Hơn 300 đại biểu Quốc hội bác việc tách Luật Giao thông đường bộ

Sau khi được gửi phiếu xin ý kiến, 302 đại biểu Quốc hội không tán thành tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành; 321 người không đồng ý chuyển thẩm quyền cấp GPLX sang Bộ Công an.

Sáng 17/11, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự thảo Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đây là hai dự luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành, do hai cơ quan khác nhau chủ trì soạn thảo là Bộ GTVT và Bộ Công an.

Tuy nhiên, khi đem ra thảo luận tại Quốc hội, hai dự án luật này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Vì vậy, theo đa số góp ý của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến về nội dung này.

Đa số đại biểu Quốc hội không đồng ý tách luật Giao thông đường bộ và không chuyển thẩm quyền cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Ảnh: Quốc hội.

Kết quả xin ý kiến về việc có tách thành hai luật hay không, có 302 đại biểu Quốc hội không tán thành việc tách luật (62,79% tổng số đại biểu Quốc hội) và 102 đại biểu tán thành (21,62% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung thứ hai được nêu ra trong phiếu xin ý kiến là việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, phần lớn đại biểu Quốc hội không ủng hộ. Theo đó, có 321 đại biểu Quốc hội (66,74% tổng số đại biểu Quốc hội) chọn phương án “không chuyển”; và có 86 đại biểu Quốc hội chọn phương án chuyển (17,88% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung thứ ba được đưa ra lấy phiếu thăm dò là việc chuyển dự thảo luật này sang xem xét tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội nhiệm kỳ sau (khoá XV). Kết quả có 251 phiếu xin ý kiến thể hiện quan điểm tán thành phương án này (52,18% tổng số đại biểu Quốc hội).