EVFTA – Cơ hội càng lớn, càng nhiều gian nan

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên hiệp châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 đã tạo cơ hội bứt phá mới cho hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam; đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức về bảo đảm chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và hàng loạt vấn đề liên quan như: lao động, môi trường, phát triển bền vững… Từ đó, đòi hỏi ngành nông nghiệp nước ta phải thúc đẩy nhanh và mạnh quá trình tái cơ cấu để tận dụng tốt lợi thế EVFTA và tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bài 1 : Cơ hội vàng cho ngành nông nghiệp

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường EU với mức thuế ưu đãi. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu nông sản cộng với dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến giao thương giữa tất cả các quốc gia trên thế giới, thì sự mở cửa của thị trường EU đã mang đến cơ hội vàng cho các ngành hàng nông nghiệp nước ta khẳng định chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng.

Nông sản Việt, chất lượng châu Âu

Bắt đầu từ ngày 1-8-2020, một số doanh nghiệp đã xuất khẩu những lô hàng gạo đầu tiên sang châu Âu với mức thuế ưu đãi. Mới đây nhất, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu hơn 126 tấn gạo thơm sang châu Âu, được hưởng thuế suất 0%. Trước đó, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho ba khách hàng của Cộng hòa Liên bang Ðức với hai giống gạo thơm là ST 20 và Jasmine. Cùng mặt hàng gạo, giữa tháng 9-2020, đã có những lô hàng trái cây đầu tiên xuất sang châu Âu theo EVFTA. Đó là Công ty Vina T&T Group xuất khẩu một công-ten-nơ dừa tươi bằng đường tàu biển và ba tấn thanh long, 12 tấn bưởi bằng đường hàng không sang thị trường EU. Các sản phẩm đều bảo đảm truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn Global GAP; các nhà máy chế biến, đóng gói trái cây áp dụng tiêu chuẩn ISO, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP)… Dự kiến, trung bình mỗi tuần công ty sẽ xuất khoảng 20 tấn trái cây các loại sang thị trường này. Ngoài ra, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) cũng xuất khẩu lô hàng 100 tấn chanh leo đầu tiên sang châu Âu hưởng mức thuế ưu đãi.

Sơ chế thanh long xuất khẩu tại Công ty Good Life (Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Trần Mạnh

Đối với lĩnh vực thủy sản, EVFTA có hiệu lực đã đưa thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU như tôm nguyên liệu đông lạnh giảm từ mức 12 đến 20% xuống còn 0%. Và ngay đầu tháng 9-2020, nhà máy chế biến tôm Thông Thuận (tỉnh Ninh Thuận) đã có lô tôm đầu tiên xuất khẩu sang EU theo EVFTA. Đây là lô tôm thẻ chân trắng làm theo tiêu chuẩn ASC (tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, dựa trên bốn nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm). Dự kiến, mỗi tháng, doanh nghiệp sẽ xuất khoảng 700 tấn tôm sang EU. Tính chung, đơn hàng tôm tháng 8-2020 của Việt Nam – chỉ một tháng sau khi EVFTA có hiệu lực – đã tăng 10%, kim ngạch xuất khẩu (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019).

Không chỉ nông sản, thủy sản, mà EVFTA cũng tác động mạnh đến ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn trong những năm qua là các sản phẩm gỗ. Trong đại dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp gỗ phải ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng nhưng một số doanh nghiệp vẫn ổn định nhờ chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường EU. Cụ thể như Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành hiện có hai nhà máy tại TP Hồ Chí Minh với công suất 2.500 m3 gỗ thành phẩm/năm và nhà máy tại Bình Dương công suất 6.000 m3 gỗ thành phẩm/năm. Công ty sẵn sàng đáp ứng các đơn hàng đòi hỏi kỹ thuật cao do đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001: 2015. Bên cạnh đó, sản phẩm của Công ty Đức Thành cũng đạt các chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu (CE) và quy chuẩn Việt Nam (CR), cho nên dễ dàng thâm nhập vào thị trường EU, nhất là sau khi EVFTA có hiệu lực… Nhờ đó, tính chung giá trị đơn hàng trong tháng 9 của công ty đã tăng gấp ba lần tháng 8-2020 và có nhiều đơn đặt hàng dành cho năm 2021. Hay như Công ty cổ phần Woodsland (Hà Nội) là nhà cung cấp gỗ luôn tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn chất lượng và đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của thị trường EU. Tổng Giám đốc Công ty Vũ Hải Bằng cho biết: Trong dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường xuất khẩu châu Âu. Tuy nhiên, sau khi EVFTA có hiệu lực, với các quy định rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu gỗ lại là đòn bẩy giúp doanh nghiệp lấy lại được các đơn hàng và hưởng mức thuế ưu đãi do việc thực hiện theo tiêu chuẩn châu Âu vốn là thế mạnh của doanh nghiệp từ trước đến nay.

Cú huých lớn cho xuất khẩu

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã nhanh chóng tận dụng được lợi thế ưu đãi thuế quan để xuất khẩu hàng sang EU. Với những bước đi ban đầu thuận lợi đó, EVFTA được coi là “cú huých” lớn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nước ta. Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam có tính bổ trợ lẫn nhau, chứ không cạnh tranh trực tiếp, nhất là với các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới và nông sản chế biến mà thị trường EU có nhu cầu cao. Ngoài ra, thông qua quan hệ thương mại và đầu tư với EU, Việt Nam cũng sẽ được cải thiện về năng lực công nghệ, năng lực quản trị hiện đại, từng bước chuẩn hóa, nâng cấp các quy trình sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Thị Thu Sắc nhận định: EVFTA là “cơ hội vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam bởi trước hết, nó sẽ làm tăng sức cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng ngành ở các nước lân cận nhờ hưởng mức thuế suất ưu đãi vào EU. Từ đó doanh nghiệp tiếp cận được những thị trường, khách hàng tiềm năng chưa được khai thác. Tiếp đến là thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm để đáp ứng theo tiêu chuẩn EU. Mặt khác, môi trường kinh doanh cũng sẽ được bảo đảm ổn định và minh bạch hơn vì hệ thống pháp luật cũng được điều chỉnh, bổ sung quy định để phù hợp với các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Theo đó, doanh nghiệp cũng buộc phải tự thay đổi, điều chỉnh, đầu tư vào hệ thống quản lý để ngày càng hoàn thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối tác trong hiệp định, như sử dụng các công cụ quản lý ERP-SAP bao gồm quản lý quan hệ khách hàng (CRM), quản lý tài chính kế toán, quản lý nguồn nhân lực, quản lý dòng sản phẩm và quản lý chuỗi cung ứng.

Còn đối với lúa gạo – ngành hàng chiến lược của nước ta thì EVFTA thật sự mang đến những ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường chất lượng, giá trị gia tăng cao. Từ nhiều năm nay, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới về sản lượng nhưng giá bán hầu hết các chủng loại gạo đều ở mức thấp so với nhiều quốc gia khác, kéo theo kim ngạch xuất khẩu chưa tương xứng sản lượng bán ra. Thế nhưng, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo xuất khẩu vào EU đã tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể trước EVFTA, giá gạo ST 20 xuất khẩu sang EU khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine là 520 USD/tấn, thì giờ đây mức giá tương đương là hơn 1.000 USD/tấn và 600 USD/tấn. Đây không chỉ là niềm vui về sự tăng giá bán mà nó còn là niềm tự hào vì gạo Việt Nam khẳng định được chất lượng và sự ưa chuộng tại thị trường khó tính bậc nhất thế giới là châu Âu. Trong bối cảnh ngành hàng này đang loay hoay trước những biến động và bất ổn từ các thị trường truyền thống thì sự mở cửa của thị trường châu Âu như một luồng gió mới, tạo ra những khởi sắc cho xuất khẩu gạo Việt. Cơ hội và sự kỳ vọng này là hoàn toàn có cơ sở vì xét về dung lượng thị trường, xu thế sử dụng gạo ở EU đang tăng lên đáng kể. Theo thống kê, hiện mỗi năm EU tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo. Trong khi đó, năm 2019, nước ta mới chỉ xuất khẩu được khoảng 50.000 tấn vào thị trường này với kim ngạch đạt khoảng 28,5 triệu ơ-rô. Theo Bộ Công thương, thời gian qua, gạo Việt Nam vắng bóng tại thị trường EU một phần vì thuế suất EU áp lên gạo Việt Nam khá cao, ở mức 175 ơ-rô/tấn với gạo xay xát, 65 ơ-rô/tấn với gạo tấm và 211 ơ-rô/tấn với thóc, nhưng theo cam kết EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) được hưởng thuế suất 0%; đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau từ 3 đến 5 năm sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ rệt cho gạo Việt Nam.

Trong khi đó, EVFTA được dự báo sẽ tạo cơ hội bứt phá cho các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang EU. Trước đó, Việt Nam và EU cũng đã ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2019. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho rằng: Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường EU sản phẩm đồ gỗ tinh chế nội thất, ngoại thất có giá trị gia tăng cao. Với cam kết EVFTA, mặc dù xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường này không thể gia tăng đột biến nhưng hoàn toàn có thể hy vọng trị giá sẽ tăng lên, do đó sẽ thu về lợi nhuận lớn hơn. Khi thực thi hiệp định, có tới hơn 3.000 doanh nghiệp gỗ; 324 làng nghề có kinh doanh trong lĩnh vực chế biến gỗ và 1,4 triệu hộ nông dân trồng rừng có cơ hội phát triển sản phẩm chất lượng vượt trội và nâng cao thu nhập của mình. Hiện, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu tổng số 253 mặt hàng gỗ vào EU với kim ngạch hơn 500 triệu USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Việt Nam cam kết bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU và EU bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan đến nông sản, thực phẩm. Đây là điều kiện thuận lợi để nông sản nước ta tiếp cận và khẳng định thương hiệu tại thị trường EU. Ngay từ khi EVFTA có hiệu lực ngày 1-8-2020, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU ghi nhận tăng trưởng rõ rệt. So với tháng 7-2020, trị giá xuất khẩu sang EU trong tháng 8 và tháng 9-2020 lần lượt tăng 11,5% và 32,4%.