Vắt kiệt sức voi

ThienNhien.Net – Trong những ngày Tết vừa qua, hơn 40 con voi nhà ở Đắk Lắk bị vắt kiệt sức để chở khách du lịch.

Trong khoảng 30.000 lượt khách đến du Xuân 2017 ở Khu Du lịch (KDL) Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), phần lớn đều thử cảm giác lạ trên lưng voi. Tất cả 15 con voi ở đây đã phải quần quật làm việc đến kiệt sức để chở du khách tham quan.

Không đủ thời gian nghỉ

Mùng 6 Tết, tuy đã 12 giờ trưa nhưng KDL Buôn Đôn vẫn tấp nập du khách. Mặc dù có nhiều điểm tham quan khác nhưng hầu hết mọi người đều chú tâm vào dịch vụ cưỡi voi. Hai đài để lên voi thường xuyên có hàng chục khách chờ đến lượt được cưỡi voi đi dọc sông Sêrêpốk. Vì thế, 15 con voi ở đây phải di chuyển liên tục chở khách băng qua bùn lầy, đá lởm chởm trong cánh rừng đầy bụi gai.

Nhìn vào ánh mắt, bước chân của các chú voi, chúng tôi cảm nhận được sự mệt mỏi vì liên tục làm việc nhưng không đủ thời gian nghỉ ngơi. Nhiều con voi quá mệt không muốn vào rừng thì lập tức bị nài voi (quản tượng) dùng những cây gậy có móc sắt đâm vào sau tai thúc giục. Chúng đau đớn lê từng bước chân nặng nề chở 3-4 du khách hả hê cười đùa trên lưng.

Đàn voi nhà chở du khách trong những ngày Tết ở Khu Du lịch Buôn Đôn (Ảnh: Cao Nguyên)

Trong nhóm nài voi này, Y.Q.R nổi tiếng ở vùng Buôn Đôn. Mới 13 tuổi nhưng R. đã có thâm niên 4 năm làm ông chủ của chú voi Gen (37 tuổi). Trưa 2-2, R. cũng như các nài voi khác liên tục điều khiển voi quay vòng chở khách. “Những lúc voi ương bướng, em sẽ dùng đầu nhọn của cây sắt điều khiển chọc vào thân, lập tức chúng phải vâng lời” – R. kể.

Theo bà Lê Thị Thanh Hà, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bản Đôn (huyện Buôn Đôn), trong dịp Tết, KDL này đã đón khoảng 7.000 lượt du khách. Trong số đó có khoảng 60%-70% du khách muốn cưỡi voi nên đã đưa cả 5 chú voi của KDL phục vụ. Không chỉ ở 2 KDL này, toàn bộ các khu, điểm du lịch thu hút nhiều khách ở Đắk Lắk đều sử dụng voi nhà phục vụ. Hơn 40 con voi nhà ở Đắk Lắk được các KDL thuê chở khách và ăn chia tiền vé.

Một số nước cấm cưỡi voi

Ông Nguyễn Phương Nam, một du khách từ TP HCM đến Buôn Đôn, chia sẻ: “Chúng tôi lên đây với mục đích chính là được cưỡi voi. Với 200.000 đồng, gia đình đã được trải nghiệm cảm giác lạ, cưỡi voi đi gần 1 cây số. Chúng tôi cũng chỉ đi 1 lần cho biết và chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm chứ lần sau sẽ không đi nữa. Thấy voi mệt mỏi rất tội nghiệp”.

Một du khách Thái Lan đến KDL Buôn Đôn tỏ ra ngạc nhiên trước dịch vụ cưỡi voi và cho biết ở gần nhà ông cũng có một KDL. Những con voi nhà ở đây được thả vào rừng tự do kiếm ăn. Du khách chỉ nhìn ngắm voi và đứng trên đài quan sát chụp ảnh chứ không được phép cưỡi chúng.

Những cây sắt nhọn của nài dùng để đâm vào voi mỗi khi chúng không vâng lời (Ảnh: Cao Nguyên)

Trước thực trạng loài voi đang có nguy cơ tuyệt chủng, mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức một cuộc hội thảo về vấn đề quản lý voi ở Việt Nam. Hàng chục chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo tồn loài voi, trong đó chú trọng đến việc hạn chế tối đa cho voi phục vụ du lịch. Hiện nay, một số nước trong khu vực đã cấm cưỡi voi mà thay vào đó là mở các tour du lịch tìm hiểu cuộc sống của chúng trong tự nhiên và chỉ được chụp ảnh từ xa.

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết trước Tết, trung tâm đã có văn bản gửi các chủ voi đề nghị hạn chế đưa voi phục vụ du lịch. Trong những ngày Tết, trung tâm cử cán bộ đến từng khu du lịch và thường xuyên gọi điện thoại nhắc nhở các chủ voi. Thế nhưng, các chủ voi đã không thực hiện mà buộc voi chở khách từ sáng đến tối để tranh thủ kiếm tiền. Trung tâm cũng đã có kế hoạch đến từng nhà kiểm tra sức khỏe cho voi. Những con nào yếu sẽ được cấp thuốc bổ. “Chúng tôi mong muốn người dân ý thức việc không cưỡi voi mà chỉ tới quan sát, cho chúng ăn, chụp ảnh kỷ niệm. Không bị khai thác quá sức, voi sẽ được chăm sóc tốt hơn” – ông Luân nói.

Không an tâm

Năm nay, tại KDL Buôn Đôn có nhiều nài nhỏ tuổi điều khiển voi khiến du khách không an tâm. Chị Cao Thị Thái (ngụ tỉnh Đồng Nai) đã không chịu lên voi của một nài nhỏ tuổi và cho người khác tấm vé đã mua. Theo chị Thái, dù voi được thuần dưỡng thì nó vẫn còn bản tính của loài thú. Việc voi liên tục phục vụ du khách nhiều ngày liền rất có thể làm nó ức chế và có những hành động chống lại con người.

Nguồn: