ThienNhien.Net – Trong tháng 6 vừa qua, cuộc họp thường niên của Ủy ban quốc tế về cá voi (IWC) đã kết thúc với sự tán thành của các thành viên chính phủ nhằm cố gắng giải quyết những tranh cãi kịch liệt giữa các nước ủng hộ và chống săn bắt cá voi. Cuộc họp cũng đã quyết định bắt tay vào chương trình nghiên cứu ảnh hưởng của việc thay đổi khí hậu lên loài thú biển khổng lồ này.
Chẳng hề dễ dàng chút nào, song rốt cục, cuộc đàm phán đã kết thúc tốt đẹp. William Hogarth, Chủ tịch IWC, nhận xét tại hội nghị, nội dung xác định ranh giới quản lý vùng biển trọng yếu vẫn là vấn đề then chốt. Bên cạnh đó, những tranh cãi vẫn xoay quanh câu hỏi về động cơ của việc săn bắt cá voi hiện nay, vì mục đích thương mại và là nguy cơ tiêu diệt chúng hay chỉ là đánh bắt để nghiên cứu khoa học.
Hiện tại, số lượng cá voi bị giết đang tăng lên, do đó quan điểm của các nước chống săn bắt cá voi là nhất thiết phải giảm số lượng săn bắt xuống. Trong khi đó, nhóm các quốc gia đánh bắt cá voi quy mô bao gồm Nhật, Anh và Úc hiện lại tán thành ý kiến về thoả hiệp tìm kiếm và đánh bắt cá voi trong giới hạn cho phép.
Yêu cầu cơ bản nhất của các quốc gia chống việc săn bắt là Nhật phải tạm dừng chương trình săn bắt cá voi cho nghiên cứu khoa học ở Bắc cực và tuyệt đối không hỗ trợ việc săn bắt để phục vụ cho khoa học.
Ông JoiiMorishita, người đại diện cho Nhật đã nói: “Tôi không nghĩ chúng tôi có thể từ bỏ hoàn toàn được điều đó. Chúng ta có sự khác biệt về quan điểm và vị trí nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể đàm phán với nhau được”.
Trong hội nghị, không chỉ các chính phủ mà cả các tổ chức bảo vệ động vật và môi trường cũng có nhiều quan điểm mâu thuẫn nhau khi bàn về lợi ích của kế hoạch hoà bình.
Một vài nước tán thành với quan điểm của ông Hogarth là có thể dẫn tới sự giảm số lượng cá voi bị giết. Trong khi đó, những người khác lại cho rằng không nên có sự thoả hiệp nào hết và kịch liệt phản đối các chính phủ chống lại việc đánh bắt cá voi, trong đó có Mỹ .
Ông DJ Schubert, Viện phúc lợi xã hội về động vật, Mỹ nói: “Ngăn cấm tuyệt đối săn bắt cá voi có nghĩa là lợi ích của người Mỹ đang bị vứt bỏ, hơn nữa nó còn ảnh hưởng đến tương lai của thế giới cá voi”.
Còn theo cô Wendy Elliott, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), chúng ta không thể tiếp tục viễn cảnh hiện nay với số lượng cá voi bị giết ngày càng tăng. Các nhóm bảo tồn môi trường cần hài lòng với quyết định này để thiết lập một sự khởi đầu trong thay đổi môi trường và động vật biển có vú. Các sự thay đổi đối với băng hà ở các vùng cực sẽ tác động mạnh mẽ tới các loài.
Nhiều nhóm cũng trình bày các bản nghiên cứu cho rằng, việc kết luận cá voi cần được săn bắt để làm tăng giá trị thuỷ sản đã được ủng hộ từ phía các nước tán thành việc săn bắt cá voi là sai lầm.
Cô Elliott cũng nói thêm: “Một nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng, ngay ở những khu vực mà cá voi ăn các chủng loại cá khác có giá trị thương mại, cá voi chỉ là nhân tố rất nhỏ làm tăng hay giảm lượng cá và động lực học của những hệ thống này có thể giải thích tốt hơn bằng cách nhìn vào sự tác động qua lại giữa các loài cá”.
Được biết, các thành viên của IWC hiện tại sẽ tiếp tục tham gia vào một loạt các cuộc thảo luận về vấn đề săn bắt cá voi, nhằm giải quyết những tranh cãi, đưa ra một thỏa hiệp hợp lý.