Miền Tây sẽ xuất khẩu năng lượng

Nhiều tỉnh ĐBSCL chú trọng khai thác tiềm năng từ năng lượng tái tạo như: điện gió, điện mặt trời… Đây là một trong những hướng đi bền vững, góp phần bảo vệ môi trường trước điều kiện biến đổi khí hậu.

ĐBSCL nhận trung bình 2.200 – 2.500 giờ nắng/năm với năng lượng bức xạ mặt trời trung bình ngày 4,3 – 4,9 KWh/m2 nên tiềm năng khai thác năng lượng mặt trời rất lớn. Ước tính, cứ 1 m2 lắp đặt các tấm pin mặt trời, có thể thu số lượng điện 5 KWh/ngày. Bên cạnh đó, vùng có đường bờ biển và các hải đảo với chiều dài khoảng 700 km, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng đến 360.000 km2, điều kiện gió biển ven bờ mạnh khoảng 5,5 – 6 m/giây ở độ cao 80 m nên có tiềm năng khai thác năng lượng gió đạt từ 1.200 – 1.500 MW.

Bạc Liêu là tỉnh đi đầu trong phát triển điện gió khi nơi đây có 2 nhà máy điện gió hòa vào lưới điện quốc gia là Bạc Liêu 1 và Bạc Liêu 2. Trong những năm gần đây, tỉnh Trà Vinh cũng kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào phát triển điện gió, điện mặt trời.

Một dự án điện gió ở tỉnh Bạc Liêu .Ảnh: PHÚC NGUYÊN

Dự án điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh với tổng công suất 140 MW đã vận hành thương mại vào năm 2019. Ngoài ra, UBND tỉnh Trà Vinh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất 270 MW.

Tỉnh Sóc Trăng cũng vừa được trung ương chấp thuận bổ sung quy hoạch 20 dự án điện gió. Dự kiến tháng 10-2021 đưa vào vận hành 8 dự án, số còn lại vận hành năm 2022 và 2023.

Ở Bến Tre, từ nay đến năm 2030 tỉnh này được Bộ Công Thương phê duyệt về phát triển điện gió ở vùng đất liền ven biển và vùng bãi bồi với diện tích 39.320 ha. Đến hiện tại, Bến Tre được phê duyệt 6 nhà máy điện gió.

Ngoài điện gió, điện mặt trời thì điện khí cũng được nhiều địa phương trong vùng nhắm đến. Vừa qua, tỉnh Bạc Liêu đã thu hút được dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) 3.200 MW với tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào “Quy hoạch điện VII điều chỉnh”. Dự án này đã đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất ĐBSCL.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – Trường ĐH Cần Thơ, nhận định: “Việc chuyển dịch từ nhiệt điện than sang năng lượng tái tạo tại ĐBSCL sẽ không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu than nhập khẩu mà tận dụng nguyên liệu sẵn có là năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Từ đó cũng giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Theo Trung tâm Phát triển Sáng Tạo Xanh (GreenID), nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu giảm công suất điện than. Cụ thể ở Trung Quốc, vào năm 2015, nếu như nước này cấp phép cho các nhà máy điện than với công suất 184 GW thì vào năm 2018 đã giảm, chỉ còn 5 GW. Hàn Quốc cũng đã đóng cửa một nhà máy điện than lớn…

Theo dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, sắp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay, xác định ĐBSCL là vùng xuất khẩu năng lượng. “Theo quy hoạch ngành điện sẽ tập trung vào năng lượng tái tạo và LNG, không xây dựng mới nhà máy điện than. Đấu giá công suất điện mặt trời và điện gió theo tiểu vùng, tùy vào công suất truyền tải. Ngoài ra, ĐBSCL được quy hoạch xuất khẩu điện cho vùng Đông Nam Bộ” – PGS-TS Lê Anh Tuấn thông tin.