Cảnh báo nguy cơ bùng phát COVID-19 trước các chủng virus đột biến

Sáng 25.4, Bộ Y tế thông tin về kết quả giải trình tự gene của những người mắc COVID-19 nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam gần đây: 85,7% mẫu mang biến thể B1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam Phi).

Việc xuất hiện các biến thể virus ở Anh và Nam Phi làm dấy lên lo ngại dịch bệnh sẽ bùng phát rất mạnh ở Việt Nam, nếu chúng ta không quản lý chặt việc xuất nhập cảnh và triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch trong cộng đồng.

Tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 tại TP.Hải Dương. Ảnh: Hải Nguyễn

Nguy cơ từ nhiều nước “vỡ trận” dịch COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 ở các nước xung quanh Việt Nam đang diễn biến phức tạp, số ca mắc ngày càng tăng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện đầu ngành tiến hành giải trình tự gene của những người nhập cảnh vào Việt Nam gần đây để đánh giá, có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.

Nhận định về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, PGS-TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng – cho biết: Việc giải trình tự gene có thể giúp ngành Y tế biết được các bệnh nhân bị lây nhiễm chủng virus nào. Chủng virus đang lưu hành là thông thường thì tốc độ lây lan sẽ chậm hơn so với các chủng biến thể hoặc có những chủng virus biến thể độc lực cao, gây tử vong nhiều… Việc giải trình tự gene có thể giúp chúng ta biết được đặc tính của virus đó, gây bệnh như thế nào, lây lan nhanh hay không, độc lực mạnh hay bình thường, là chủng cũ hay chủng mới xuất hiện.

Theo phân tích của PGS Phu, Việt Nam có lợi thế hơn các nước là chưa có nhiều ca bệnh. Kinh nghiệm chống dịch của các nước cho thấy, kể cả các nước có nền y học phát triển, hiện đại như Anh, Mỹ… hay cả những nước y tế còn khó khăn, nếu như để cho y tế dự phòng “vỡ trận”, số ca mắc cao thì những người nhập viện sẽ nhiều, từ đó y tế điều trị không còn khả năng chống đỡ nữa.

“Trước ý kiến cho rằng cần hoãn các dịch vụ du lịch, tránh tụ tập đông người vào dịp nghỉ Lễ 30.4-1.5 tới, theo PGS Trần Đắc Phu, tính đến thời điểm hiện tại, chưa cần thiết đóng cửa các hoạt động du lịch vì Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay đó là sự chủ quan, lơ là phòng, chống dịch của người dân.

“Căn bản nhất, chúng ta vẫn phải tiếp tục phát hiện, ngăn chặn, đừng để dịch bệnh lây lan. Nếu những ổ dịch nhỏ có thể bao vây, dập dịch được ngay. Nhưng nếu phát hiện muộn thì rất nguy hiểm vì dịch bệnh sẽ lây lan rất mạnh khi người dân đi lại nhiều, du lịch, dịch vụ dịp nghỉ lễ, tập trung rất mạnh, như vậy sẽ rất khó để truy vết, rất khó để dập dịch, dịch sẽ bùng phát trên diện rộng. Bài học từ Ấn Độ cho thấy, dịch bệnh đã bùng phát đến mức khó kiểm soát khi người dân tham gia lễ hội, tập trung đông người” – PGS Trần Đắc Phu nói.

Chủng virus đột biến kép gây lo ngại, phải “quản chặt” đường nhập cảnh

Thông tin về biến thể virus B.1.167 đột biến kép đang gây bùng phát dịch rất mạnh ở Ấn Độ, PGS Trần Đắc Phu cho hay: “Hiện nay thông tin tài liệu về chủng virus đột biến kép ở Ấn Độ chưa nhiều, WHO cũng chưa công bố thông tin chính thức. Tuy nhiên, có thể thấy rằng đột biến kép là SARS-CoV-2 đột biến giống như chủng biến thể ở Anh B.1.1.7, đồng thời lại đột biến thêm một đoạn gene nữa.

Đối với Việt Nam hiện nay, nguy cơ dịch tràn sang nhiều nhất từ phía Campuchia, còn đối với chủng virus đột biến kép ở Ấn Độ, nếu không kiểm soát tốt, cách ly sau nhập cảnh nghiêm ngặt thì hoàn toàn virus có khả năng xâm nhập. Các chủng virus biến thể hiện nay được ghi nhận đều có tốc độ lây lan rất nhanh, gây bùng phát dịch nhanh chóng nếu không “quản” chặt”.

Về vấn đề này, TS Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – cho biết: “Chủng virus đột biến kép, bình thường virus biến thể đã khác rồi, nhưng giờ virus lại có 2 gene khác nhau đều có sự đột biến”.

Nói về nguy cơ chủng virus đột biến kép xâm nhập vào Việt Nam, TS Đặng Quang Tấn cho biết, hiện nay thông tin chưa có nhiều, tuy nhiên, các chủng virus biến thể trước như chủng ở Anh, chủng ở Nam Phi và một số chủng virus khác thì tốc độ lây lan đã rất nhanh, mạnh. Đến chủng đột biến kép ở Ấn Độ, khi virus mang đến 2 đoạn gene bị đột biến như vậy thì tốc độ lây lan sẽ rất nhanh. Ở Ấn Độ thời gian qua, tốc độ lây nhiễm của bệnh rất khủng khiếp, số ca mắc tăng rất nhanh như vậy, một phần chính là do chủng virus đột biến kép này.

“Nguy cơ đối với Việt Nam rất cao, đặc biệt là qua đường nhập cảnh trái phép và nếu như nhập cảnh chính ngạch mà không được quản lý tốt. Ngành Y tế dự phòng hiện nay vẫn đang căng mình phòng, chống dịch hằng ngày. Tuy nhiên, hiện nay người dân lại rất chủ quan, thờ ơ, lơ là, vẫn tụ tập đông người, vẫn ra ngoài đường mà không đeo khẩu trang, không thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, thậm chí có người hỏi 5K là gì cũng không biết. Chúng tôi hết sức lo ngại, đặc biệt trong những ngày nghỉ Lễ sắp tới, người dân sẽ về quê, đi du lịch, nguy cơ dịch bùng phát sẽ rất lớn nếu không kiểm soát tốt” – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cảnh báo.

Biến thể virus ở Anh và Nam Phi

Chủng virus B.1.1.7 lần đầu được phát hiện tại Anh vào tháng 12.2020. Theo các nhà khoa học, biến chủng B117 được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn so với các chủng SARS-CoV-2 trước đây đến 70%. Đây là biến chủng gây nên sự bùng phát mạnh của đại dịch COVID-19 tại Anh và nhiều nước Châu Âu khác.

Trong khi đó, biến thể B.1.351 (hay 501Y.V2) được phát hiện ở khu vực vịnh Nelson Mandela (Ấn Độ Dương) tháng 10.2020 được công bố tháng 12.2020. Đến nay, biến chủng này đã “có mặt” ở 30 quốc gia.

Các nghiên cứu mới nhất cho thấy biến chủng này có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn so với chủng ban đầu, là chủng có tốc độ lây lan mạnh nhất hiện nay. Biến chủng này có một số đột biến giống với biến chủng B.1.1.7 phát hiện ở Anh, nhưng không có bằng chứng cho thấy gây chết người nhiều hơn.