Thủy điện nhỏ: Đừng đánh đổi thiên nhiên vì lợi ích một số người

ThienNhien.Net – “Thủy điện nhỏ thân thiện với môi trường hãy làm, còn kiểu như hiện nay thì có rất nhiều hệ lụy. Thủy điện đang làm cho vấn đề môi trường ngày càng trở nên căng thẳng hơn”, ông Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu nói.

Thủy điện nhỏ (dưới 30 MW) đã được các chuyên gia lên tiếng rất nhiều lần về chuyện “lợi bất cập hại”. Vì nhiều lý do, tỉnh Quảng Ngãi vẫn chiều lòng các nhà đầu tư, sẵn sàng bổ sung vào quy hoạch những loại thủy điện này.

Ngày 18.4.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng ký công văn số 2202/UBND-CNXD gửi Sở Công Thương, yêu cầu Sở Công Thương tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét việc lập quy hoạch điều chỉnh, bổ sung các dự án thủy điện vào quy hoạch thủy điện nhỏ tỉnh Quảng Ngãi.

Cùng ngày, ông Căng cũng ký quyết định số 703/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thủy điện Sông Liên 1 với công suất 15 MW (chủ đầu tư là Công ty TNHH thủy điện Sông Liên, địa chỉ trụ sở chính thôn Suối Loa, xã Ba Động, huyện Ba Tơ).

Trước đó, ngày 17.4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc bổ sung dự án thủy điện Núi Ngang (xã Ba Liên, huyện Ba Tơ) vào quy hoạch thủy điện nhỏ tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây, nhà đầu tư sẽ làm dự án thủy điện kết hợp thủy lợi với công suất 0,7 MW với tổng mức đầu tư 19 tỉ đồng.

Nhiều dự án thủy điện nhỏ ở Quảng Ngãi được quy hoạch (Ảnh: Lê Đình Dũng)

Chưa dừng lại, trước đó vào ngày 11.4.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng cũng đã ký công văn gửi các Sở Công Thương, TN-MT, UBND huyện Ba Tơ… đề nghị đi kiểm tra một vị trí mà Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Tân xin làm thủy điện…

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho biết, những thủy điện dưới 30 MW, Quốc hội đã có chính sách cần hạn chế và loại bỏ vì gây ra rất nhiều hệ lụy xấu về môi trường, dân cư mà đóng góp không được bao nhiêu cho lưới điện.

Về thủy điện siêu nhỏ 0,7 MW tại Quảng Ngãi, ông Hồng cho rằng loại thủy điện nhỏ này chủ yếu là do các hộ gia đình họ làm. Còn đã lên đến tỉnh thì không bao giờ họ làm những dự án nhỏ như vậy. Do đó, ông Hồng cho rằng cần thiết phải xem xét lại những vấn đề đằng sau dự án.

“Khi mùa cạn người ta cần nước thì anh có để nước cho người ta hay anh tích nước phát điện, đến mùa lũ thì lạ xả? Còn những điều như không phải di dân, không phải đền bù có thể chỉ để che đậy”, ông Hồng nói.

Cũng theo ông Hồng, quy trình tích nước và xả nước của thủy điện hoàn toàn ngược với thủy lợi. Thủy điện là quy trình điều tiết ngày, trong ngày chỉ mở 2-3 lần thôi, còn lại phải tích nước đủ để phát điện. Bản thân người dân hạ du sẽ lấy nước ở đâu để phục vụ cuộc sống? Hạ du không cần thủy điện nhỏ làm gì.

“Thủy điện nhỏ này không đóng góp gì cho điện năng Nhà nước. Có thể họ có mục đích khác khi đầu tư vào những thủy điện nhỏ như vậy như khai thác rừng, khoáng sản chứ không phải khai thác điện”, chuyên gia này nhận định.

Cùng quan điểm, trao đổi với Một Thế Giới, ông Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) nhấn mạnh rằng, Quốc hội và các Bộ, Ngành đã có nhiều đánh giá và dừng hàng trăm thủy điện nhỏ, dưới 30 MW. Lý do là khi làm thủy điện, người ta không chú ý đến môi trường, phá rừng đầu nguồn, khai thác gỗ gây hại cho môi trường rất lớn.

“Tôi đi các tỉnh, không những họ không dừng mà vẫn đang tìm kiếm, kêu gọi và doanh nghiệp tranh nhau đầu tư thủy điện bởi lợi nhuận từ đầu tư thủy điện không ít”, ông Tứ nói.

Theo chuyên gia này, họ liên tục bổ sung các dự án thủy điện nhỏ vào quy hoạch là không nên, bởi vì mỗi lần bổ sung đều phải đánh giá lại tác động môi trường và tính toán rất nhiều vấn đề. Trong khi đó, thủy điện nhỏ chỉ nên xây ở các vùng sâu, vùng xa, nơi lưới điện quốc gia không đến được.

“Tuy nhiên, thủy điện nhỏ này phải thân thiện với môi trường thì mới nên làm, còn cứ làm kiểu thủy điện như hiện nay thì có rất nhiều hệ lụy đến môi trường và dân cư. Thủy điện đang làm cho vấn đề môi trường ngày càng trở nên căng thẳng hơn”, ông Tứ nói.

Chuyên gia này cũng chia sẻ rằng: “Ở rất nhiều thủy điện nhỏ, chúng tôi thấy họ bỏ qua rất nhiều hạng mục, máy móc cũ kĩ, xây dựng bừa bãi. Nên tránh việc lấy thiên nhiên sinh lời cho bản thân một số người”.

Theo đó, ông Tứ đề nghị các tỉnh hãy xem lại Nghị quyết của Quốc hội vì sao phải dừng các thủy điện nhỏ. Các tỉnh phải nghĩ đến lợi ích chung của môi trường, nghĩ đến rừng đầu nguồn, đến khô hạn, lũ lụt… trước khi nghĩ đến việc làm ra tiền.

“Các nhà đầu tư được hưởng lợi nó chứ không phải là người dân, không phải ngành điện cũng không phải môi trường. Cũng cần đánh giá xem hiện nay việc phát triển của chúng ta cần bao nhiêu điện, có thiếu điện hay không mà phải làm những thủy điện quá nhỏ như thế?”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo đó, chuyên gia này cho rằng, với những  thủy điện nhỏ,  Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của Nhật Bản.

“Họ không làm đập lớn, không xây hồ, ngập rừng, không chặt gỗ… Còn ở chúng ta thì một thủy điện nhỏ làm tan nát cả dòng sông”, ông Tứ nhấn mạnh.

Quảng Ngãi từng loại bỏ nhiều thủy điện khỏi quy hoạch

Trong nỗ lực loại bỏ dần thủy điện nhỏ (dưới 30MW), thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội, thời gian qua Bộ Công Thương đã loại khỏi quy hoạch gần 500 dự án thủy điện nhỏ và không đưa vào diện xem xét quy hoạch 213 dự án.

Tính đến thời điểm năm 2013, toàn tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch 25 dự án thủy điện với tổng công suất là 438,6 MW. Sau đó qua hai đợt rà soát và loại khỏi quy hoạch thì còn 18 dự án. Tiếp tục trong năm nay, tỉnh Quảng Ngãi đã trình lên Bộ Công Thương xem xét loại khỏi quy hoạch thêm 6 dự án. Tất cả những dự án xin loại bỏ đều có nguyên nhân là ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, cộng đồng dân cư không đồng thuận và không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.