Ứng phó với biến đổi khí hậu: Dai dẳng cuộc chiến không tiếng súng (Bài 1)

“Sầu riêng thì không phải lúc mặn nó chết ngay đâu, mà sau mặn mới chết. Đất bị nhiễm mặn, rễ nó chết là chết từ từ” – ông Tư Văn nhận xét. Điều này có thể đúng không chỉ với cây sầu riêng…

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tiềm năng, lợi thế rất lớn, có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là “trụ đỡ” bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước, đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của vùng Vựa lúa số 1 Việt Nam này vẫn thấp hơn 18% so với mức trung bình của cả nước. Một trong những lý do ảnh hưởng trực tiếp tới GDP của vùng là do trong nhiều năm qua, nơi đây liên tiếp phải đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đối khí hậu, triều cường, hạn mặn, các hoạt động xây dựng thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong…

Minh chứng rõ thấy là trong 5 năm gần đây, Đồng bằng sông Cửu Long đã phải hứng chịu 2 đợt xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh; khiến hàng chục nghìn hécta lúa, cây ăn trái bị thiệt hại; gần 100.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt và gây sụt lún nghiêm trọng tại nhiều tuyến đê, đường giao thông…

Những thách thức nghiêm trọng từ môi trường đã tạo nên làn sóng di cư lớn nhằm tìm kiếm cơ hội mưu sinh thay thế. Trong vòng 10 năm qua (từ năm 2009 – 2019) đã có hơn 1 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long di cư đến Thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ và một số vùng miền khác. Số dân di cư trên được đánh giá là lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng.

Phần lớn những đợt di cư này là tự phát, như một phương thức ứng phó với biến đổi khí hậu của người dân nơi đây. Những người còn ở lại, tiếp tục chống chọi khi thì với lũ, lúc hạn mặn, lúc lại xói lở đất… Tuy nhiên, trong cuộc chiến dai dẳng không tiếng súng này, những người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long không đơn độc. Tổng vốn đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long so với cả nước tăng từ 12,2% (giai đoạn 2011-2015) lên 16,53% (2016-2020); các chương trình cải thiện hệ thống mùa vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, chương trình tái định cư, xây nhà chống lũ… được triển khai ở tất cả các địa phương trong vùng như một cách tiếp sức của Đảng và Nhà nước cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu.

Bài 1: Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long – Khi sầu riêng thành sầu chung

Ông Tư Văn khập khiễng bước ra hiên căn nhà loang lổ mới chỉ xong phần thô được vài tháng. Công trình này đang bị “đình chỉ” vô thời hạn. Chếch bên chái nhà, lội bộ vài chục mét, những hy vọng hoàn thiện nó đang héo mòn: khu vườn sầu riêng của ông đang nằm chờ chết.

Những giấc mơ còn trơ khung

110 cây trong vườn của ông giờ đều vô phương cứu chữa. Có cây vẫn còn lá, nhưng đang héo rũ. Có cây đã trụi còn trơ khung. Vài cây lớn chỉ còn mỗi thân, phía ngọn vát chéo xuống như bị chém. Nhưng dù hình thức ra sao, thì kết cục chung đều là phải chặt: đất quá mặn và rễ cây đã chết rồi.

“Căn nhà này do ông sui gia trên thành phố thừa vật liệu chở về cho tui, chỉ tốn công thợ” – chỉ vào căn nhà cất đã ba năm nhưng chưa kịp trát và sơn, ông Văn nói. “Chờ sầu riêng trúng thì cố làm cho xong, mà năm nay coi như bỏ.”

Bên trong, ngoài gạch ra thì nhà trơ khung. Không khung cửa, không la-phông. Khu vệ sinh được dựng lên tạm bợ giữa nhà, ngăn cách với các gian khác cũng chỉ bằng gạch vữa, và không có trần. “Nội thất” bên trong là một cuộc gom góp đồ cũ từ khắp nơi, chủ yếu từ hai ông sui trên thành phố. Cần khoảng 100 triệu đồng nữa để cái khung này hoàn thành khái niệm một căn nhà.

Ông Tư Văn bên trong ngôi nhà đã 3 năm rồi vẫn chưa được hoàn thiện nốt của mình vì mòn mỏi chờ trúng một vụ sầu riêng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhưng ông Văn có thừa sự kiên nhẫn. Di chứng của bệnh bại liệt khi nhỏ khiến một chân gần như bị hỏng, ông đã học cách sinh nhai bằng cách gom góp toàn bộ nghị lực từ những gì còn lại.

