Nông dân bản Thín tiếp cận thị trường nông sản thân thiện với môi trường

“Buổi tập huấn về tiếp cận thị trường là thích nhất. Mình được học về tiếp thị sản phẩm, làm thế nào để chào hàng hay bán hàng online nữa. Mình cũng được đi thực tế nhiều, đi rồi mới thấy còn kém nhiều, nhưng được học nhiều, biết nhiều nên thấy sướng lắm. Thầy giáo thì nhiều kinh nghiệm, truyền đạt thoải mái mà ‘vào’ lắm. Học về ai cũng vui, bảo là hôm nào cũng được học như thế thì có phải thích không.” – anh Khuất Hữu Dương, nông dân bản Thín (xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) chia sẻ.

Từ 15-18/04/2021, PanNature tổ chức lớp tập huấn “Kế hoạch tiếp cận thị trường nông sản thân thiện với môi trường ở cấp thôn bản” tại Sơn La. Khuất Hữu Dương là một trong 10 thành viên tham gia lớp tập huấn này. Sau 4 ngày “học mà chơi, chơi mà học” với sự hướng dẫn của các giảng viên giàu kinh nghiệm đến từ hệ thống cửa hàng Bác Tôm, Dương cùng các nông dân khác trong nhóm của mình đã nắm được những điểm quan trọng trong nghiên cứu thị trường cho nông sản địa phương. Họ hiểu rõ hơn về phân khúc khách hàng và được rèn luyện kỹ năng thông qua các bài tập điều tra, phỏng vấn, tổng hợp thông tin và trình bày kết quả.

Đồng thời, các học viên cũng được nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và giá trị thực tế của sản xuất nông nghiệp sạch, định hướng an toàn/hữu cơ để ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó phát hiện các tiềm năng của thôn bản để chuyển hướng canh tác theo nông nghiệp thuận thiên, liên kết trong chuỗi cung ứng.

Các học viên đi thực tế và phỏng vấn các hộ trồng xoài tại bản Thín.
Các học viên làm bài tập nhóm
Những giờ “học mà chơi, chơi mà học”
Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với BĐKH ở Tây Bắc Việt Nam” (VOF) hướng tới hỗ trợ đồng bào người dân tộc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của BĐKH tại vùng Tây Bắc Việt Nam thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp thông minh, thích ứng với khí hậu và sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định. Dự án được thực hiện tại 6 huyện thuộc 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu trong giai đoạn 2019-2022.

Dự án do Hiệp hội Tổ chức Xã hội Dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA). PanNature là đơn vị điều phối các hoạt động, phối hợp thực hiện cùng với Hội Nông dân tỉnh Sơn La và Lai Châu.

Nguồn: