Hà Nội: 9 cơ sở nước tinh khiết không đạt chuẩn

ThienNhien.Net – Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra và lấy mẫu của 120 cơ sở nước uống đóng chai, bình trên tổng số 243 cơ sở của toàn thành phố. Sau khi kiểm tra 57 mẫu nước, đã phát hiện 9 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói rằng, 9 cơ sở trên không đạt chỉ tiêu pH theo quy định Tiêu chuẩn Việt Nam.

Theo quy định, tiêu chuẩn đối với nước uống đóng chai, bình được quy định độ pH từ 6,5 đến 8,5. Tuy nhiên, nước uống thành phẩm của 9 cơ sở trên chỉ đạt ở mức 5,9 đến 6,2.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến chiều ngày 31/03, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã xử phạt hành chính 4 cơ sở trên tổng số 9 cơ sở sản xuất nói trên. Mức phạt từ 2 triệu tới 6 triệu đồng. Các cơ sở vi phạm còn lại sẽ tiếp tục bị xử phạt vào ngày 01/04.

“Ngoài phạt hành chính bằng tiền, chúng tôi còn sử dụng hình thức phạt bổ sung như tiêu hủy toàn bộ số nước không đạt chuẩn,” ông Cường nói.

Các cơ sở vi phạm phải dừng sản xuất để vệ sinh lại cơ sở, điều kiện sản xuất, dụng cụ sản xuất… sao cho đạt yêu cầu. Tiếp theo, khi sản xuất lại phải báo cáo với Sở Y tế để đơn vị này xuống kiểm tra. Qua xét nghiệm, nếu thấy nước thành phẩm đạt tiêu chuẩn quy định mới cho phép lưu hành trở lại.

Ông Cường cũng nói rằng, từ giờ đến tháng 5 – tức là trước thời điểm nắng nóng và tình hình tiêu thụ nước đóng chai, bình tăng mạnh, Sở Y tế Hà Nội sẽ kiểm tra toàn bộ 243 cơ sở sản xuất mặt hàng này trên địa bàn thành phố.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường hậu kiểm trong thời gian tới để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng,” ông Tuấn bổ sung.

Làm… kém chất lượng nước máy

Chánh thanh tra Sở Y tế Nguyễn Việt Cường còn cho biết thêm, trên thực tế 9 cơ sở trên, đa phần sử dụng đầu vào là nước máy để sản xuất ra nước tinh lọc, đóng bình.

Khi được hỏi, vậy liệu nước máy tại khu vực đó không đạt độ pH theo yêu cầu, ông Cường nói rằng, nước máy là đạt chuẩn, tuy nhiên, do các cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ lọc không đảm bảo nên đã làm… kém chất lượng nước máy.

“Dù sử dụng đầu vào là nước máy hay nước giếng khoan thì vẫn phải bảo đảm đầu ra an toàn cho người sử dụng,” ông Cường khẳng định.
Hiện Sở Y tế vẫn đang phối hợp với Viện Dinh dưỡng kiểm nghiệm những mẫu nước còn lại, nếu phát hiện sai phạm sẽ công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Trong khi người dân chờ đợi kết luận, ông Tuấn khuyến cáo rằng người dân cần tự bảo vệ mình bằng cách mua nước đóng bình, chai ở những cơ sở đã đăng ký kinh doanh, được cơ quan y tế cấp giấy phép đạt vệ sinh an toàn thực phẩm và công bố tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trao đổi về tác hại có thể của loại nước có độ pH không đạt chuẩn này lên cơ thể con người, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quốc Quyền (Viện Hóa học) cho rằng, những bình nước trên có độ pH như vậy sẽ có tính axit. Thứ nước này khi đưa vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh hóa trong cơ thể. Cụ thể, thứ nước này cũng có thể gây đau bụng, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa cũng như quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Đặc biệt, với người bị đau dạ dày (vốn có nhiều axit), nó sẽ làm tăng thêm mức độ đau.

9 cơ sở không đạt chuẩn:
• Công ty trách nhiệm hữu hạn Linh Hằng (tổ 16 thị trấn Đông Anh, Đông Anh), nhãn hiệu nước Aquachi.
• Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Hòa Phát (ngách 29/25 tổ 6 phường Thượng Thanh, Long Biên), nhãn hiệu Waterno.
• Công ty trách nhiệm hữu hạn Suối Tiên (thôn An Đà, Đặng Xá, Gia Lâm).
• Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ Bình Dương (40, ngõ 408 Đức Giang, Long Biên).
• Hợp tác xã thương bình 19/2 (Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng).
• Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ môi trường (ngõ 76, đường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai).
• Cơ sở sản xuất nước đóng bình Jeden Voda (Km5 quốc lộ 2, xã Phú Cường, Sóc Sơn), nhãn hiệu Jeden Voda.
• Công ty cổ phần thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu 24 quốc tế (số 6, ngõ 8, Phùng Khoang, Từ Liêm).
• Công ty cổ phần Rượu Hà Nội – nước giải khát only (số 1, ngõ 484 Hà Huy Tập, Yên Viên, Gia Lâm), nhãn hiệu Only.