Sơn La thống kê diện tích trồng đào sau chỉ đạo cấm chặt đào rừng

Liên quan đến việc cấm chặt, kinh doanh đào rừng của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương ở tỉnh Sơn La đã triển khai thống kê diện tích đào mà người dân đã trồng để phân biệt đâu là đào rừng, đào người dân trồng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vũ Thanh Hải – Phó chủ tịch UBND huyện Vân Hồ cho biết, chính quyền địa phương vừa triển khai cuộc họp giữa huyện và các xã trên địa bàn, trước hết là để tham vấn ý kiến của các xã sau đó sẽ có báo cáo cụ thể để báo cáo với UBND tỉnh.

Huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đang thống kê diện tích đào trồng. Ảnh: Minh Nguyễn.

Theo ông Hải, hiện UBND huyện đã chỉ đạo các xã tổ chức thống kê diện tích đào mà người dân đã trồng, thời gian rồi địa điểm trồng và cần phân biệt đâu là đào rừng và đào người dân trồng. Bởi nhiều diện tích đào người dân trồng từ lâu năm trên nương, đồi của mình giống như cây mơ, mận.

Còn ông Tếnh A Chìa, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ thì cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 300ha trồng cây đào lấy hoa để bán dịp tết.

“Vào năm trở lại đây cây đào được coi là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương. Vì cây đào có 3 nguồn thu chính là bán cành, gốc và quả. Trên địa bàn xã đa phần người dân chuyển đổi từ cây ngô sang trồng cây đào, hộ ít thì có vài nghìn m2 đất nương, đồi trồng đào. Nhiều hộ trông với quy mô lớn lên tới 2 – 3 ha. Mỗi nhà có vài trăm, thậm chí cả nghìn gốc đào trong vườn” – ông Chìa cho biết.

Chỉ tính riêng năm 2019, với diện tích 300ha trồng cây đào tại xã Lóng Luông, người dân thu được hơn 10 tỉ đồng từ bán gốc, bán cành cho thương lái về dưới xuôi kinh doanh. Có những hộ thu nhập vài trăm triệu tiền bán đào mỗi năm, cũng có nhiều gia đình không bán theo vườn mà tự chặt cành, bán gốc, giá trị mang lại rất lớn.

Đào cũng được trồng xen canh tại các đồi mơ, đồi mận… do các loại cây này thu hoạch theo mùa vụ khác nhau, riêng cây đào chỉ khi đến dịp gần tết người dân mới bán được.

Đào được tập kết trên tuyến QL6 vào dịp giáp tết. Ảnh: Minh Nguyễn

Chủ tịch xã Lóng Luông cho biết thêm, theo hướng dẫn của huyện, các xã có diện tích trồng đào sẽ có báo cáo tổng hợp cụ thể sau đó sẽ báo cáo huyện, để từ đó huyện báo cáo lên tỉnh, lên Trung ương.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Huy Anh, Chánh Văn Phòng UBND tỉnh Sơn La cho biết, hiện nay tỉnh đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vấn đề này. Bây giờ rất khó có thể đưa ra được tiêu chuẩn đánh giá đâu là đào rừng và đâu là đào trồng vì phần lớn đào người dân bán là đào trồng, có những cây người dân trồng cách đây 4 đến 5 năm rồi. Sau khi ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh Sơn La mới có thể đưa ra văn bản thực hiện cụ thể được.