Lắng nghe… thiên tai

Lắng nghe thiên tai là lắng nghe những chất vấn không ‘êm tai’ của đại biểu nhân dân, dù có chưa trọn vẹn thì đó cũng là một lời đề nghị, một thỉnh cầu tha thiết, rằng thiên tai có mối liên hệ nào không với những hoạt động kinh tế của con người như dự án thủy điện, với mất mát rừng tự nhiên…

Hàng nghìn ngôi nhà của người dân ở Quảng Trị bị nước lũ thiên tai nhấn chìm. (Ảnh: VOV)

Nghị trường Quốc hội ngày 6/11 và trong dư luận các ngày sau đó được làm nóng với chất vấn của Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về vấn đề mất rừng, phát triển thủy điện hiện nay.

Sở dĩ chất vấn của bà Ksor H’Bơ Khăp trở thành đề tài nóng được bàn luận đa chiều trên mạng xã hội lẫn báo giới, cùng dư luận là vì, miền Trung vừa liên tiếp trải qua lũ lụt, bão dữ, rồi đến sạt lở núi nghiêm trọng khiến nhiều người thiệt mạng tại Huế, Quảng Trị, Quảng Nam…

Thiên tai, mất mát, bao năm rồi miền Trung vẫn phải gánh chịu nạn này như một niềm đau được hẹn trước. Đó vừa là do vị trí địa lý, nhưng khi bão lũ, thiên tai ngày càng khắc nghiệt thì không thể phủ nhận sự tác động từ hoạt động của con người.

Nạn phá rừng, các dự án thủy điện mọc lên, độc canh trong trồng rừng… đã làm dấy lên nỗi lo, bất kể việc này bắt đầu vì ai, vì điều gì thì cũng thấy ở đó có những mối nguy.

Và thật vậy, sạt lở núi, lũ lụt lớn… vừa qua khiến mọi người có thêm lý do để tin vào những tác nhân đến từ con người trong biểu hiện của thiên tai khắc nghiệt bất thường càng ngày càng nguy hiểm, khó lường.

Cũng chính vì vậy, mặc dù có những luận cứ chất vấn của bà Ksor H’Bơ Khăp còn những điểm cần tìm hiểu thêm liên quan đến lập luận về rừng trồng, cây cao su, khí thải từ loại cây này… nhưng lại được một bộ phận đông đảo trong dư luận đồng tình. Có lẽ, bà đã nói đúng vào niềm tâm tư của họ, những người dân chứng kiến lũ lụt, sạt lở gây mất mát cho đồng bào mình ở miền Trung.

Từ những sự đồng thuận trong dư luận này, có lẽ việc của các cơ quan chức năng liên quan đến tài nguyên, môi trường là cần tìm ra nguyên nhân, giải pháp để trả lời cho người dân bằng thực tiễn. Có phải vì rừng mất đi nhiều và thủy điện nở rộ, trồng rừng thiếu khoa học… đã là nguyên nhân dẫn đến của thiên tai bất thường, gây hậu quả kinh hoàng hiện nay?

Nếu thế thì ai chịu trách nhiệm cho những sự cố được gọi tên “thiên tai” nhưng có phần góp mặt của bàn tay con người, trong đó có trách nhiệm của các bộ ngành liên quan?

Lắng nghe thiên tai là để tìm cho được nguyên nhân dẫn tới hiện tượng mà chính nó làm hao người, tốn của cả đất nước không biết bao nhiêu kể này. Và từ đó có sự điều chỉnh trong chính sách phát triển, công tác quản lý và khai thác nguồn tài nguyên rừng của đất nước.

Việt Nam từ xưa đã tự hào là có “rừng vàng biển bạc”, những tài nguyên vô giá đến từ thiên nhiên vốn là thế mạnh này có lẽ đã không còn vẹn nguyên. Và có lẽ, vì quá “tự tin” vào sự dồi dào của tài nguyên rừng mà chúng ta đã có thời gian khai thác thái quá, thiếu quản lý một cách khoa học và bền vững?

Cách đây khoảng vài chục năm, những vùng quê miền Trung có rừng nhiều, thanh niên trai tráng làm nghề “đi núi” săn những bảng cây lớn. Họ giàu lên từ rừng nhưng rừng nghèo đi vì họ. Sau đó là thủy điện, rồi đến những rừng keo lá tràm được quy hoạch trồng vi vút khắp các miền quê. Nhưng cây keo lá tràm không phải là cây lâu năm và hút nước nhiều, rễ không bám sâu nên khi mưa lâu không có độ bám chắc. Trồng rừng keo độc canh nên thảm thực vật không đa dạng…

Rất nhiều những trăn trở đó cũng là nỗi lo chưa thể nào hóa giải của người dân trước nạn thiên tai, khi những cơn bão vẫn lăm le ngoài Biển Đông, rồi đến áp thấp nhiệt đới, mưa to kéo dài trong tháng 11 này…

Những ngày vừa qua, cả nước hướng về miền Trung để cứu trợ khẩn cấp. Những chuyến hàng nặng trĩu ân tình của người dân đã, đang và sẽ xoa dịu bớt nỗi đau, mất mát, phần nào giúp đồng bào khắc phục khó khăn. Nhưng rồi sao nữa, sau bão lụt, rừng vẫn tiếp tục mất, thủy điện tiếp tục nở rộ… thì nguy cơ bão lụt, sạt lở sẽ lại rơi xuống những mái nhà dân.

Lắng nghe thiên tai vì thế cũng là lắng nghe dân, lắng nghe nỗi khổ mà người dân đang gánh chịu. Nỗi khổ đó không chỉ của một số ít người cá biệt mà cả một miền Trung trắng trời mưa bão, nhìn xuống chỉ thấy một màu đục ngầu của nước lụt.

Lắng nghe thiên tai vì thế cũng là lắng nghe dân, lắng nghe nỗi khổ mà người dân đang gánh chịu. Nỗi khổ đó không chỉ của một số ít người cá biệt mà cả một miền Trung trắng trời mưa bão, nhìn xuống chỉ thấy một màu đục ngầu của nước lụt. Là những cái gục đầu, thảng thốt của những em bé mất cha mẹ chỉ sau một cơn lũ quét qua mái nhà. Là nỗi lo bạc mái đầu người dân dải đất cong cong và cả thao thức của hàng triệu con người khác.

Nếu thiên tai không nghiêm trọng như vừa rồi thì nguồn lực dành cho cứu trợ có thể để lo cho những chuyện quốc kế dân sinh khác. Lúc đó, người dân đã nghèo cũng đỡ một cái eo, bớt thắt ngặt khi đang phải gánh chịu khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Lắng nghe thiên tai còn là lắng nghe những chất vấn không êm tai của đại biểu nhân dân, dù có chưa thật trọn vẹn thì đó cũng là một lời đề nghị, một thỉnh cầu tha thiết, rằng thiên tai có mối liên hệ nào không với những dự án thủy điện kia, với mất mát rừng tự nhiên… Nếu có thì phải có giải pháp chứ không phải vòng vo, nói tránh, nói giảm đi để yên lòng dư luận một cách tạm thời, trong khi nguy cơ vẫn còn đó, chưa được ngăn lại bằng những chính sách căn cơ, mang tầm quốc gia và hướng tới những mục tiêu bền vững.

Lắng nghe thiên tai còn là lắng nghe những chất vấn không êm tai của đại biểu nhân dân, dù có chưa thật trọn vẹn thì đó cũng là một lời đề nghị, một thỉnh cầu tha thiết, rằng thiên tai có mối liên hệ nào không với những dự án thủy điện kia, với mất mát rừng tự nhiên…