Khi cây sầu riêng còn tươi tốt, ông Văn thậm chí còn có thể leo thoăn thoắt lên tận ngọn để tỉa cành. Trong những ngày “vàng son”, ông đã gồng gánh cả một gia đình trên những bước chân tập tễnh này: ba đứa con trai giờ đều đã nên người, 2 người tốt nghiệp đại học và một người làm phụ bếp trên thành phố.

Nhưng dòng tiền bền bỉ ấy đến đây là đứt đoạn. Vào tháng Hai, ông Văn và người dân trồng sầu riêng ở xã Tam Bình (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) lần đầu tiên trong lịch sử biết đến độ mặn “tám chấm”. Bốn năm trước, đợt mặn trên diện rộng chỉ khoảng không 1,7-1,8. Giờ gấp bốn lần. Và tương lai bắt đầu nghe tiếng rạn vỡ theo những gốc sầu riêng ngã xuống.

Đi từ vườn ông Văn thẳng hướng Nam độ hơn một cây số, vượt qua con đường mòn chằng chịt phải rải gạch vụn cho dễ đi và chỉ vừa ba bánh xe máy của những khu vườn sầu riêng còn trơ khung, ra ngoài lộ bê-tông, là một bãi tập kết gỗ thời vụ.

Một bãi tập kết gỗ sầu riêng hình thành sau khi hạn mặn. Một gốc cây này khi đã đốn xuống chỉ còn có giá 20.000 đồng, trong khi lúc còn sống và cho ra trái, nó có thể đem lại cho chủ vườn 10-15 triệu đồng/năm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Anh Nguyễn Văn Lõi làm việc ở đây đã sáu tháng nay. Trước hạn mặn năm nay, anh trồng sầu riêng để sống. Bây giờ, anh đi đốn sầu riêng, cũng để sống, nhưng trong một trạng thái hoang mang hơn. Khi hết cây để đốn, thì anh cũng hết sinh kế tạm thời.

“Mỗi ngày tụi tôi chặt chừng trăm cây lận, cứ thế đều đặn nửa năm nay” – anh lẩm nhẩm, tay vỗ lên một gốc cây mới đốn. “Nhà này tui đốn là lần thứ hai rồi. Mấy gốc ở đây chừng 20 năm tuổi là thường” – giọng người đàn ông đã từng gắn đời mình với cây sầu riêng này không cảm xúc. Có lẽ anh đã thấy cây chết đủ nhiều.

Dưới lưỡi cưa máy lạnh lẽo là những cây sầu riêng đã xong phận sự cuộc đời mình: “Mấy cây này coi vậy chứ nếu ra trái thì một năm cũng cho 10-15 triệu đấy, mà giờ thì xong rồi” – Anh Lõi cười. Bây giờ, những cây từng là ATM của một gia đình này khi bán cho lái buôn gỗ chỉ có giá 20.000 đồng một gốc, chưa đủ tiền mua nửa kilogam sầu riêng.

Gỗ sầu riêng rẻ vì ít công dụng, chẳng để làm gì. “Đến làm củi cháy còn không đượm” – anh thở dài. Sau khi 5 công sầu riêng chết không còn một gốc, anh cũng chẳng biết làm gì khác ngoài việc ném vào bếp lò.

Anh Nguyễn Văn Lõi bên những gốc sầu riêng đã đốn. Công việc thời vụ đã giúp anh có thu nhập ‘ổn định’ suốt nửa năm qua, sau khi 5 công sầu riêng của gia đình chết sạch. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Không có biên bản ghi nhớ nào trên thân cây sầu riêng chỉ còn trơ khung, về số cử nhân Đại học đã lớn lên nhờ nó, số mái nhà kiểu Thái đã được lợp cho nhiều gia đình từ tiền bán sầu riêng, và số ngày vui đã đi qua ở nơi được coi như là “thủ phủ sầu riêng” của miền Tây Nam Bộ này. Nhưng trong những tiếng cưa máy xè xè từ sáng cho đến tối, ai cũng có thể nghe thấy tương lai bất trắc.

