Tổng cục Lâm nghiệp: Chỉ chuyển mục đích sử dụng rừng khi không có phương án thay thế

Những trận mưa lũ diễn ra ngày càng khốc liệt, những vụ sạt lở đất như trong vụ Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) hay sạt lở đất ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vừa qua đã gây thiệt hại lớn về người và của.

Điều này như một lời cảnh báo từ thiên nhiên cũng như dư luận đặt ra dấu hỏi về hiệu quả của việc trồng rừng, quản lý rừng khi mà nạn phá rừng vẫn diễn ra ở một số địa phương, các công trình thủy điện nhỏ mọc lên cũng góp phần thu hẹp diện tích rừng.

Khối lượng bùn đất rất lớn đã đổ xuống thôn Cợp (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) sau vụ sạt lở kinh hoàng. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo Luật Lâm nghiệp việc quản lý và bảo vệ rừng phải theo hướng phát triển bền vững. Trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Những nơi được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải có đủ các tiêu chí, điều kiện.

Những dự án được chuyển đổi sử dụng rừng phải là các dự án phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, phù hợp với kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng; dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Đây cũng là các dự án thực sự cần thiết, không thể có phương án nào thay thế được và phải có báo cáo đánh giá hiện trạng rừng cụ thể”, ông Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.

Luật Lâm nghiệp cũng quy định rất rõ, không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Thủ tướng phê duyệt.

Ông Nguyễn Quốc Trị cho biết, hiện trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được thực hiện nghiêm ngặt theo Nghị định 83/2020/NĐ-CP ngày 15/17/2020 sử đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Về thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã được quy định rất rõ trong Điều 20 của Luật Lâm nghiệp. Theo đó, Quốc hội quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên.

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20ha đến dưới 50 ha; rừng phòng hộ chắn giá, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chăn sóng, lấn biển dưới 20 ha; rừng sản xuất dưới 50 ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư.

Tổng cục Lâm nghiệp là đơn vị chuyên môn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển giao thẩm định các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để trình Bộ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội theo đúng quy định pháp luật.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, thời gian vừa qua, biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, làm cho mưa lớn, nắng nóng, hạn hán với cường độ cao. Phát triển rừng được coi là con đường ngắn nhất để chống biến đổi khí hậu.