Tòa án Pháp xử “vụ kiện lịch sử” vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Tòa đại hình Evry ở Pháp mở phiên tranh tụng liên quan vụ kiện của bà Trần Tố Nga – công dân Pháp gốc Việt chống lại các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất chất độc da cam rải xuống Việt Nam.

Bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt kiện 17 công ty Mỹ từng sản xuất chất hóa học được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, bao gồm các hãng như Dow Chemical, Bayer-Monsanto, Harcros Chemical, Uniroyal Chemical, Thompson Hayward Chemical…

Theo TTXVN, tại phiên tòa ngày 25.1, 15 luật sư phía bị đơn đã có hơn 4 giờ tranh luận và bảo vệ các thân chủ là 17 công ty hóa chất Mỹ, bao gồm Monsanto (được Bayer của Đức mua lại vào năm 2018) và Dow Chemical, trong khi 3 luật sư của bà Tố Nga chỉ có thời hạn là 1 tiếng rưỡi.

Các luật sư William Bourdon, Amélie Lefebvre, Bertrand Repolt đã đồng hành bên bà Tố Nga suốt hơn 10 năm qua với những dấu mốc quan trọng như năm 2009 khi bà đứng ra làm chứng tại Tòa án Lương tâm quốc tế vì nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam ở Paris, năm 2013 khi Tòa đại hình Evry đã chấp thuận đơn kiện của bà, và năm 2014 khi bà nhận được thông báo mở phiên thủ tục đầu tiên với danh sách hầu tòa gồm 19 công ty chất Mỹ.

Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: TTXVN

Thông qua phiên tòa được dư luận Pháp đánh giá là “lịch sử”, bà Tố Nga và các tổ chức ủng hộ vụ kiện mong muốn thúc đẩy sự công nhận quốc tế về một “tội ác hủy diệt môi trường”.

Theo luật sư William Bourdon, các công ty hóa chất Mỹ sử dụng tất cả các phương tiện có thể, không phải để ngăn cản phiên tòa diễn ra – vì họ không thể ngăn cản – mà để đưa ra các lập luận cho rằng hành động của bà Tố Nga là không thể chấp nhận được, là thiếu cơ sở.

Các đại diện bên bị đã biện hộ rằng Tòa đại hình Evry không đủ năng lực để xử lý hồ sơ này.

Lập luận rằng các công ty này “hành động theo lệnh của một Nhà nước và nhân danh Nhà nước đó”, luật sư Jean-Daniel Bretzner của Monsanto cho rằng họ có thể được hưởng quyền miễn trừ tư pháp.

Luật sư William Bourdon nhấn mạnh lời biện hộ này đã lỗi thời. “Chúng tôi phản đối một cách vững chắc bằng cách dựa vào các quy định quốc gia, Châu Âu và quốc tế. Có rất nhiều ví dụ trong lịch sử mà các công ty đa quốc gia đã cố gắng áp đặt sự bất khả kháng, rằng họ không phải chịu trách nhiệm vì chỉ tuân theo mệnh lệnh chính trị. Chúng tôi khá tự tin vì luật pháp đã phát triển theo hướng tăng cường trách nhiệm của các chủ thể tư nhân, ngay cả khi họ tuyên bố đã hành động vì sự thúc ép của chính quyền” – luật sư Bourdon nói.

Ông Jean-Pierre Archambault, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Pháp-Việt đánh giá phiên tranh tụng là “một bước tiến quan trọng” trong vụ kiện mà bà Tố Nga đã bền bỉ theo đuổi suốt hơn 6 năm qua vì công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.

Truyền thông Pháp đánh giá vụ kiện của bà Trần Tố Nga là “vụ kiện lịch sử”.

Trang nhất báo Humanité số ra ngày 25.1 viết rằng vụ kiện này thường được so sánh với cuộc chiến của David chống lại Goliath. Vì một lý do – đó là hàng chục luật sư của các công ty đa quốc gia, bao gồm Dow Chemical và Bayer-Monsanto “đã triển khai mọi mưu kế để làm chậm tiến độ vụ xét xử.

Bài phóng sự dài trên báo Le Monde nhấn mạnh bà Tố Nga biết sẽ phải trải qua cuộc chiến pháp lý lâu dài. Tuy nhiên, đối với tất cả các nạn nhân, hy vọng cuối cùng là những thương tật của họ được công nhận nằm ở quyết định của hệ thống tư pháp Pháp.

Theo BBC, cuối năm 2020, Mỹ cho biết sẽ dành tối thiểu gần 170 triệu USD trong gói kích cầu mới được Quốc hội thông qua để hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.

Khoản hỗ trợ tối thiểu 169.739.000 USD dành cho Việt Nam bao gồm ít nhất 14,5 triệu cung cấp cho các chương trình y tế và khuyết tật tại những khu vực bị rải chất da cam và nhiễm độc chất dioxin, nhằm giúp đỡ những người bị khuyết tật về vận động nghiêm trọng, hay khuyết tật về phát triển hoặc nhận thức.

19 triệu USD khác sẽ dùng để hỗ trợ các hoạt động liên quan đến khắc phục hậu quả tại những nơi chịu ảnh hưởng của chất độc dioxin ở Việt Nam.

Tháng 11.2020, trong chuyến thăm Việt Nam, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert C. O’Brien đã công bố việc USAID đóng góp thêm 20 triệu USD vào dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, điểm nóng dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam.

Tuyên bố này đưa tổng giá trị tài trợ cho dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa của USAID cho đến nay lên hơn 110 triệu USD.