Cai Lậy từng là vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh Tiền Giang, với năng suất có lúc cao nhất cả nước, đạt 17 tấn/ha/ba vụ trong năm. Nhưng nhiều năm làm lúa, người dân chỉ đủ ăn. Trước năm 2000, thu nhập 1 công lúa lời được có 1 triệu đồng/công. Làm vườn thì người dân 1 năm lời gấp 10 lần.

Vì thế, một thập kỷ trở lại đây, hàng nghìn hecta đã được chuyển sang trồng cây ăn trái, mà sầu riêng là cây chủ lực. Trong những ngày huy hoàng, khi giá sầu riêng có lúc lên đến 80.000-100.000/kg, mỗi hecta thậm chí cho lãi lên đến 1 tỷ đồng/năm, nó đã biến nhiều nông dân chân lấm tay bùn một thời ở đây thành triệu phú.

“Mới năm ngoái thôi, xe còn chạy đầy tỉnh lộ, nhà ai cũng mở tiệc để ca” – ông Sáu Đen rít điếu thuốc, ngập ngừng nói với chúng tôi. Khói thuốc và ánh mắt nheo lại nhuộm cho lời của ký ức, dù cú sốc mới đi qua chỉ vài tháng thôi. “Năm nay mất trắng luôn rồi. Nhà tôi 5 công mà chết hơn phân nửa, trồng lại thì cũng mất 6-7 năm.”

Ông bảo, những người già nhất của ấp cũng không nhớ nổi có lần nào thiên nhiên khắc nghiệt đến vậy. Bốn năm trước cũng ngập mặn diện rộng, nhưng chỉ kéo dài một con nước. Nay mặn đã bốn tháng ròng, ngấm sâu vào đất, và những vườn sầu riêng cứ thế chết từ từ. Ông Sáu trồng sầu riêng đã gần 20 năm, nhưng chưa bao giờ chứng kiến nền kinh tế của cả vùng đứng khựng lại như lúc này.

“Nền kinh tế” sầu riêng

Những quân domino lần lượt đổ rạp theo gốc sầu riêng. Lệ thường vào ngày thu hoạch, người dân ở đây hay thuê xe karaoke kẹo kéo về nhậu ăn mừng, tiếng ca vang lừng bốn bề sông nước. Năm nay, chỉ còn tiếng cưa máy. Đi dọc quốc lộ, các vựa trái cây lớn đóng cửa hàng loạt. Bên đường, thi thoảng lại bắt gặp những gốc sầu riêng nằm lăn lóc chờ xe tải đến chở đi.

Người trồng sầu riêng thường mua chịu phân thuốc, giờ mất vụ không có tiền trả, các đại lý phân bón cũng lao đao. Có người vay ngân hàng mấy trăm triệu để mở vựa sầu riêng, chưa được vụ nào đã phải bỏ hoang đó. Nhà nghỉ, khách sạn, quán cà phê mọc lên cấp tập vào những ngày sầu riêng được mùa phục vụ thương lái đổ về, nay cũng ế ẩm.

Một vườn sầu riêng đã bị chặt sạch. Chủ vườn trồng xen vào bưởi để mong được thu hoạch sớm hơn. (Ảnh: Minh Sơn/ Vietnam+)

“Nhiều năm trồng sầu riêng, ở đây đã hình thành được 40 vựa thu mua cũng như sản xuất được các phụ kiện như hộp, thùng để có thể đóng gói xuất khẩu. Năm nay, sau hạn mặn, các vựa này đa số đóng cửa” – Bí thư xã Tam Bình, ông Nguyễn Tấn Nhũ, cho biết. “Các cơ sở sản xuất bao bì, thùng đóng gói hay các đơn vị cắt và chuyên chở trái cây cũng ngừng hoạt động, do đó một lượng lớn người dân tham gia vào dịch vụ này giờ thành thất nghiệp.”

Nhưng dù thế nào thì người dân vẫn phải tiếp tục sinh nhai. Ông Sáu Đen, cũng như anh Lõi, đã phải kiếm tạm nghề mới: đi phụ hồ. Ở tuổi gần 60, ông vẫn là lao động chính trong nhà. Con trai cả đã bỏ lên thành phố làm mướn. Con gái chưa lấy chồng. Mọi thứ đều dang dở.

Năm 1993, ông bỏ trồng lúa, làm lại đất để bắt đầu trồng giống sầu riêng khổ qua, có giá rất thấp và cũng không được năng suất. 8 năm trước, ông chuyển sang giống Ri6 giá tốt hơn, mới trúng được hai vụ, mỗi năm lời hơn trăm triệu, thì hạn mặn ập đến.

Gần hai thập kỷ lăn lộn với cây sầu riêng, kiếm được bao nhiêu, ông đổ hết vào nâng cấp căn nhà lá trước đây lên nhà gạch. Gian trên đã xong, nhưng gian dưới thì đã chờ 9 năm nay chưa thêm được một viên gạch.

Những căn nhà dở dang như của ông Sáu Đen và ông Tư Văn không hề xa lạ trong vài năm trở lại đây, khi thời tiết ngày một khắc nghiệt hơn với người nông dân, và cây sầu riêng thì luôn là một canh bạc với đất trời. Nếu chăm sóc tốt thì cũng phải 5 năm mới có trái, còn không thì thậm chí mất 7 năm, mà thu hoạch được 2-3 vụ thì thường phải nghỉ 1 vụ để dưỡng cây, và khi cây đã “hấp hối” thì thường là chín phần chết một phần sống.

“Sầu riêng khó trồng, nó bệnh rồi thì không cứu được, cứu thuốc gì cũng không được, như là cái bao tử bị hư rồi thì ăn gì cũng không được” – ngước nhìn lên một cây hiếm hoi còn sống được trong vườn, ông Tư Văn giải thích. “Mình dưỡng nó, đậy kỹ càng rồi, tu bổ, săn sóc nó tốt thì tốn ít tiền, không thì sau vài vụ là dễ chết cây lắm. Dạng hàng con cưng đấy. Vừa ăn uống vừa bồi dưỡng vừa trị bệnh, đủ thứ hết trơn.”

Ông Tư Văn bên mảnh vườn mà ông thừa nhận rằng “không cứu được nữa. Các cây đều đang chết dần vì nguồn nước và đất nhiễm mặn quá nặng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhưng ý chí con người luôn nhỏ bé trước tự nhiên. Bốn tháng rưỡi nước nhiễm mặn vừa qua, ông Văn đã chạy vạy bơm vào 5 công vườn của mình cả trăm triệu tiền nước, cho đến một ngày, người nông dân chịu khó chịu khổ thành quen này cũng hết kiên nhẫn, phải thừa nhận rằng “chẳng đâu vào đâu, chịu rồi đấy.”

Trước khi buông xuôi để đi đốn cây, anh Lõi đã cố cứu vườn sầu riêng bằng cách thức dậy từ tinh mơ để ra bến xếp hàng mua nước ngọt từ các sàlan, cặm cụi chở về trên chiếc xe Honda càng tàng, để rồi đen đủi đến nỗi phải kêu trời: “Gặp ba cái thứ nước quỷ pha chế kim loại gì đâu, càng tưới cây càng chết, mất cả trăm triệu tiền nước tưới 3 công đất.” Trong cơn hỗn loạn, đôi khi họ vẫn gặp những kẻ sẵn sàng trục lợi trên những vườn sầu riêng đang khát nước.

“Phải là người có tiền, chịu chi, bơm liên tục, kể cả chi mà không nhiều cũng vẫn chết. Hoặc những hộ thu trái rơi vào tháng 10-11 Âm lịch thì đỡ, ít bị thiệt hại hơn” – ông Đỗ Thái Hùng, một trong những người trồng sầu riêng hiếm hoi còn giữ được 90% cây trong vườn, cho biết. “Ai mà ăn trái tháng Giêng, tháng 2 Âm lịch là chết hết, lúc đó mặn lên rồi, cây sầu riêng đang đơm trái mà đầu tư không đến nơi đến chốn là chết hết luôn.”

Tuy nhiên, vụ này cây trong vườn ông Hùng cũng không ra trái, coi như bỏ trắng. Mương nước chỉ chứa khoảng 4-500 mét khối, nhưng vài tháng qua, ông đã bơm liên tục 2.500 mét khối nước ngọt vào để giữ cho cây sống.

Nhưng không có nhiều người có đủ khả năng đầu tư chi phí như ông: “Tôi vừa nghe thông tin là lập tức chuẩn bị sẵn, móc ao để giữ nước lại trong mương, sau này khi nước đỡ mặn tôi mới mướn bơm nước từ sà lan vào chứa trong mương, trực tiếp trong mương luôn, phân bổ đều thấm vào đất. Còn những ai chứa nước chỉ trong ao hoặc bơm nhỏ giọt là đa số chết hết” – ông Hùng nói.

Ông Đỗ Thái Hùng là một trong những người trồng sầu riêng hiếm hoi giữ được nhiều cây còn sống, nhưng vụ vừa rồi cũng không thu hoạch được gì vì ảnh hưởng hạn mặn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tỉnh Tiền Giang đã nhanh chóng ngăn hết 11 kênh rạch để ngăn mặn, đồng thời đưa ra gói nước “giải khát” gần 40 tỷ đồng cho người dân tưới tiêu. Nhưng thế vẫn chưa đủ để chống lại cuộc xâm lược của thiên nhiên.

Tương lai bất trắc

Cách đó chỉ một giờ rưỡi xe chạy, vào cuối tháng Mười, khi nước triều lên làm ngập các đô thị Đồng bằng sông Cửu Long, một hội thảo về chính sách biến đổi khí hậu ở khu vực này được tổ chức. Và người ta mới giật mình biết rằng Đồng bằng sông Cửu Long đã bị bao vây: từ mùa khô 2019, mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu và lập kỷ lục mới vượt đỉnh năm 2016.

Đỉnh mặn đo được ở sông Cổ Chiên tại các huyện Vũng Liêm và Măng Thít lên đến 6-10 phần nghìn, sông Hậu tại huyện Trà Ôn là 7,8 phần nghìn. Dù xa cửa biển đến 90 cây số, nhưng phía sông Tiền ở các xã cù lao Bình Hòa Phước và Đồng Phú, cách nơi trồng sầu riêng Cai Lậy không xa, đã xuất hiện nước mặn với nồng độ 4 phần nghìn.

Biến đổi khí hậu đã đi đến bàn giấy của chính sách vĩ mô hơi chậm một chút, sau khi đã tạo ra những hệ lụy không nhỏ đến một trong những nơi trù phú bậc nhất cả nước, như một lời nhắc nhở rằng cụm từ này rồi sẽ không còn để lại cảm giác mơ hồ như nó đã từng.

Nhưng đấy dường như vẫn là một thế giới khác, trong câu chuyện với những người nông dân. Ông Năm Toàn lắc đầu khi nghe đến cụm từ “biến đổi khí hậu.” Ông cũng hoàn toàn thờ ơ khi nghe chúng tôi nói về dự báo của Bộ Tài nguyên & Môi trường và Ngân hàng Thế giới, rằng 100 năm nữa, nơi ông và chúng tôi đang đứng đây có thể thấp dưới mực nước biển một mét, điều có thể sẽ làm cho tình trạng mặn ngày càng nghiêm trọng. “Sống chi đến ngày đó?” – ông cười.

Ông Năm không có đủ thì giờ để quan tâm nhiều thứ đến vậy. Đứng bên hàng gốc sầu riêng cỡ 15-20 năm tuổi vừa phải đốn hạ vì đợt mặn vừa rồi, ông chỉ cho chúng tôi xem cây sầu riêng mới trồng lại sáu tháng. Nó cao chưa bằng đứa con trai mới 8 tuổi của ông, và không có gì đảm bảo rằng nó sẽ sống đến ngày cho trái. Nhưng ông vẫn phải trồng, vì tương lai.

Ông Năm Toàn và cậu con trai mới học lớp hai của mình. 7 năm ba tháng nữa, ông sẽ đến tuổi về hưu theo quy định mới của Bộ luật lao động 2019. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đứa con đang học lớp hai ấy là kết quả cuộc hôn nhân của ông Năm với người vợ thứ hai, thua ông 13 tuổi. Người vợ đầu đã bỏ đi đâu không ai rõ, sau một năm chung sống và chưa kịp có mụn con nào.

Sau lần kết hôn đầu không thành, ông lên Sài Gòn làm mướn, và gặp bà thứ hai trong những ngày lay lắt ấy. Cho đến một ngày, một trong những người anh trai của ông đi nước ngoài định cư, để lại 5 công sầu riêng. Ông về lại quê nhà Cai Lậy tiếp quản, và qua nửa đời người mới được sống với những hy vọng xa vời hơn là kiếm sống nuôi bản thân mình.

Qua 8 năm làm sầu riêng, đến 2017, ông cất được cái nhà khoảng 100 triệu đồng trên đất ông bà để lại. Trong những ngày huy hoàng của sầu riêng, ông không tiếc con mình cái gì. Ông mua cho nó một chiếc Iphone cũ, khoảng hai triệu đồng, còn đắt hơn cái cục gạch ông đang dùng. Lịch trình một ngày của ông xoay quanh hai cái “cây” rất bé mọn: sầu riêng và người. Sáng tám giờ chở con đi học, chiều bốn rưỡi lại nổ máy xe đón nó về. Trưa nắng chang chang thì ra vườn sầu riêng.

“Tui cũng không biết sao nữa, giờ đến đâu hay đến đó, khắc phục rồi ráng trồng tiếp thôi” – ông trả lời khi được hỏi về dự định tương lai. Nếu may mắn, ông sẽ lao động đủ thời gian để kiếm tiền cho con vào đại học. 7 năm 3 tháng nữa, người đàn ông 53 tuổi này sẽ đủ tuổi hưu theo quy định mới của Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021). Nhưng tuổi hưu ở đây cũng vận hành theo một quỹ đạo khác: “Làm thì làm đến khi nào yếu hẳn mới nghỉ” – ông Năm bảo. Đây cũng là một biến số chỉ nhờ vào đất trời.

Với ông, phía trước là những con tính phức tạp: để cái cây sáu tháng mới trồng trụ lại cho đến khi thu hoạch được lần đầu, ông sẽ phải vừa chăm sóc và vừa cầu trời rằng mọi thứ sẽ suôn sẻ từ nay cho đến khi con ông vào cấp hai. Rồi mỗi năm lại thấp thỏm chờ đợi xem có nên đổi sang trồng bưởi, mít, rút ngắn quá trình thu hoạch, để “lo cho con nó học hết chương trình.” Hỏi chương trình gì thì ông cũng không biết nữa, vì cụm từ “cải cách giáo dục” có vẻ cũng xa lạ gần như “biến đổi khí hậu.”

Một cây sầu riêng trụi lá còn trơ khung, và sẽ sớm bị đốn trong vườn của ông Năm Toàn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Bảo hiểm y tế thì còn có nhiều người có vì còn vận động mua, chứ bảo hiểm xã hội thì còn chưa nhiều” – một cán bộ ở Cai Lậy cho chúng tôi biết. Khi những cây sầu riêng ngã xuống, những người như ông Năm Toàn dường như cũng mất đi bảo hiểm cho tương lai. Có thể họ không giàu, nhưng nếu cây sầu riêng còn sống, đấy vẫn là chỗ dựa tinh thần: “Trúng 1-2 vụ là lại ca (hát) ngay” – ông Sáu Đen cười hì hì.

Nhưng đất trời có lẽ không còn chiều lòng người: dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết năm 2021 nhiều khả năng là năm hạn mặn cao, có thể xuất hiện ngay từ những tháng đầu mùa khô và kéo dài đến tháng Năm, chưa kể các diễn biến thời tiết bất thường khác như triều cường, gió chướng.

Một năm bất thường chưa từng có của tự nhiên đã mở ra những tương lai bấp bênh. Ông Sáu Đen sống đến gần 60 tuổi vẫn “không biết mặt cái sổ tiết kiệm mần sao”, làm năm nào biết năm ấy. “Chi phí mùa vụ tới là hết tiền, xoay vòng tiền mắc nợ những người bán phân thuốc, rồi ngân hàng. Hồi cây tơ (trồng chờ cho trái lần đầu) chưa có trái, vay làm, trúng thì trả, thất thì thiếu nợ.”

Ông Tư Văn thì thừa nhận mình đã kiệt quệ sau nhiều năm dồn tiền nuôi con, cất nhà và đặc biệt là đổ tiền cố cứu sầu riêng giai đoạn vừa rồi. Ông Năm Toàn thì “cha già con cọc”: tiền nuôi con ông ăn học có thể sẽ ngày một nặng hơn theo lạm phát, trong khi những vụ sầu riêng giờ đã giống như một canh bạc mà phần thua đang nghiêng về phía người làm vườn. Quy hoạch cuộc đời họ dường như đã bỏ qua những tấm lưới an sinh xã hội, trong những ngày mà niềm tin đặt vào sầu riêng lên quá cao.

“Sầu riêng thì không phải lúc mặn nó chết ngay đâu, mà sau mặn mới chết. Đất bị nhiễm mặn, rễ nó chết là chết từ từ” – ông Tư Văn nhận xét. Điều này có thể đúng không chỉ với cây sầu riêng…