ thống vệ sinh, nhà ở, hệ thống y tế cộng đồng tốt và khả năng tiếp cận năng lượng.

Các dự báo cho thấy dân số loài người sẽ đạt đỉnh 10 tỷ người vào năm 2064, các nguy cơ đại dịch lớn hơn sẽ đi kèm với các mối đe dọa nhân tạo khác, từ biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học đến các hệ thống lương thực dễ bị tổn thương và diện tích đất sinh sống bị thu hẹp.

Công nghệ kỹ thuật số có thể đóng một vai trò nào đó trong việc giảm thiểu và chống lại những mối đe dọa đó chỉ khi con người thấm nhuần thực tế rằng, sự tồn tại của con người là mong manh và phụ thuộc hoàn toàn vào một bầu sinh quyển phù hợp.

Càng sớm nhận ra sự thật đó, con người càng sớm có thể đảm bảo rằng các nỗ lực phát triển công nghệ được đặt vào những ý tưởng thực sự giúp ích cho con người, chứ không phải trong những kế hoạch không tưởng, được lập nên từ các định nghĩa hạn hẹp về sự tiến hóa của nhân loại.