Khu bảo tồn có số lượng loài lớn nhất Campuchia giảm 32% diện tích vì nạn phá rừng

Khu Bảo tồn Động vật hoang dã Keo Seima nằm trải dài trên một vùng rộng lớn thuộc phía Đông Campuchia, nơi sở hữu nhiều loài động vật hoang dã phong phú, bao gồm một số loài có nguy cơ tuyệt chủng và được mô tả gần đây. Tuy nhiên, môi trường sống của những loài động vật này đang dần biến mất với 32% diện tích rừng nguyên sinh của Keo Seima bị phá trong 20 năm qua.

Theo dữ liệu vệ tinh của Đại học Maryland (UMD) được hiển thị trên nền tảng giám sát rừng toàn cầu, Keo Seima đã mất 32% diện tích rừng nguyên sinh từ năm 2002 đến năm 2020 với phần lớn diện tích mất rừng xảy ra sau năm 2011. Trong khi mức tăng đột biến lớn nhất xảy ra trong giai đoạn 2013 – 2014 trước khi giảm dần vào năm 2015 thì dữ liệu của UMD cho thấy tỷ lệ phá rừng trong khu bảo tồn một lần nữa gia tăng với tỷ lệ mất rừng nguyên sinh năm 2019 tăng gấp đôi so với năm 2018 và tiếp tục tăng vào năm 2020.

Dữ liệu vệ tinh cho thấy sự mất mát lớn về độ che phủ rừng trong và xung quanh Khu Bảo tồn Động vật hoang dã Keo Seima.

Cũng theo dữ liệu sơ bộ từ Phòng thí nghiệm Hệ thống Khám phá và Phân tích Đất đai Toàn cầu (GLAD) tại UMD, rừng tại Keo Seima có thể tiếp tục phải trải qua năm 2021 đầy biến động với số lượng cảnh báo mất rừng cao bất thường được phát hiện vào tháng Hai, tháng Ba và tháng Tư, cao gấp 3 lần mức trung bình những năm trước. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các điểm phá rừng đang lan rộng ra các khu vực trước đây chưa từng bị tác động.

Phòng thí nghiệm Hệ thống Khám phá và Phân tích Đất Toàn cầu (GLAD) tại Đại học Maryland phát hiện một số cảnh báo mất độ che phủ rừng cao bất thường vào tháng Hai, tháng Ba và tháng Tư.

Theo báo cáo năm 2020 của Mongabay, phần lớn nạn phá rừng ở Keo Seima là do khai thác gỗ trái phép với nhiều loại cây được khai thác cho thị trường gỗ ở Việt nam. Bên cạnh đó, nhiều nguồn tin cũng cho hay rừng ở khu vực này bị phá để nhường chỗ cho các cánh đồng hoa màu và đồn điền.

“Vẫn có một nguồn gỗ ổn định từ Khu Bảo tồn Seima tuồn qua biên giới vào Việt Nam…”, chuyên gia lâm nghiệp Marcus Hardtke (Campuchia) chia sẻ với Mongabay hồi tháng 8/2020. “Hiện tình trạng này vẫn diễn ra, thậm chí đa dạng hơn, thường vào ban đêm và hầu như đều liên quan đến lực lượng thực thi ở một số cấp quản lý. Đó là một hệ thống cân bằng giữa hối lộ và tầm ảnh hưởng. Nếu sự cân bằng này bị xáo trộn, bạo lực có thể xảy ra”, Marcus Hardtke cho biết.

Đầu 2018, tình hình trở nên căng thẳng khi 01 nhân viên cảnh sát, 01 cán bộ kiểm lâm và 01 cán bộ bảo tồn bị bắn chết sau khi đối đầu với băng nhóm khai thác gỗ trái phép.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy một khu vực rừng bị phá trước kia đang lấn dần vào rừng nguyên sinh ở Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Keo Seima.

Điểm đáng chú ý là Keo Seima cũng là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng bản địa, đa số thuộc nhóm dân tộc Bunong. Mặc dù chính phủ đã ban hành đạo luật nhằm trao quyền sở hữu đất cho những người sống trong ranh giới của khu bảo tồn nhưng các nguồn tin địa phương cho biết chính sách này thường bị những người chiếm đất lợi dụng để thiết lập các yêu sách hợp pháp về khu vực đất đai được bảo vệ.

Với diện tích trải dài khoảng 300.000 ha, Keo Seima là nơi sinh sống của nhiều loài chim hơn bất kỳ khu vực nào khác ở Campuchia, hiện có tới 350 loài chim đã được ghi nhận. Khoảng 1/4 số voi châu Á có nguy cơ tuyệt chủng còn lại của nước này cũng được tìm thấy tại đây, và quần thể Voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes) – loài được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp trên thế giới – cũng không ngoại lệ. Các nhà nghiên cứu ghi nhận tổng cộng 75 loài bị đe dọa ở Keo Seima và ít nhất 15 loài mới đối với khoa học đã được phát hiện trong 20 năm qua.
Năm 2007, Keo Seima có quần thể voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes) lớn nhất được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp. Tuy nhiên, kể từ đó, Khu Bảo tồn cũng mất khoảng 30% diện tích rừng nguyên sinh. Ảnh: Broobas.

Năm 2002, chính phủ Campuchia thành lập Khu Bảo tồn Đa dạng Sinh học Seima để giữ gìn đa dạng sinh học của khu vực này, sau đó chuyển thành Rừng Phòng hộ Seima vào năm 2009 trước khi được tái thiết thành Khu Bảo tồn Động vật hoang dã vào năm 2016. Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ chính thức dường như vẫn không ngăn được sự tấn công mạnh mẽ của nạn phá rừng – điều đã tước đi phần lớn độ che phủ của Keo Seima.

Ngọc Hiền (Theo Mongabay)

Nguồn: