80% bệnh nhân COVID-19 mới không có triệu chứng, các bệnh viện phải khai thác kỹ dịch tễ

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê:Qua phân tích 240 bệnh nhân COVID-19 mới đợt này cho thấy có đến 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Đây là thách thức lớn với các bệnh viện trong quá trình sàng lọc bệnh nhân.

Từ thực tiễn ca bệnh mới nhất tại Gia Lai cho thấy, bệnh nhân đã đến bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai khám và đã đi qua một vài khoa nhưng do không hề có triệu chứng hay dấu hiệu gì của COVID-19 mà chỉ có 1 biểu hiện khiến bệnh nhân phải đi khám là về tiêu hoá nên chỉ đến khi vào Khoa Tiêu hoá khám chuyên sâu thì các bác sĩ mới yêu cầu bệnh nhân quay trở lại phòng khám cách ly.và chỉ định lấy mẫu xét nghiệm.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai đã thông báo kết quả xét nghiệm ghi nhận dương tính với COVID-19.

Theo TS. Viên Chinh Chiến (Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên) cho rằng bệnh nhân này xuất hiện triệu chứng đau bụng chứ không phải ho, sốt hay viêm hô hấp nên rất dễ nhầm lẫn.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo khẩn cấp phong tỏa Bệnh viện đa khoa tỉnh cho đến khi có chỉ đạo mới, đồng thời, phun khử khuẩn toàn bộ Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai do có yếu tố dịch tễ liên quan.

Thông tin tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương chống dịch COVID-19 chiều 2/2, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, qua phân tích 240 bệnh nhân COVID-19 mới đợt này cho thấy có đến 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Đây là thách thức lớn với các bệnh viện trong quá trình sàng lọc bệnh nhân.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (người bên trái) đề nghị tất cả các bệnh viện quay lại khai thác kỹ tiền sử dịch tễ tất cả người đến khám.     Ảnh:Trần Minh

Trong số các bệnh nhân trong đợt dịch mới này chỉ có 1 bệnh nhân nặng, 3 bệnh nhân phải thở oxy, 20 bệnh nhân có diễn biến bệnh cảnh lâm sàng.

Vì vậy, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê đề nghị tất cả các bệnh viện quay lại khai thác kỹ tiền sử dịch tễ tất cả người đến khám.

“Nếu cứ đợi bệnh nhân ho, sốt, khó thở thì sẽ dễ bỏ sót ca bệnh, bệnh nhân sẽ vào giữa bệnh viện”, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cảnh báo và lưu ý trong điều trị phải luôn chú ý mở cửa thông thoáng các phòng khám, khu điều trị và đặc biệt lưu ý vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn.

Theo Tiểu ban Điều trị, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã chữa khỏi 1.461 bệnh nhân. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 3ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 7 ca, số ca âm tính lần 3 là 2 ca.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, hiện BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất. BN1536 tuổi cao, có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm nay.

Từ ngày nhập viện (15/1) đến nay, Tiểu ban điều trị và Hội đồng chuyên môn đã 4 lần tổ chức hội chẩn quốc gia tình hình sức khoẻ của bệnh nhân và yêu cầu BV Phổi Đà Nẵng theo dõi sát sao trường hợp này. Các bác sĩ và điều dưỡng có kinh nghiệm về hồi sức tích cực của BV Đà Nẵng cũng đã được điều động sang BV Phổi để hỗ trợ điều trị cho BN1536.

Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).