“Xẻ thịt” đất rừng phòng hộ Sóc Sơn: “Phép vua còn thua lệ làng”

Mặc dù đã có quyết định cưỡng chế một số công trình sai phạm trên đất rừng tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Thế nhưng, tới nay các cơ sở này vẫn hoạt động.

Phép vua còn thua lệ làng

Năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 10 xã và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn trong giai đoạn 2008 – 2018.

Thời điểm ấy, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, một số xã đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn đến nhiều vi phạm về đất đai, mua bán chuyển nhượng và vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.

Nhiều công trình xâm hại rừng đặc dụng, tới nay vẫn hoạt động.

Kể từ khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra trên, chính quyền các cấp từ trung ương, thành phố cho tới cấp huyện, cấp xã đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, ban hành hàng trăm văn bản nhằm kiểm điểm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm và yêu cầu xử lý triệt để các sai phạm đã nêu trong kết luận.

Tuy nhiên, cho tới nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đặc biệt, từ đầu năm 2021, tình trạng “cò” đất tại xã Minh Phú còn công khai rao bán đất rừng.

Theo ông Q., một “cò” đất “chính hiệu” tại xã Minh Phú: Hiện, các lô đất không sổ đỏ, nằm dưới chân lâm trường, được quy hoạch là đất rừng đang “sốt”. Nhiều nhà đầu tư ở Hà Nội đổ xô về đây “săn” đất để làm homestay, hoặc các trang trại gia đình. Được biết, giá đất rừng, đất lâm trường tại xã Minh Phú có giá 2 triệu đồng/m2.

Theo ông Q., đất Minh Phú mới chỉ “sốt” 1 năm trở lại đây. “Năm ngoái, đất rẻ như cho. Thậm chí, tôi còn đi xin đất được. Tuy nhiên, năm nay lại khác, đất đai tăng giá từng ngày, từng giờ. So với năm ngoái, đất Minh Phú đã tăng hơn 20 lần”, ông này nói.

Về vấn đề pháp lý của đất rừng, ông Q. khẳng định: “Ở trên đấy có hàng chục nhà làm homestay. Nhà nào cũng đông khách vào cuối tuần. Ngay cả các dự án homestay trước đó được xác định là vi phạm, hiện nay vẫn hoạt động bình thường, chẳng thấy gỡ, cũng chẳng thấy họ dừng hoạt động, vẫn đón khách ầm ầm. Nên yên tâm, về vấn đề pháp lý là an toàn”.

Đúng như chia sẻ của ông Q., theo ghi nhận, một số công trình xây trên đất lâm trường được Thanh tra Chính phủ xác định là sai phạm, hiện nay vẫn hoạt động. Chủ các homestay tại đây vẫn đăng tải thông tin trên mạng, hoặc các ứng dụng đặt phòng trực tuyến như Traveloka hay Agoda, với giá từ 1 – 4 triệu đồng/đêm.

Rừng “kêu cứu”, cơ quan chức năng lặng thinh.

Đơn cử, khu du lịch sinh thái Thiên Phú Lâm, được xây dựng rất sâu trong khu vực lâm trường, nơi cần được bảo tồn hiện trạng của rừng. Tuy nhiên, hiện tại, cơ sở này vẫn đón – trả khách, như chưa từng bị kết luận sai phạm.

Đặc biệt, trong năm 2018, khu du lịch sinh thái Thiên Phú Lâm đã từng bị UBND xã Minh Phú có văn bản dừng xây dựng và trả lại mặt bằng. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, khu du lịch này vẫn hoạt động.

Sự im lặng kỳ lạ của cơ quan chức năng

Để làm rõ thực hư câu chuyện “cò” đất “xẻ thịt” đất rừng Sóc Sơn tại xã Minh Phú, cũng như các tính pháp lý của công trình đang tiến hành xây dựng ở xung quanh khu vực lâm trường, PV Báo Nhà báo và Công luận đã liên hệ với UBND xã Minh Phú và Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội để tìm câu trả lời.

Đi ngược lại tinh thần và trách nhiệm của tầng lớp cán bộ quản lý, cả hai cơ quan Nhà nước này đều yêu cầu phóng viên đặt lịch làm việc theo trình tự của pháp luật. Tuy nhiên, cho tới hôm nay, sau gần 10 ngày chờ đợi, cả UBND xã Minh Phú và Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội đều bặt vô âm tín.