Trung Quốc cấm đánh bắt 10 năm để hồi sinh sông Dương Tử

Luật Bảo vệ sông Dương Tử – văn bản pháp lý đầu tiên với riêng một dòng sông ở Trung Quốc, được ban hành tháng 12 năm ngoái.

Người dân câu cá ở bờ sông Dương Tử. Ảnh: AFP.

Zhou Jianjun chạy xe 400km về quê ở một tỉnh miền Trung Trung Quốc. Nó nằm kè bờ sông Dương Tử, nơi có đặt một khu công nghiệp hóa chất. Càng đến gần, mùi thuốc trừ sâu càng xộc mạnh mào mũi anh. Tìm lối xuống sát bờ để lấy một lọ nước mẫu, Zhou thấy nó vẫn màu vàng sậm.

7 năm qua, một mình Zhou dành trọn vẹn thời gian và tiền tiết kiệm để viết về các hoạt động khai thác cát trái phép, các vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường, đánh bắt tận diệt dọc con sông vĩ đại nhất Trung Quốc nhưng “ốm yếu” cũng chẳng đâu bằng.

Luật Bảo vệ sông Dương Tử – văn bản pháp lý đầu tiên với riêng một dòng sông ở Trung Quốc, được ban hành tháng 12 năm ngoái – đã đem đến sự thư thái cho Zhou. Anh hy vọng sẽ sớm không còn phải lủi thủi một mình đến những nơi ô nhiễm hay bỏ cơm bớt ngủ để viết bài tự đưa lên trang mạng riêng hòng thức tỉnh dư luận.

“Thời phát triển kinh tế mọi giá, đánh đổi môi trường hy vọng sớm qua”, Zhou nói kèm theo tiếng thở phào nhẹ.

Dương Tử là dòng sông dài nhất châu Á, 6.385km vắt vẻo từ cao nguyên Tây Tạng đổ xuống ra biển ở địa phận thành phố Thượng Hải. Nó là nguồn sống của khoảng 460 triệu người Trung Quốc, là huyết mạch của không ít ngành nghề kinh tế tại nước này. Một số liệu cho rằng các hoạt động kinh tế có liên quan đến Dương Tử đóng góp 1/3 GDP của Trung Quốc.

Sau nhiều năm khai thác cát vô tội vạ, xây đập chằng chịt, khai thác quá mức, đánh bắt tận diệt, xả thải bừa bãi, dòng sông ô nhiễm nặng đến mức chết dần. Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) nhận xét trong một báo cáo hồi tháng 9 năm ngoái rằng, gần một nửa các điểm nóng về ô nhiễm kim loại ở Trung Quốc gắn với “vành đai kinh tế” Dương Tử, tính từ tỉnh tây nam Tứ Xuyên ra đến Chiết Giang ở phía đông.

Các loài thủy sản nổi tiếng trên sông Dương Tử là cá sấu, cá heo, cá kiếm và cá tầm.
Theo con số của WWF, số loài thủy sinh ở các lưu vực thượng nguồn Dương Tử đã giảm từ 161 ghi nhận vào những năm 1980 xuống còn 46 tại thời điểm này. Sản lượng cá đánh bắt được trên cả chiều dài song vào khoảng 430.000 tấn năm 1954 xuống còn khoảng 80.000 tấn năm 2011.

Zhou Jianjun sống gần sông Hán Thủy, chi lưu dài nhất góp vào dòng chung Dương Tử. “Tuổi thơ tôi gọi Hán Thủy là sông mẹ. Bọn tôi vẫn ngụp lặn dưới sông, uống cả nước sông, lặn xuống vẫn nhìn thấy cá”, Zhou nhớ lại. Những gì tốt đẹp trong ký ức của Zhou bị bôi lem từ cuối những năm 1980, khi các nhà máy hóa chất, phân bón, giấy đua nhau mọc lên ở Tương Dương (Hồ Bắc).

“Một thời gian dài họ chỉ lo phát triển kinh tế, điều gì liên quan đến môi trường đều bị gạt sang bên”, Zhou phàn nàn. Từ đó, người dân địa phương chẳng còn ăn cá đánh lên từ song nữa, “có lúc như còn ngửi thấy mùi thuốc sâu trong con cá mổ ra”, Zhou kể.

Phải đến quãng năm 2018, phát triển cân bằng giữa kinh tế với môi trường mới thực sự nhận được quyết tâm ở những cấp cao nhất tại Trung Quốc. Trước đó 2 năm, Chủ tịch Tập Cận Bình khi họp ở Trùng Khánh đã phải nhấn mạnh “đã quá đủ, phải chấm dứt ô nhiễm bằng mọi cách”.

Năm 2020, Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt tại 332 điểm bảo tồn dọc sông Dương Tử để điều hòa hệ sinh thái. Đầu năm nay, lệnh cấm được mở rộng trên toàn bộ dòng chính, một số chi lưu lớn và các hồ lớn thông thủy với Dương Tử và kéo dài 10 năm.

Một số quy định mới khác đã có hiệu lực gồm cấm xây dựng nhà máy hóa chất trong phạm vi 1km tính từ bờ sông, hồ chứa thải cách bờ sông 3km. Mức phạt cũng được tăng cao với mức cao nhất là 5 triệu nhân dân tệ (1 nhân dân tệ = 3.540 đồng). Quy định còn cấm việc di dời các nhà máy gây ô nhiễm lớn về chi lưu ở thượng nguồn.

Wang Canfa, giáo sư tại Đại học Khoa học và Luật chính trị Trung Quốc đánh giá Luật Bảo vệ sông Dương Tử là một tiến bộ so với các luật về môi trường. “Nó quy chiếu tổng hợp các lĩnh vực về môi trường, từ rừng, nguồn nước, từ bảo vệ nguồn lợi đến ngăn ngừa ô nhiễm, tôi nghĩ sẽ hiệu quả hơn trước đây khi rừng hay nước hay đồng cỏ… mỗi lĩnh vực có văn bản pháp quy khác nhau”, giáo sư Wang nhận xét.

Tác nhân con người là chủ đạo

Trên số xuất bản gần đây của tạp chí Tiến bộ Khoa học nước, chuyên gia Nie Ning cùng cộng sự từ Trung tâm Khoa học thông tin địa lý thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phê phán hoạt động xây đập và thay đổi cảnh quan dọc sông Dương Tư của con người đã gây ra tác động tiêu cực.

Theo quan sát từ các trạm quan trắc và vệ tinh, từ năm 1980 đến nay mỗi năm mực nước sông Dương Tử tụt 2cm. Tính từ khi Trung Quốc phát triển công nghiệp, hơn 1.000 hồ lớn nhỏ dọc nguồn Dương Tử đã cạn kiệt. Một vấn đề vẫn đang được tranh luận là nguồn nước trên Dương Tử có sụt giảm tương ứng không và do nguyên nhân nào. Đây là câu chuyện phức tạp.

Nhóm của chuyên gia Nie đưa ra nhận định biến đổi khí hậu là tác nhân không nhỏ. Nhưng con người cũng góp phần. 15 đập lớn đang hoạt động, trong đó có đập Tam Hiệp (ảnh) làm cho mực nước giảm thấy rõ trong mùa đông và mùa xuân.

Cũng có ý kiến nói rằng, việc khai thác nguồn nước từ Dương Tử cho mục đích dân sinh cũng là nguyên nhân. Chẳng hạn như hơn một nửa nhu cầu nước sinh hoạt của Bắc Kinh được khai thác từ Dương Tử.

Sông Dương Tử có tên khác là Trường Giang, dài thứ 3 thế giới sau sông Nile (châu Phi) và Amazon (Nam Mỹ). Nó được xem như mạch phân chia hai miền Hoa Bắc và Hoa Nam Trung Quốc.