10 tin vui về động vật hoang dã trong năm 2020

Không ai có thể phủ nhận năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn. Virus corona lấy đi mạng sống của hơn 1 triệu người trên toàn thế giới khiến các gia đình và cộng đồng bị chia cách. Theo nhiều cách, động vật cũng gặp khó khăn: Trung Quốc quảng bá mật gấu là phương pháp điều trị virus corona, nạn săn trộm gia tăng khi phong tỏa vì Covid-19 khiến du lịch sinh thái bế tắc, và động vật hoang dã bị nuôi nhốt (bao gồm hổ ở Vườn thú Bronx và chồn trong các trang trại lông thú ở Đan Mạch) dương tính với virus.

Nhưng năm 2020 không phải toàn là tin xấu. Dưới đây là 10 cách động vật hoang dã được hưởng lợi:

1. Động vật hoang dã được hưởng lợi từ một số thay đổi lối sống do đại dịch. Virus corona tập trung sự chú ý vào hoạt động buôn bán động vật hoang dã toàn cầu khiến nhiều người phải suy nghĩ lại về cách chúng ta tiếp xúc với động vật hoang dã. Tháng 2, chính phủ Trung Quốc ban hành quyết định đặt nền tảng cho việc hình sự hóa sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm.

Đại dịch buộc mọi người phải ở nhà, qua đó thúc đẩy tái kết nối với thiên nhiên. Các trang web khoa học công dân khuyến khích những người không phải là nhà khoa học quan sát và báo cáo môi trường quanh họ, dữ liệu thu được cũng vì vậy mà tăng lên, cung cấp những hiểu biết có giá trị cho các dự án bảo tồn. Ví dụ: SciStarter kết nối giới khoa học công dân với các dự án nghiên cứu đang hoạt động và lượng dữ liệu đóng góp tăng 480% kể từ năm 2019. Những nguồn này có thể giúp ích cho giới nghiên cứu, đặc biệt là những người phải tạm dừng nghiên cứu thực địa vì đại dịch.

Tháng 3 và 4 ở Hoa Kỳ, giao thông đường bộ giảm tới 73% và các vụ va chạm gây tử vong với động vật hoang dã như hươu, nai sừng tấm, gấu và sư tử núi giảm tới 58%. Fraser Shilling, đồng Giám đốc trung tâm sinh thái đường bộ thuộc Đại học California dự đoán lưu lượng giao thông ít hơn 50% trong một năm sẽ có nghĩa là “500 triệu động vật có xương sống không bị giết trên đường. Đó chắc chắn không phải là chuyện nhỏ đối với động vật hoang dã”.

Ảnh: NatGeo

2. Chủ sở hữu những vườn thú tư nhân có vấn đề ở Hoa Kỳ phải đối mặt với hậu quả pháp lý. Một loạt các hành động pháp lý trong năm 2020 làm bật lên tình trạng thiếu quy định trong ngành nuôi nhốt hổ và một số hành vi lạm dụng chúng trong các vườn thú không đạt chuẩn và khi chúng bị nuôi làm cảnh. Đầu năm 2020 – ngay cả trước khi series Tiger King của Netflix được công chiếu – Joseph Maldonado-Passage, hay còn được gọi là Joe Exotic bị kết án 22 năm tù cho các tội danh âm mưu sát hại Carole Baskin, bắn chết 5 con hổ và buôn bán hổ trái phép qua các tiểu bang. Các nhà điều hành vườn thú tư nhân nổi tiếng khác có mặt trong chương trình của Netflix như Bhagavan “Doc” Antle và Tim Stark cũng phải đối mặt với những rắc rối pháp lý. Và Jeff Lowe, chủ sở hữu của nơi trước đây là Công viên Động vật Kỳ lạ Greater Wynnewood của Joe Exotic ở Oklahoma đã bị tước giấy phép trưng bày động vật cho công chúng. Giờ đây, Lowe và người vợ tên Lauren cũng phải đối mặt với các cáo buộc dân sự và lệnh của tòa án ngăn chặn mọi nỗ lực đưa động vật của họ lên mạng hoặc mạng xã hội.

3. Các nhà bảo tồn da đen tôn vinh tình yêu với động vật hoang dã trong Tuần lễ Black Birders đầu tiên. Phong trào bắt đầu sau một sự cố ở Công viên Trung tâm New York khi một phụ nữ da trắng báo cảnh sát sau khi người da đen tên Christian Cooper đang ngắm chim tại công viên và yêu cầu cô xích con chó lại. Bốn ngày sau, cử nhân sinh học Corina Newsome đăng một video trên Twitter nói rằng “lâu nay, người da đen ở Hoa Kỳ là minh chứng rằng các hoạt động khám phá ngoài trời như ngắm chim không dành cho chúng tôi – cho dù đó là vì cách truyền thông chọn để trình bày ai là kiểu người “thích hoạt động ngoài trời”, hoặc sự phân biệt chủng tộc mà người da đen phải hứng chịu khi chúng tôi khám phá hoạt động ngoài trời như đã thấy gần đây ở Công viên Trung tâm. Chà, chúng tôi đã quyết định thay đổi câu chuyện đó”. Tuần lễ Black Birders kéo dài 5 ngày do Newsome đồng tổ chức, gồm các sự kiện ảo nhằm mục đích tăng cường khả năng thể hiện cho các nhà khoa học da đen và những người đam mê thiên nhiên trong cộng đồng mà người da trắng chiếm ưu thế.

Ảnh: NatGeo

4. Tê tê, loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới nhận được hai biện pháp bảo vệ quan trọng ở Trung Quốc. Tháng 6/2020, Bắc Kinh đưa tê tê lên mức bảo vệ cao nhất theo luật động vật hoang dã. Việc này cấm gần như mọi hoạt động buôn bán và sử dụng tê tê trong nước. Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ vảy tê tê lớn nhất cũng loại bỏ loài động vật này khỏi danh sách chính thức các thành phần y học cổ truyền được phê duyệt – một sự thay đổi được các nhóm bảo vệ động vật cho rằng sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu. Mặc dù vẫn còn lỗ hổng, các bộ phận tê tê không thể được sử dụng làm nguyên liệu thô nữa. Hơn 128 tấn vảy và thịt tê tê đã bị bắt giữ trên toàn thế giới vào năm 2020 – mức cao nhất mọi thời đại – điều này cho thấy bất chấp lệnh cấm toàn cầu thì thị trường tiêu thụ các bộ phận cơ thể tê tê phục vụ nhu cầu làm thuốc cổ truyền Trung Quốc và thực phẩm xa xỉ vẫn bùng nổ.

5. Các thành viên bị tình nghi của chuỗi buôn lậu sóc bay bị cáo buộc đã bị bắt. Tại Florida, các nhân viên thực thi pháp luật đã phá vỡ chuỗi buôn bán sóc bay lớn nhất Hoa Kỳ và có lẽ là nhất thế giới liên quan đến nhiều vụ bắt giữ. Theo giới chức Florida, trong những năm gần đây, hàng nghìn con sóc bay bị bắt khỏi rừng và vận chuyển đến cho một khách hàng Hàn Quốc – người bị cáo buộc bán sóc làm thú cưng.

6. Một nỗ lực mới được đưa ra để chống lại một loài xâm lấn. Hoa Kỳ tăng cường nỗ lực ngăn chặn nhập khẩu bất hợp pháp một trong những loài xâm lấn nhất thế giới: cà ra Trung Quốc hay còn gọi là cua lông, vốn được coi là đặc sản. Giới chức cho biết đã bắt giữ gần 15.000 con cà ra sống từ nhiều cảng khác nhau kể từ cuối 2019. “Nếu chúng thoát ra ngoài tự nhiên và sinh sôi nảy nở, hệ lụy sẽ không nhỏ”, Eva Lara-Figuerdo thuộc Cơ quan bảo vệ Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ nói. Cà ra có thể phá hoại bờ sông khu chúng đào hang, đe dọa chuỗi thức ăn do tiêu thụ động vật hoang dã địa phương và có thể gây bệnh cho con người, cụ thể là chúng có thể lan truyền một loại ký sinh trùng tấn công phổi.

Ảnh: NatGeo

7. Những chú voi xiếc giải nghệ sẽ bắt đầu một chương mới. Tháng 9/2020, các nhà bảo tồn thông báo những con voi biểu diễn đã giải nghệ thuộc Ringling Bros và Barnum & Bailey Circus sẽ chuyển đến một trung tâm bảo tồn rộng 2.500 mẫu Anh ở Florida vào năm 2021. White Oak Conservation đã mua 35 con voi châu Á và cho biết cơ sở mới của họ sẽ là nơi cho nhiều voi châu Á nhất ở Tây bán cầu. Theo người đứng đầu bộ phân bảo tồn toàn cầu thuộc White Oak Michelle Gadd, “đây là cơ hội để chúng ta đưa chúng trở lại chỉ là những con voi trong một hoàn cảnh gần gũi với thiên nhiên nhất”.

8. Quỷ Tasmania lần đầu tiên quay trở lại lục địa Australia sau hàng thiên niên kỷ. Loài thú có túi này biến mất khỏi lục địa cách đây 3.000 năm. Bị giới hạn ở đảo Tasmania, quần thể loài giảm xuống còn 25.000 cá thể vào những năm 1990 sau khi một căn bệnh lây lan. Vào tháng 3 và tháng 9/2020, hơn hai chục cá thể được đưa đến một khu bảo tồn động vật hoang dã có hàng rào rộng hàng nghìn mẫu Anh ở miền đông Australia và hiện chúng đang sống hoang dã, thích nghi với quê hương tổ tiên. “Chúng được tự do. Chúng đang ở ngoài đó”, Tim Faulkner, chủ tịch tổ chức phục hồi loài AussieArk cho hay. Quỷ Tasmania là loài ăn xác thối nên chúng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một hệ sinh thái lành mạnh và các nhà khoa học hy vọng chúng có thể giúp khôi phục sự cân bằng ở những khu vực bị tàn phá bởi các loài xâm lấn như mèo hoang và cáo lửa.

9. Hợp tác toàn cầu hiếm hoi đã dẫn đến một cuộc trấn áp buôn lậu động vật hoang dã. Từ tháng 9 đến tháng 10/2020, các cơ quan thực thi pháp luật toàn cầu và giới chức động vật hoang dã thu giữ hàng nghìn sản phẩm trong khuôn khổ Chiến dịch Sấm sét 2020. Trong đó có lượng vảy tê tê tương đương khoảng 1.700 cá thể và 87 xe tải gỗ. Động vật sống cũng được phục hồi, bao gồm hơn 30 cá thể tinh tinh và 1.800 cá thể bò sát. Nỗ lực do Interpol và Tổ chức Hải quan Thế giới lĩnh xướng với sự tham gia của hơn một trăm quốc gia và là hoạt động thường niên lần thứ tư. Những hành động phối hợp như vậy có thể tăng cường năng lực của các quốc gia và rất quan trọng vì “nhiều sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp lọt qua được hoặc hoàn toàn không bị phát hiện hoặc rửa sạch như các sản phẩm hợp pháp nhờ giấy tờ giả”, Rebecca Regnery, giám đốc cấp cao về động vật hoang dã thuộc Tổ chức quốc tế đối xử nhân đạo với động vật (HSI) cho biết. Khi các quốc gia hợp tác như vậy thì có thể xác định tốt hơn những đối tượng tái phạm và so sánh các tài liệu để đảm bảo tính hợp lệ.

Ảnh: NatGeo

10. Sói xám sẽ được thả ở Colorado. Tháng 11/2020, cử tri Colorado bỏ phiếu chấp thuận đưa sói xám trở lại dãy núi Rocky phía nam, nơi chúng bị săn đuổi đến mức tuyệt chủng vào những năm 1940. Đây là lần đầu tiên một bang bỏ phiếu để đưa một loài động vật trở lại hệ sinh thái của mình và Cơ quan quản lý Công viên và Động vật hoang dã Colorado sẽ giám sát dự án, bắt đầu từ năm 2022 hoặc 2023. Giới sinh vật học ước tính rằng Colorado có đủ chỗ cho hàng trăm con sói. Sói sẽ giúp giảm thiểu tình trạng chăn thả quá mức, săn hươu và nai sừng tấm, những gì chúng ăn thừa lại trở thành thức ăn cho các loài ăn xác thối như chồn gulo, đại bàng và gấu. Nhà bảo tồn Jonathan Proctor thuộc tổ chức phi lợi nhuận Defenders of Wildlife cho biết: “Việc đưa sói trở lại sẽ khôi phục cân bằng tự nhiên cho Colorado”.

Nhật Anh (Theo National Geographic)

Nguồn: