Thành công từ khu bảo tồn cá do cộng đồng quản lý ở Thái Lan

Năm 1998, người dân sống tại ngôi làng yên tĩnh Na Doi ở tây bắc Thái Lan nhận ra lượng cá đánh bắt từ sông Ngao giảm dần. Những con cá kéo lưới được cũng ngày càng nhỏ. 75 hộ gia đình ở Na Doi đã cùng thử áp dụng giải pháp: dành một đoạn sông nhỏ để cấm đánh bắt cá hoàn toàn.

Ảnh: Aaron Koning/NatGeo

Gần 1/4 thế kỷ sau, thử nghiệm thu được thành công. Khúc sông Ngao được bảo vệ giờ có nhiều cá mè và mahseer (một loại cá chép), sản lượng đánh bắt bên ngoài khu bảo tồn cũng tăng lên đáng kể. Nok Wa, một nông dân 55 tuổi ở Na Doi cho biết việc cùng sở hữu dự án tạo ra cảm giác hòa hợp và đoàn kết hơn giữa dân làng và cũng mang lại lợi ích cho họ về mặt tâm lý.

“Nhiều lần dân làng thấy buồn là lại đi xem cá. Đôi khi trẻ nhỏ hỏi tại sao chúng tôi không ăn những con cá đó và tôi nói với chúng: “Dạ dày chúng ta không thể ăn những con cá đó, nhưng mắt chúng ta vẫn “ăn” chúng đó thôi””.

Na Doi là bản thứ hai ở thung lũng sông Ngao áp dụng phương pháp tiên phong trong quản lý nghề cá nước ngọt. Từ cuối những năm 1990, ít nhất 50 ngôi làng khác ở đó cũng làm tương tự. Nhìn chung, các khu bảo tồn hoàn toàn do cộng đồng lĩnh xướng đã thu được thành công đáng kinh ngạc, theo phát hiện gần đây được công bố trên tạp chí Nature. Quan trọng nhất, nghiên cứu điển hình ở Thái Lan cung cấp bằng chứng thực tế tốt nhất về khái niệm rằng các khu bảo tồn thủy sản có thể mang lại lợi ích không chỉ cho đại dương mà còn cả ở những vùng nước ngọt.

Aaron Koning, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Nước Toàn cầu thuộc Đại học Reno chia sẻ: “Những khu bảo tồn nhỏ dựa vào cộng đồng này có thể là một chiến lược quản lý thực sự hiệu quả để duy trì nguồn tài nguyên của chính họ và bảo tồn cá. Đây là những bằng chứng khoa học đầu tiên cho thấy rằng cách tiếp cận này thực sự hiệu quả đối với các vùng nước ngọt và gợi ý rằng chúng ta nên áp dụng nó trong vài trò một công cụ bảo tồn”.

Khoảng lặng cần thiết

Những công cụ như vậy rất cần thiết. Động vật nước ngọt đang giảm với tốc độ cao hơn gấp đôi động vật trên cạn và dưới biển và cũng không mấy được quan tâm. Sinh cảnh của chúng ở nhiều con sông bị tác động từ vô số mối đe dọa: từ các con đập, chuyển nước để tưới tiêu, ô nhiễm, khai thác cát và các loài xâm lấn.

Mặc dù khu bảo tồn nước ngọt sẽ không giải quyết được mọi thứ nhưng ở những nơi các quần thể cá phải chịu nhiều áp lực, những nơi này có thể cung cấp cho các loài không gian rất cần thiết để xây dựng lại số lượng và qua đó có khả năng chống chọi tốt hơn với các cuộc tấn công môi trường khác. Các quần thể lớn hơn ít có khả năng bị tuyệt chủng hơn các quần thể nhỏ và cũng dễ thích nghi hơn do tính đa dạng di truyền cao hơn. Các khu bảo tồn nước ngọt cung cấp “một công cụ giúp chúng ta có thêm thời gian để bắt đầu giải quyết những chiến lược bảo tồn lớn hơn nhiều”, theo Koning.

Đông Nam Á, với hệ thống sông hồ bị đánh bắt nhiều nhất trên thế giới, cũng có lịch sử lâu đời về các khu bảo tồn nước ngọt tự quản, thường dưới hình thức những hồ thiêng quanh các ngôi đền tôn giáo. Khu bảo tồn cộng đồng thung lũng sông Ngao đầu tiên được thành lập vào năm 1992 và dần dần các làng khác quan sát sự thành công của làng lân cận rồi cùng nhân rộng dự án.

Các quy tắc thường đơn giản: không đánh bắt cá dưới bất kỳ hình thức nào trong một khu vực đã được thỏa thuận phân giới bằng cờ hoặc biển báo. Hình phạt dành cho người vi phạm cũng đa dạng. Ví dụ, ở Na Doi, tiền phạt bắt đầu từ mức 500 baht (khoảng 17 đô la) cho mỗi con cá bất kể kích thước và tăng lên trong những lần vi phạm tiếp theo. Ở một ngôi làng khác, những người vi phạm phải trả 12 chai rượu whisky và một con lễ lợn để cúng xoa dịu các linh hồn.

Những mạng lưới tình cờ

Năm 2012, Koning (khi đó đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Wisconsin) bắt đầu điều tra xem các khu bảo tồn ở thung lũng Ngao thực sự lan rộng và thành công như thế nào. Trong 8 năm tiếp theo, Koning sống tổng cộng 18 tháng với các cộng đồng trong khu vực, ghi nhận tình hình khoảng 50 khu bảo tồn khác nhau và chọn 23 khu để nghiên cứu sâu, phỏng vấn dân làng và lặn xuống các vùng nước trong và ngoài khu bảo tồn để đo đếm cá, cùng với đồng tác giả nghiên cứu Martin Perales.

Ảnh: Aaron Koning/NatGeo

Koning nhận thấy các khu bảo tồn thành lập trước và lớn hơn thành công hơn bởi chúng cung cấp nhiều thời gian và không gian hơn – bao gồm nhiều kiểu sinh cảnh hơn – để xây dựng lại quần thể cá và tái thiết lập các loài quý hiếm. Nhưng ngay cả những khu bảo tồn được lập trong vài năm qua cũng cho thấy lợi ích rõ ràng từ việc không còn chịu áp lực đánh bắt cá dữ dội. Koning nói rằng các khu bảo tồn nằm gần một ngôi làng thường có lợi thế hơn, có lẽ vì dân làng thực thi các quy tắc tốt hơn.

“Những nguyên tắc này đã được phát triển và chứng minh đầy đủ hơn nhiều trong các khu bảo tồn biển nhưng đó cũng là điều đưa tới thành công mà chúng tôi đã thấy trong nghiên cứu của mình”.

Trong khi một số khu bảo tồn rất nhỏ xinh (chỉ bằng kích thước của một hồ bơi trẻ em) nhưng tất cả tương đối gần nhau, vô tình tạo ra một mạng lưới trú ẩn an toàn cho các loài cá di chuyển ngược xuôi giữa dòng chính và các dòng nhánh con sông.

Koning nói rằng tầm quan trọng của những lợi ích tổng thể “thực sự đáng ngạc nhiên”. Nhóm của ông cho biết so với những đoạn sông không được bảo vệ, các khu bảo tồn có tổng số cá gấp đôi và gấp hơn 20 lần tổng trọng lượng cá, và những loài cá lớn hầu như chỉ tìm thấy trong các khu bảo tồn.

Nhà sinh học thủy sản Erin Loury thuộc công ty tư vấn môi trường và thủy sản toàn cầu FISHBIO chỉ rõ: “Đây là lần đầu tiên chúng ta có một nghiên cứu định lượng cao, trực tiếp đo lường lợi ích của các khu bảo tồn nước ngọt. Thực tế rằng các cộng đồng đã tự làm điều này với rất ít hỗ trợ hoặc tài trợ từ bên ngoài là khá đáng chú ý và là trường hợp tốt nhất mà bạn có thể mong chờ”.

Lan tỏa và nhân rộng

Trong các nghiên cứu tiếp theo, Loury muốn thấy các phân tích chuyên sâu về những yếu tố xã hội đã góp phần vào thành công của cộng đồng.

Kể từ khi nghiên cứu được công bố, Koning nhận được báo cáo về các sáng kiến tương tự ở Malaysia, Ấn Độ và Namibia. Giới bảo tồn cũng liên hệ với ông về việc nhân rộng các khía cạnh thành công của nghiên cứu điển hình ở Thái Lan ra nhiều nước khác ở Nam Mỹ và Đông Nam Á. Ông cũng bắt đầu nghiên cứu về tác động của tám khu cấm đánh bắt lớn, do chính phủ ủy quyền, được thành lập vào năm 2013 ở Hồ Tonlé Sap của Campuchia – nơi nghề đánh cá đóng vai trò cực kỳ quan trọng nhưng lượng đánh bắt được ngày càng ít.

Bằng cách so sánh các hệ thống và cách tiếp cận khác nhau trên khắp thế giới, nhóm của Koning hy vọng xác định được những yếu tố chung để thành công và có thể phù hợp với nhiều kiểu sông hồ. “Vẫn còn rất nhiều bí ẩn về cách thức và lý do tại sao những yếu tố này hiệu quả nhưng bài học đầu tiên là chúng có hiệu quả”, Koning nói.

Đó cũng là thông điệp Nok Wa vô cùng tán thành: “Nếu không có khu bảo tồn, con cái chúng tôi sẽ không thể nhìn thấy cá và chúng tôi cũng không có cá mà ăn. Nếu một cộng đồng bắt đầu thực hiện một khu bảo tồn, họ chắc chắn sẽ thu được nhiều cá hơn”.

Nhật Anh (Theo NatGeo)

Nguồn: